Doanh nghiệp địa ốc rục rịch phát hành trái phiếu trở lại sau thời gian “vắng bóng”
Sau một tháng thị trường “sạch bóng” doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu thì trong tháng 5 đã ghi nhận sự trở lại của một số doanh nghiệp với số lượng khá khiêm tốn.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu tháng 5 đến ngày 27/5 ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG và 28 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 15.681 tỷ đồng.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp bất động sản cũng đã phát hành riêng lẻ trở lại nhưng số lượng còn khiêm tốn. Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động nhiều nhất là 300 tỷ đồng; Bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ngày 12/5; hay Công ty cổ phần Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng chia làm 2 đợt.
Ngoài ra, có 2 doanh nghiệp bất động sản là Văn Phú INVEST và Hội An INVEST, trước đó cũng có một số đợt phát hành vào thời điểm cuối tháng 4 (28-29/4) và được cập nhật công bố trong kỳ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Phản đòn" siết vốn vào bất động sản, giá nhà sẽ tăng tiếp?
Theo ý kiến của giới chuyên gia, việc thắt chặt nguồn vốn ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung bất động sản và đẩy giá tăng không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) - nhìn nhận, trong tình hình giá nguyên vật liệu đang có xu hướng tăng mạnh, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản ngày càng trở nên cấp thiết. Việc tăng trưởng nguồn cung có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính sách "khóa van" tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Bởi theo ông Đính, tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đang là hai kênh huy động vốn chính cho các dự án bất động sản ở tất cả các phân khúc. Tuy vậy, việc thắt chặt nguồn vốn đổ vào bất động sản, đặc biệt là kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp là một tín hiệu tương đối rõ ràng đến từ các cơ quan chức năng.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội siết chặt quản lý hơn 1.200 biệt thự xây dựng trước năm 1954
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013.
Theo đó, danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, theo danh mục 222 biệt thự xếp Nhóm 1, quận Ba Đình có số lượng biệt thự nhiều nhất với 111 biệt thự; quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự; quận Tây Hồ có 3 biệt thự.
Trong số 356 biệt thự xếp Nhóm 2, quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự; quận Ba Đình có 112 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự; quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự.
Với 638 biệt thự xếp Nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cảnh báo việc rao bán căn hộ tại dự án The Muse Đà Nẵng
Vừa qua, Sở Xây dựng nhận được phản ánh về hoạt động đặt cọc, huy động vốn, giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Tổ hợp căn hộ bên bờ sông Hàn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô làm chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng, tính đến thời điểm này, dự án chưa đủ điều kiện được huy động vốn thông qua hình thức góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân và chưa đủ điều kiện bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Sở Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư thực hiện huy động vốn, kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai tại dự án Tổ hợp căn hộ bên bờ sông Hàn theo đúng quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
Cùng với đó, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đông Đô, Công ty TNHH MTV Đầu tư Athena Luxury báo cáo tình hình thực hiện dự án, tình hình đặt cọc, huy động vốn, kinh doanh bất động sản tại dự án, cụ thể: Thông tin đơn vị phân phối (môi giới) bất động sản; hợp đồng phân phối (môi giới) bất động sản; số lượng bất động sản đã ký hợp đồng đặt cọc, huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; tổng số tiền đã thu của khách hàng; cung cấp 1 hợp đồng đặt cọc, huy động vốn, mua bán… gửi Sở Xây dựng trước ngày 5/6/2022.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Ngành bất động sản khu công nghiệp duy trì triển vọng tích cực trong dài hạn
Tại hội thảo diễn ra trong tuần kế cuối tháng Năm của Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2022, hầu hết các diễn giả đều cho rằng tiềm năng bất động sản khu công nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Trong đó, hai phân khúc chính sẽ được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đồng ý với nhận định này. Đơn vị này kỳ vọng mặt bằng giá cho thuê đất khu công nghiệp (KCN) sẽ tiếp tục tăng, không chỉ bởi nhu cầu vẫn đang tăng trong khi nguồn cung có phần hạn chế. Một cách tự nhiên, chi phí đền bù cũng như tiền thuê đất phải nộp tăng hàng năm cũng góp phần đẩy mặt bằng giá cho thuê tăng. Trong bối cảnh này, VDSC tin rằng các chủ đầu tư bất động sản KCN có sẵn quỹ đất đã đền bù giải phóng mặt bằng và nộp tiền sử dụng đất sẽ hưởng lợi nhiều hơn, nhờ chi phí thấp trong khi giá thuê tăng dần.