Aa

Bất động sản 24h: Thanh khoản tốt, thị trường nhà cho thuê nhộn nhịp trở lại

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 04/11/2022 - 10:27

Thanh khoản tốt, thị trường nhà cho thuê nhộn nhịp trở lại; Quy hoạch đô thị sông Hồng: Lực đẩy cho thị trường bất động sản... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thanh khoản tốt, thị trường nhà cho thuê nhộn nhịp trở lại

Sau một thời gian gián đoạn vì Covid-19, đến nay bất động sản cho thuê ở TP.HCM dường như đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh trước đó và có bước phục hồi ấn tượng. Trong bối cảnh hầu hết phân khúc bất động sản mất hút thanh khoản thì nhà cho thuê đang "ngược dòng" giải quyết tốt vấn đề này.

Chỉ trong vài tháng trở lại đây, mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm TP.HCM đã được lấp đầy trở lại sau một thời gian đóng cửa vì ảnh hưởng bởi Covid-19. Người đi đường có thể thấy các tuyến đường thương mại nổi tiếng như Phan Xích Long, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng… đã bắt đầu kinh doanh nhộn nhịp hơn.

Không chỉ mặt bằng thương mại, các sản phẩm căn hộ, nhà trọ cũng đã đón làn sóng thuê mới khi kinh tế thành phố bước đầu phục hồi, lực lượng lao động cả trong nước lẫn nước ngoài quay trở lại.

Chị Bảo Khánh, người có 3 căn hộ cho thuê ở quận Phú Nhuận và Gò Vấp cho biết, trong hai năm qua vì tình hình thu nhập khó khăn, nhiều người thuê đã trả nhà nên mỗi căn chỉ cho thuê được khoảng 5 tháng với giá thuê thấp hơn thời điểm trước dịch 20%. Tuy nhiên, từ tháng 6 năm nay nhu cầu thuê tăng lên, giá thuê cũng trở về mặt bằng cũ, thậm chí có căn còn cho thuê cao hơn với hợp đồng dài hơn.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: “Quý III vừa qua, doanh nghiệp bất động sản có khó khăn trong tiếp cận vốn"

"Dự báo thị trường bất động sản nước ta thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn và nguồn cung tiếp tục bị hạn chế...", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết.

Chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, thị trường bất động sản là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển (thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động…), đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của người dân, phát triển đô thị, du lịch.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (Ảnh: Quochoi.vn)

Thị trường bất động sản nước ta trong thời gian qua đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và trình độ, năng lực của các chủ thể tham gia thị trường... đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.

Cụ thể, đóng góp trung bình của ngành Xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%, đóng góp trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP). Thu hút nguồn vốn FDI lĩnh vực bất động sản năm 2021 khoảng 2,6 tỷ USD (chiếm 8,6% tổng vốn FDI, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực FDI). Đến tháng 9/2022, giá trị vốn hóa ngành bất động sản ước tính khoảng 1,7 – 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến 31/8/2022 đạt 777.235 tỷ (tính đến 30/6/2022 là 784.575 tỷ). Hiện có hơn 1.100 sàn giao dịch bất động sản, hơn 44 cơ sở đào tạo về bất động sản (khoảng 32.900 đã cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: "Quản lý chặt chẽ quy hoạch nhà cao tầng, không chạy theo lợi nhuận thương mại"

“Chúng tôi thấy cần phải quản lý thật chặt quy hoạch, giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo sự đồng bộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng chiều ngày 3/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã tham gia trả lời làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Đối với vấn đề ngập úng đô thi, Bộ trưởng cho biết theo quy định của Nghị định 17, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý đường quốc lộ và đường ngoài đô thị, còn đường trong đô thị thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Quá trình vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tăng cường quản lý để đảm bảo kết nối giữa hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, có những nguyên nhân dẫn đến nhiều khu vực bị ngập úng.

Hiện nay việc ngập úng xảy ra ở hai khu vực, một là đối với những khu đô thị cũ trước đây chúng ta xây dựng thường là cốt thấp và sau này khi sửa chữa các khu đô thị và đặc biệt là sửa chữa đường thì thường sử dụng các phương pháp thi công cũ, đó là tiếp tục trải thảm lên để đảm bảo cho chất lượng của đường, chính vì thế cho nên đường cốt của đường trong các khu đô thị cao hơn các cốt nhà và dẫn đến việc ngập úng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thấy gì từ con số tồn kho của nhiều doanh nghiệp bất động sản?

Nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2022 cho thấy tồn kho vẫn rất lớn, nguyên nhân là tiến độ các dự án chậm do vướng mắc thủ tục pháp lý, dòng vốn khó, nguồn cầu yếu.

Có khoảng hơn 10 doanh nghiệp bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022. Đáng chú ý con số tồn kho bất động sản vẫn được nhắc đến với tỷ lệ cao trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh, báo cáo tài chính hợp nhất của doanh nghiệp này cho hay tại ngày 30/9/2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 31.301 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tiền và tương đương tiền giảm 60%, chỉ còn 1.077 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho tăng mạnh mẽ. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 12.946 tỷ đồng, tăng 20%; hàng tồn kho đạt 14.108 tỷ đồng, tăng 25% (trong đó, tồn kho bất động sản thành phẩm là 1.616 tỷ đồng, tồn kho bất động sản hàng hóa là 665 tỷ đồng).

Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đạt tới 27.054 tỷ đồng, chiếm 86% tổng tài sản. Con số này tăng rất mạnh so với đầu năm là 78%.

Theo báo báo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền trong 9 tháng, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Khang Điền âm gần 2.316 tỷ đồng, chủ yếu do khoản tăng hàng tồn kho gần 4.997 tỷ đồng.  Tại thời điểm cuối quý III, giá trị tồn kho đạt hơn 12.729 tỷ đồng, tăng 65% so với đầu năm và chiếm gần 60% trong tổng tài sản doanh nghiệp. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Quy hoạch đô thị sông Hồng: Lực đẩy cho thị trường bất động sản

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được xem là dấu mốc quan trọng để thành phố Hà Nội hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”. Nhiều chuyên gia nhận định, đồ án quy hoạch được thực hiện sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại một diện mạo Thủ đô khởi sắc, trong đó chắc chắn tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản.

Cuối tháng 3/2022, TP. Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, bản quy hoạch này có nhiều điểm mới và đã tháo gỡ được một số “nút thắt” so với các quy hoạch nhỏ lẻ, rời rạc chưa được thực hiện trước đây.

Đáng chú ý là ngoài không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, trục hai bên bờ sông Hồng được quy hoạch mang đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa, dịch vụ du lịch, giải trí mang biểu tượng của Thủ đô.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top