Sau giãn cách, nhà đầu tư “ngộp hàng” mong mỏi từng ngày để bán ra
Trên thị trường bất động sản sẽ có khoảng 20 - 30% nhà đầu tư bất động sản chờ đợi thị trường trở lại sau giãn cách để “ra hàng”.
Đó đa số là những nhà đầu tư bị "ngộp" tài chính do dịch kéo dài. Họ đã cố gồng trong 3 - 4 tháng dịch, chỉ cần thị trường có tín hiệu trở lại là nhờ môi giới rao bán. Tuy nhiên, đây không phải dạng nhà đầu tư bán tháo hoặc giảm giá mạnh. Họ vẫn căn theo giá thị trường hiện tại để chào bán hoặc có thể thương lượng để giảm chút đỉnh từ 3 - 5%.
Chị B., ngụ TP.HCM hiện đang nhờ môi giới bán 2 nền đất tại Long Thành (Đồng Nai) mà chị mua từ thời điểm cuối năm 2020. Do 2 nền đất này chị B. vay ngân hàng gần 1 nửa giá trị nên chị muốn bán để giải quyết áp lực tài chính. Do các đợt dịch diễn ra gần nhau kèm với đợt dịch vừa qua kéo dài nên 2 nền đất gần 2 tỷ của của chị B gần như chỉ nhích giá khoảng 5% so với giá mua vào. Trong khi, hàng tháng phải gánh lãi ngân hàng, nên chị B. sốt ruột muốn bán ra sau giãn cách. Theo chị B., nếu đó là tiền nhàn rỗi thì không đáng lo, để đó, dịch ổn hẳn sẽ lên giá tốt. Nhưng do một nửa là tiền đi vay ngân hàng, trong khi lo ngại dịch có thể bùng lại nên chị B. ráo riết bán ra ngay khi TP.HCM và các tỉnh phía Nam nới giãn cách.
"Xót tiền đóng ngân hàng hàng tháng quá, trong khi do dịch nên đất chỉ nhích giá nhẹ. Giờ muốn bán nhanh cũng khó vì thị trường cũng chưa khởi sắc, nhà đầu tư cũng chỉ mới bắt đầu trở lại thị trường, nên tôi phải đợi thêm", chị B. cho hay.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản nghỉ dưỡng biển chờ “lội ngược dòng" cuối năm
Khi các yêu cầu về giãn cách xã hội dần nới lỏng, loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đã rục rịch khởi động trở lại, đón làn sóng du lịch tăng mạnh hậu Covid-19.
Cũng như đa số các nước trên thế giới, ngành du lịch khách sạn tại Việt Nam đang hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong làn sóng dịch thứ tư này, do những quy định về đóng cửa biên giới quốc tế, hạn chế các đường bay trong nước và các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng vào sự khôi phục mạnh mẽ của ngành du lịch, kéo theo đó là sự tăng tốc của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Nhìn nhận cơ hội và rủi ro của thị trường trong bất động sản du lịch nghỉ dưỡng những tháng cuối năm, Reatimes ghi nhận quan điểm và phân tích của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam.
Việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoàn toàn khác với bất động sản nhà ở. Chu kỳ hoàn vốn của một bất động sản nhà ở thường rơi vào 3 - 5 năm, nhưng với bất động sản nghỉ dưỡng như khách sạn hoặc resort thì thời gian hoàn vốn rơi vào khoảng 8 - 10 năm, tương ứng với tỷ suất sinh lời 10 - 12%/năm.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Xây 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp: Khó khăn và giải pháp
Tác động của dịch Covid-19 khiến dòng người hồi hương ồ ạt rời khỏi TP.HCM, điều này cho thấy việc phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp vốn đã cấp thiết nay lại càng nóng bỏng hơn.
Lực lượng lao động nhập cư tại TP.HCM rất quan trọng, chiếm đa số lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, vừa qua, hàng vạn người rời TP.HCM về quê đã khiến rất nhiều nhà máy, công ty thiếu hụt nguồn lao động, một số nơi chỉ bảo đảm được khoảng 30% người tham gia sản xuất.
Vì vậy để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, rất cần lực lượng này quay trở lại TP.HCM. Nhiều cử tri kiến nghị, TP.HCM cần có chính sách cụ thể hơn, tốt hơn cho lực lượng lao động nhập cư ở những trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Một trong những việc đầu tiên cần làm sau đại dịch nhằm góp phần phục hồi kinh tế cho TP.HCM là phải phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động để họ yên tâm làm việc.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, hiện có rất đông người lao động đang ở trong các khu nhà trọ có diện tích chật hẹp. TP.HCM đón người từ các địa phương đến học tập, lao động, đóng góp cho thành phố nhưng việc chăm lo nhà ở và các chăm lo khác chưa được đầu tư đúng mức. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đang lên kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Bất động sản khu Tây Nam bước vào guồng quay tăng trưởng sau dịch
Được xem là một trong những “vùng trũng” của thị trường sau đại dịch, bất động sản khu Tây Nam cộng hưởng cùng các yếu tố về hạ tầng, cao tốc, công nghiệp... đang bước vào đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Sở hữu vị trí giáp ranh và là khu vực phát triển mạnh ở phía Tây Nam TP.HCM, những năm qua Long An là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp và logistic. Cùng với xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng trên toàn cầu, Long An cũng là tỉnh đặc biệt được chú trọng về đầu tư công, hạ tầng, cao tốc với nhiều công trình đang gấp rút được triển khai. Điển hình là tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, metro 3A Bến Thành - Tân Kiên cũng đang rục rịch khởi động trong khi cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ đang chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, tuyến đường Vành đai 4 (đi qua 5 tỉnh là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM và Long An, dài 198km) có ý nghĩa cực kỳ quan trong. Đoạn 4 của vành đai này từ QL22 (Củ Chi, TP.HCM) – cao tốc Tp.HCM (Bến Lức – Long An), bắt đầu tại quốc lộ 22 đi theo ĐT.823 đến thị trấn Hậu Nghĩa, đấu nối với đường ĐT.824 và ĐT.830, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Như vậy, sau khi hình thành đường vành đai 4 cùng với dự án đường Vành đai 3, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ tạo sự đồng bộ kết nối giao thông liên hoàn từ miền Tây vào TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Sắp trình Chính phủ dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn mới
Bộ Xây dựng dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý IV/2021.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, sau gần 10 năm thực hiện "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia", đến nay việc phát triển nhà ở đã đạt được một số kết quả. Cụ thể đến năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 24,4m2.
Tại khu vực đô thị đạt 25,1m2 sàn/người (tăng thêm 3,8m2 sàn/người so với năm 2011). Tại khu vực nông thôn năm 2020 đạt 24m2 sàn/người (tăng 6,2m2 sàn/người so với năm 2011).
Cả nước đã hoàn thành khoảng 260 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, tương ứng khoảng 110.000 căn, tương đương 5,5 triệu m2 nhà ở. Có hơn 270 dự án đang được triển khai, tương đương khoảng 256.000 căn, với tổng diện tích khoảng 12,8 triệu m2 nhà ở.