Thị trường chung cư “loạn giá”
Giá căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng cao nên nhiều người đã tìm mua căn hộ ở thị trường thứ cấp. Ăn theo đà tăng giá, nhiều chủ nhà đã liên tục tăng giá chào bán trong thời gian ngắn khiến thị trường chung cư "loạn giá".
Cách đây gần 4 tháng, chị Nguyễn Mai Hoa (nhân viên văn phòng tại quận Thanh Xuân) tìm mua căn hộ quanh khu Hapulico. Tại khu này có những tòa nhà đã bàn giao cách đây gần chục năm, có những tòa thì tầm gần 4 năm như Thanh Xuân Complex. Do tài chính thấp nên chị Hoa nhắm đến những tòa chung cư cũ, được ban giao cách đây tầm 4 - 5 năm. Thế nhưng, trong vòng gần 1 tháng tìm kiếm, chị liên tục bị “sốc” vì giá căn hộ tăng ngoài sức tưởng tượng.
“Thời điểm tôi hỏi mua giá căn hộ ở Thanh Xuân Complex đang được rao bán giá 37 triệu đồng/m². Còn cách đó 1 tháng, giá mới chỉ rao ở 33 - 35 triệu đồng/m². Môi giới nói rằng, có sự tăng giá như vậy do nguồn cung khan hiếm, thời điểm này toàn người mua ở thực tìm mua chứ rất ít nhà đầu tư vào căn hộ”, chị Hoa nói.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước.
Cụ thể, tại Công văn số 6227/VPCP-NN ngày 20/9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…), trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp đoàn công tác Nhật Bản
Chiều 20/9, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có buổi gặp mặt với đoàn công tác đến từ Nhật Bản. Hai bên trao đổi, chia sẻ về vấn đề hợp tác, đầu tư phát triển bất động sản tại Việt Nam.
Đoàn công tác Nhật Bản gồm có: Lãnh đạo của Bộ Đất đai, Bộ Hạ tầng và Giao thông Nhật Bản (MLIT); lãnh đạo Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện của 30 công ty trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản tại Nhật Bản.
Đón tiếp và làm việc với đoàn, về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng); ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng); TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO cùng đại diện Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư bất động sản Việt Nam (VICOREAL) và một số thành viên khác.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hoàn thiện chính sách đất đai cho phù hợp với ngữ cảnh mới
Kinh nghiệm cho thấy, một số nền kinh tế công nghiệp mới quanh Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... lấy nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ làm động lực, lấy quản lý - sử dụng đất đai là vai trò tạo vốn lớn để đầu tư phát triển. Do vậy, chính sách đất đai được coi là một trong những chính sách quan trọng nhất trong quá trình phát triển.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới từ nay đến 2045 với mục tiêu phải trở thành nước công nghiệp có thu nhập cao, tức là phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Theo kinh nghiệm của các nền kinh tế công nghiệp mới quanh Việt Nam như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan,... đều cho rằng vượt “bẫy thu nhập trung bình” không hề đơn giản. Thông thường, các nền kinh tế này lấy nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ làm động lực; lấy quản lý - sử dụng đất đai là vai trò tạo vốn lớn để đầu tư phát triển. Họ tận dụng khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) như một nguồn vốn cần tiếp cận gắn với chuyển giao công nghệ, nguồn vốn chính cần khai thác được lấy từ vốn tiềm ẩn trong đất đai.
Theo lý thuyết của Hernando De Soto, một nền kinh tế chỉ dựa vào vốn FDI thì sẽ rơi vào tình trạng nền kinh tế đó đứng trên chân của người khác; khi khai thác được vốn tiềm ẩn trong đất thì nền kinh tế đó mới đứng được trên chính đôi chân của mình. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai đang thực hiện và các Luật có liên quan phải đặt trọng tâm vào khai thác vốn ngay trong quá trình đầu tư trên đất làm giá trị đất đai tăng thêm. Yếu tố quan trọng cần lưu ý là tạo vốn từ đất như thế nào để vừa có một xã hội công bằng và vừa có một xã hội phát triển.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội sẽ áp dụng quy định mới về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất
Từ ngày 26/9/2022, Hà Nội sẽ áp dụng Quyết định số 32/2022/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất.
Đồng thời, bãi bỏ Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND ngày 21/5/2012 quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng với các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Theo quy định mới, các nội dung quy định về quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này.
UBND thành phố nêu rõ nguyên tắc quản lý đối với các dự án đầu tư kinh doanh có sử dụng đất là phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật liên quan khác về quy hoạch. Dự án đầu tư được quản lý theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, kế hoạch phát triển ngành, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và pháp luật liên quan; đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội và bảo vệ môi trường.