"Sốt đất ảo", giá nhảy múa trong ngày ở Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhà đầu tư rất dễ nếm "trái đắng"
Dù chỉ mới có thông tin một tập đoàn BĐS lớn đề xuất với chính quyền địa phương phương án đầu tư một dự án quy mô khoảng chừng 800ha tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu khoảng 1 tháng trước đây, thế nhưng trong những ngày qua, giá đất ở đây liên tục "nhảy múa" trong ngày.
Phía nhà đầu tư cũng chỉ mới đề xuất cho 2 công ty thành viên nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng Dự án khu đô thị, công nghiệp chế tạo sản xuất công nghệ cao trên khu đất của Công ty Cao Su Bà Rịa, nằm trên quốc lộ 56, phía Đông giáp địa phận xã Đá Bạc.
Mặc dù đã được cơ quan chức năng địa phương cảnh báo rủi ro, thế nhưng trước “cơn sốt đất” Bình Ba (huyện Châu Đức), nhiều người từ khắp nơi vẫn đổ về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để cùng môi giới săn lùng đất ở các khu vực lân cận, khiến giá tăng cao vùn vụt từng ngày. "Cò đất" có thể kiếm lời tới 80-100 triệu/ngày nhờ "cơn sốt" này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Những phân khúc bất động sản “đề kháng” tốt giữa tâm dịch Corona
Đến năm 2020 cả nước cần khoảng 700 nghìn căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân tại các đô thị trong cả nước. Mức giá bán căn hộ phổ biến trên thị trường khoảng 32 - 40 triệu đồng/m2 (tức khoảng 2,2 - 2,8 tỷ đồng/căn) đang rất được ưa chuộng. Bởi nguồn cung căn hộ ở phân khúc này đang ngày càng khan hiếm.
Theo các báo cáo và phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), chính vì nhu cầu ở thực của người dân hiện nay đang rất lớn nên hoạt động mua bán nhà chung cư vẫn đang được diễn ra, bất chấp dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM.
Khảo sát tại các văn phòng môi giới, đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Corona nên nhà đầu tư hạn chế đi lại, ngại khi đi xem dự án nhưng vẫn rất đông người tìm kiếm nhà để ở. Chung cư ít có sản phẩm mới nên các khách hàng có nhu cầu mua nhà phố sổ hồng, pháp lý rõ ràng. Ngoài ra, những sản phẩm nhà phố liền kề ở các dự án vùng ven TP cũng sẽ hút khách nếu vị trí tốt, pháp lý hoàn chỉnh và nhiều tiện ích.
“Giao dịch bất động sản trong ba tháng đầu năm 2020 có thể chậm lại vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bất động sản có sổ hồng trao tay vẫn giao dịch tốt. Cụ thể, phân khúc nhà phố vẫn tiếp tục là kênh đầu tư thu hút người mua”, một chuyên gia bất động sản nhận định.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Mở đầu thập kỷ mới, bất động sản TP.HCM đã vào giai đoạn “lâm nguy”
Dẫn số liệu từ Sở xây dựng TP.HCM, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, TP.HCM có 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, 158 dự án liên quan đến đất công nằm trong diện rà soát, thậm chí có dự án nằm trong diện điều tra, khởi tố.
Cả năm 2019, chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án so với năm 2018; chỉ có 4 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm 80% so với 2018… Đặc biệt không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư. Nếu năm 2018 có 74 dự án huy động vốn với quy mô hơn 27.300 căn hộ, năm 2019 chỉ còn 42 dự án với quy mô hơn 23.000 căn (giảm 43,2% dự án và giảm 15,6% quy mô căn hộ). Cũng trong năm 2019 toàn thành phố cấp gần 49.200 giấy phép xây dựng, giảm hơn 2.000 giấy phép so với năm 2018.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm trên dưới 50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp, dẫn đến bị sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận.
Các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại đứng trước rủi ro trong việc thu hồi nợ.
Có thể thấy, quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Được cấp “giấy khai sinh”, condotel "lớn lên" trong một thị trường minh bạch
Du nhập vào Việt Nam vào năm 2013, sản phẩm căn hộ du lịch (condotel) nhanh chóng gây sốt. Ước tính, trong giai đoạn 2016 - 2018 đã có khoảng 30.000 căn condotel được xây dựng và mở bán trên thị trường. Trong đó, riêng khu vực Nha Trang đã có hàng chục tòa condotel được xây dựng dọc ven biển và trung tâm thành phố, cao 30 - 40 tầng.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có khoảng 148 dự án condotel đến từ 52 chủ đầu tư tại nhiều tỉnh thành ven biển khắp cả nước. Trong giai đoạn 2017 - 2019, có khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ được tung ra thị trường. Trong đó, condotel tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận.
Giá trị của condotel được thể hiện ở chỗ, nếu người mua condotel như là ngôi nhà thứ hai để có nơi nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần, ngày lễ và tận hưởng cuộc sống giàu sang thì lợi nhuận của condotel lại không quá quan trọng. Những trường hợp này có lẽ không nhiều bởi với số tiền đầu tư đó, họ có nhiều lựa chọn khác như việc thuê resort, khách sạn 5 sao ở các nơi phù hợp hơn, đa dạng hơn trong các kỳ nghỉ dưỡng với chi phí rẻ hơn rất nhiều.
Nếu người mua xem việc mua condotel như là một kênh đầu tư với kỳ vọng lợi nhuận cao thì kỳ vọng của họ có thể là từ các cam kết của chủ đầu tư, từ việc condotel tăng giá trong tương lai, từ việc cho thuê lại căn hộ...
Theo số liệu thống kê của Grant Thornton trong báo cáo về thị trường khách sạn cao cấp của Việt Nam thì công suất bình quân cho thuê buồng phòng đối với khách sạn 4 sao của Việt Nam từ 2015 - 2018 là 52%, công suất khách sạn 5 sao là 71%. Giá cho thuê buồng phòng khách sạn 4 sao là 75 USD/phòng/đêm, khách sạn 5 sao là 102 USD/phòng/đêm. Như vậy, tổng doanh thu của mỗi buồng phòng hàng năm đối với khách sạn 4 sao là 330 triệu đồng, 5 sao là 647 triệu đồng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội sẽ kiểm tra hàng loạt các tòa nhà chung cư từ quý II
Sở Xây dựng Hà Nội tập trung làm rõ hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp trong sử dụng chung cư.
Nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những tồn tại trong quản lý, vận hành và sử dụng nhà chung cư, từ quý II/2020, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra hàng loạt các tòa nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô.
Theo kế hoạch, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đối tượng kiểm tra gồm ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có nhà chung cư.
Dự kiến, trong quý II/2020, đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra tại các quận, huyện Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì.