Aa

Bất động sản 24h: Sốt đất hạ nhiệt ở nhiều nơi

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Ba, 07/06/2022 - 10:30

Sốt đất hạ nhiệt ở nhiều nơi; Xuất hiện tình trạng nhà đầu tư chuyên phân lô bán nền gồng nợ lớn... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Sốt đất hạ nhiệt ở nhiều nơi

Nhiều người chấp nhận bỏ cọc hàng trăm triệu đồng khi mua đất ở tỉnh với giá cao.

Sau nhiều tháng tăng nóng và giao dịch sôi động, thời gian gần đây, thị trường bất động sản - cụ thể là đất nông nghiệp, đất đồi, đất ven sông, hồ - ở nhiều tỉnh, thành phía Nam và Tây Nguyên đã hạ nhiệt thấy rõ.

Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp, ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông..., thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc như: "Chuẩn bị tới ngày công chứng nhưng không xoay được tiền, bán thu hồi vốn 4ha đất có hồ, có nhà... ở Lâm Hà", "Cần ra nhanh đất đồi triền đẹp nằm ngay khu dân cư, thích hợp nghỉ dưỡng, trồng cây ăn trái, diện tích 4ha giá chỉ 3,5 tỷ đồng"... nhưng giao dịch thành công rất ít. Diễn biến này trái ngược với những tháng trước, lúc thị trường còn sôi động, chủ yếu người có nhu cầu đăng tìm mua đất, thậm chí nhiều người còn tranh nhau đặt cọc mỗi khi có ai đăng bán mảnh đất đẹp với giá cả hợp lý.

Ông Phan Tín - nhà ở khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - kể vài tháng trước, khi mới xuất hiện thông tin có doanh nghiệp lớn sắp đầu tư vào khu vực hồ Tà Đùng để làm dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng thì giá đất khu vực này "nhảy múa" liên tục. Có nhiều mảnh đất khách vừa đặt cọc đã tăng giá 2 - 3 lần, người mua chỉ sang tay tiền đặt cọc là có thể lời gấp đôi trong vài tuần. Đến nay, thị trường lắng dịu thấy rõ, một số người trót ôm đất giá cao đang phải chạy vạy khắp nơi tìm khách hàng bán lại.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Luật Quy hoạch bất cập, loạt quy hoạch “ách tắc”

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, Luật Quy hoạch 2017 đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên quá trình triển khai chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại chương trình Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Theo đó, tại báo cáo của Đoàn Giám sát Quốc hội, quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này tại Kỳ họp thứ nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn Giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ Luật Quy hoạch trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập ảnh hưởng đến tiến độ và việc thực hiện các dự án quy hoạch hiện nay.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Giá bất động sản liên tục tăng, vì sao?

Nền kinh tế tăng trưởng chậm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng khác với trước đây, BĐS không có dấu hiệu giảm tốc mà ngược lại còn liên tục tăng và đà tăng giá vẫn chưa dừng lại dù thanh khoản khá "èo uột".

Tại hội thảo chuyên đề “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 ngày 5/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng. Trong năm 2021, giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 - 7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 - 20%; giá đất nền tăng 20 - 30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc tăng giá trên thị trường bất động sản được cho là do yếu tố cung cầu, nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng giá nhà ở là do đầu cơ, tích trữ của một bộ phận nhà đầu tư.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Cảnh hoang lạnh của những "cao ốc" tái định cư giữa lòng Thủ đô

"Người cần không có, người có lại bỏ không". Đó là nghịch lý về phát triển nhà ở đang diễn ra nhiều năm nay tại Hà Nội, khi có hàng loạt chung cư tái định cư không được sử dụng đang dần rơi vào cảnh hoang tàn...

Mỗi ngày đi tập thể dục quanh đường Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội), ông Tiến đều không khỏi xót xa khi chứng kiến 3 tòa nhà chung cư kiên cố bị bỏ hoang, xuống cấp mỗi ngày. 

"Nhiều người như chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà ở, trong khi những tòa chung cư nằm ngay mặt đường, vị trí thuận tiện lại bỏ không mấy năm nay. Thật lãng phí một cách vô lý và khó hiểu", ông Tiến bức xúc nói. 

Trao đổi với Reatimes, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho biết, 3 tòa chung cư trong lời kể của ông Tiến là khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án hồ Đền Lừ 3 được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có người chuyển đến ở. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai quản lý. 

Theo quan sát của phóng viên, các căn hộ chung cư hiện vẫn im lìm nằm chờ chủ nhân và theo thời gian, không tránh khỏi sự nhếch nhác, hoang tàn, nhiều hạng mục bị hỏng hóc nặng. 

"Nhìn những tòa nhà ban ngày thì lạnh ngắt không bóng người, tối thì đen kịt vì không một ô cửa sáng đèn, ai cũng thấy tiếc vì ngoài kia còn biết bao người không có nhà để ở. Không biết họ sẽ để đó đến bao giờ nhưng như thế này thì lãng phí quá", bà Hoa, người bán hàng nước bên đường Tân Mai bày tỏ. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xuất hiện tình trạng nhà đầu tư chuyên phân lô bán nền gồng nợ lớn

Sự biến động của thị trường bất động sản cùng với khả năng thanh khoản khó khăn đẩy một số nhà đầu tư rơi vào tình cảnh phải gồng nợ lãi, thậm chí là phá sản.

Theo khảo sát, thị trường bất động sản đã bắt đầu ghi nhận hiện tượng một số nhà đầu tư rơi vào tình cảnh áp lực trả nợ lãi.

Một giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội (xin giấu tên) kể lại, một người bạn của ông tên V. là nhà đầu tư đến từ Vĩnh Phúc, đã có tới 7 năm trong kinh doanh bất động sản. Nhà đầu tư V. thường ôm lô đất lớn và tiến hành phân lô. Thông thường, ngoài vay ngân hàng, V. thường huy động vốn từ những khách hàng quen biết hoặc người thân theo hình thức chung vốn đầu tư. Số tiền lãi nhận được khoảng 10 - 20% cho một thương vụ thành công. Trước đó, đa phần các thương vụ mà anh V. huy động vốn mua đất đều thành công.

Tới năm 2021, anh V. ôm hơn 100 tỷ từ các khách hàng quen biết để mua đất, tính tới phân lô bán nền. Tuy nhiên, vụ việc không thành công do chính sách hạn chế phân lô đất nền. Một số lô đất khác của anh V. rơi vào tình trạng khó thanh khoản khiến nhà đầu tư này phá sản. Vị giám đốc sàn bất động sản ở Hà Nội chia sẻ thêm, do bị đòi nợ gắt, nên anh V. hiện không về nhà.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top