Aa

Bất động sản 24h: Sốt đất lan đến Quảng Trị, nhiều lô vượt giá sàn hơn 50%

Thứ Hai, 22/03/2021 - 10:30

"Sốt" đất tại các khu đô thị ở Quảng Trị, nhiều lô vượt giá sàn hơn 50%; TP.HCM: Hàng trăm dự án vướng đất công, chỉ mới “giải cứu” 1 trường hợp... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.

"Sốt" đất tại các khu đô thị ở Quảng Trị, nhiều lô vượt giá sàn hơn 50%

Giá đất tại một số khu đô thị trung tâm TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tăng đột biến, có nhiều lô đất được đẩy giá lên rất cao, vượt giá trị thực.

Cơn "sốt đất" nảy sinh từ sau Tết đến nay. Vào cuối năm 2020, các thửa đất tại Khu đô thị Bắc sông Hiếu (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), dọc các trục đường nhựa 15,5m được bán với giá chỉ từ 7-8 triệu/m2. Nhưng sau Tết, đất ở đây đã tăng lên trên 10 triệu đồng/m2.

sốt đất Quảng Trị
Nhiều người tập trung về các khu vực đô thị mới mua đất (Ảnh: Thanh Phong - Dân trí).

Tương tự, ở khu đô thị Nam Đông Hà (TP Đông Hà), các lô đất dọc tuyến đường 15,5m nếu cuối năm 2020 giá chỉ từ 5 đến 5,5 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 6,5 đến 8 triệu đồng/m2.

Đặc biệt, trước thông tin nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đến Quảng Trị đầu tư về bất động sản, du lịch sinh thái, khu đô thị thương mại…, giá đất nhiều nơi ở khu vực trung tâm tỉnh Quảng Trị tăng đột biến.

Xem thông tin chi tiết tại đây

TP.HCM: Hàng trăm dự án vướng đất công, chỉ mới “giải cứu” 1 trường hợp

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, TP.HCM có gần 160 dự án nhà ở thương mại bị chậm thực hiện hoặc bị đình chỉ thi công do vướng các phần đất công thuộc Nhà nước quản lý như đất rạch, đường, bờ đất... nằm xen cài rải rác trong các dự án. Tỉ lệ đất công chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích của các dự án này. Cá biệt chỉ có dự án Trung tâm TMDV và căn hộ cao cấp Sunshine Apartment (tên thương mại là Đức Long Golden Land) tại phường Tân Thuận Tây, quận 7, do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư có gần 7.000m2 đất công, chiếm gần 70% diện tích dự án.

HoREA đã nhiều lần đề nghị tháo gỡ vướng mắc, nhưng đến nay, cả thành phố chỉ mới 1 trường hợp được “giải cứu”. Đó là khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy (tên thương mại là Q7 Sài Gòn Riverside Complex) tọa lạc tại phường Phú Thuận, quận 7, do Công ty cổ phần Bất động sản Khải Thịnh, thành viên Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án này được “giải cứu” trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 148/2020/NĐ-CP và hiện sắp đến giai đoạn bàn giao nhà.

HoREA cho rằng, Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 19/12/2020 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất Nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong các dự án đầu tư, đã mở ra hướng xử lý đối với phần đất công xen kẹt trong các dự án đầu tư - nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc, đứng hình của hàng trăm dự án trên địa bàn TP.HCM. Mặc dù vậy, vấn đề khó nhất chính là việc xác định tiêu chí phần diện tích đất công (thuộc nhà nước quản lý) nằm xen kẽ trong dự án đầu tư đủ điều kiện để tách thành dự án độc lập.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bao giờ chấm dứt việc “xẻ thịt” đất công viên?

Theo quy hoạch, Dự án Khu công viên, thể thao cây xanh có quy mô gần 100ha, cuối năm 2008, UBND TP. Hà Nội đã thực thiện thu hồi đất. Đến năm 2010, có 52,87ha đã thực hiện giải phóng mặt bằng, còn lại 43,83ha chưa bị thu hồi, người dân vẫn đang sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thu hồi xong, do chưa có vốn triển khai, hơn 50ha đất nói trên chưa được đưa vào xây dựng dự án.

công viên bị chiếm dụng đất
Nhà hàng quy mô lớn được xây dựng trong công viên.

Nhận thấy tình trạng bỏ hoang không sử dụng diện tích đất khá lớn như vậy là vô cùng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, không làm tăng thu cho ngân sách Nhà nước, UBND quận Hà Đông đã có các văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội xem xét chấp nhận giao cho quận Hà Đông tạm thời đưa vào khai thác sử dụng đất.    

Tại Quyết định số 3641/UBND-KH&ĐT ngày 22/5/2015, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận cho phép UBND quận Hà Đông tổ chức quản lý, sử dụng, tạm khai thác đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng thuộc khu đất quy hoạch xây dựng Khu Công viên thể thao cây xanh quận Hà Đông. Mục tiêu nhằm phục vụ nhu cầu về hoạt đông thể dục thể thao, phù hợp với quy hoạch chung của dự án, khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất, chống lấn chiếm và phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Xem thông tin chi tiết tại đây

BĐS công nghiệp miền Bắc “nổi sóng“ nhờ cú hích đầu tư hạ tầng

Theo JLL Việt Nam, quỹ đất công nghiệp miền Bắc hiện đủ để đáp ứng làn sóng đầu tư sắp tới. Dự kiến, nguồn cung đất ở miền Bắc sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, hàng loạt doanh nghiệp đã công bố kế hoạch mở rộng, mở mới hàng loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp tại miền Bắc với số vốn đầu tư đăng ký lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Cụ thể, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Việt Hàn, do Công ty TNHH Phát triển Fuji Phúc Long thực hiện tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với quy mô sử dụng đất là 50ha (giai đoạn 1) và thời gian hoạt động 50 năm.

Dựa trên đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận việc bổ sung 3 Khu công nghiệp và mở rộng 3 Khu công nghiệp tại tỉnh này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Xây dựng ồ ạt trên đất nông nghiệp xen kẹt ở Hà Nội

Trong khi đất thổ cư ngày càng tăng giá thì đất nông nghiệp tại các khu vực đông dân cư đang được mua bán trao tay chóng vánh. Thực tế này đã làm nảy sinh tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, khiến dư luận bức xúc.

Đất nông nghiệp quanh khu vực phường Định Công, quận Hoàng Mai bị xây dựng với mật độ dày đặc nhất. Ghi nhận của PV tại đường Trần Điền cho thấy, nơi đây phía bên trong xuất hiện hàng trăm công trình, nhà xưởng lớn nhỏ bọc tôn kín mít. Bên trong vỏ bọc này, máy trộn, cẩu kéo vật liệu, công nhân hoạt động rầm rộ. Hoạt động “xây trộm” nhà trên đất nông nghiệp này khá phổ biến ở khu vực này. Hàng loạt công trình đang được thi công gồm có: Công trình tại số 17 ngõ 200 Trần Điền; tại 52 ngõ 232 Trần Điền; tại ngõ 31 Định Công Hạ; Ngõ 99/110/66 Định Công Hạ… Đáng chú ý, khu vực Đầm Bông đã bị người dân đổ chất thải, san lấp gần nửa hồ và chưa hết dấu hiệu san lấp bằng cách đổ vật liệu xây dựng.

Tại số 70, đường Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ, nằm ở trục đường huyết mạch mới mở nên thực trạng xây dựng trên đất nông nghiệp càng trở nên rầm rộ. Đi vào bên trong ngõ khoảng 20m, là hàng loạt công trình được quây tôn kín. Bên trong, công nhân đang làm trần thạch cao, hoàn thiện một số căn nhà 2 tầng hoàn chỉnh. Người dân xung quanh cho biết, việc mua bán đất nông nghiệp qua giấy viết tay diễn ra thường ngày, bởi đất ở đây sắp được chuyển đổi sang đất ở. “Giá mỗi lô 50m2 tăng gần 1 tỷ đồng”, một người dân thông tin.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top