Aa

Bất động sản 24h: Thị trường thuê trọ Hà Nội tăng giá mạnh

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 08/10/2022 - 10:30

Thị trường thuê trọ Hà Nội tăng giá mạnh; Bất động sản "khát vốn", HoREA đưa ra loạt đề xuất "cứu" thị trường... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường thuê trọ Hà Nội tăng giá mạnh

Trong khi hầu hết các phân khúc bất động sản đều gặp khó khăn khi dòng tiền bị thắt chặt, thì thị trường phòng trọ, nhà trọ cho thuê đang rất sôi động do nhu cầu thực của hàng trăm nghìn sinh viên.

Giá cho thuê nhà đang tăng trưởng khá cao ở thời điểm hiện nay, đặc biệt nhất là giá nhà trọ, chung cư mini cho thuê đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Theo đó, đây là phân khúc đang có tính thanh khoản khá cao tại thời điểm này.

Đón làn sóng sinh viên quay trở lại giảng đường sau dịp nghỉ hè và lượng tân sinh viên mới nhập học, thị trường thuê trọ Hà Nội đang chứng kiến mức tăng giá mạnh kể từ tháng 8. Đây là đợt tăng giá thứ 2 của phân khúc thuê trọ trong năm 2022, kể từ sau Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn vào đầu tháng 10/2022 ghi nhận mặt bằng giá phân khúc nhà trọ đã được đẩy cao so với thời điểm đầu năm 2022. Cụ thể, phòng trọ Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm) đã tăng khoảng 15%, từ mức giá phổ biến 1,5 - 1,9 triệu đồng/tháng tăng lên 1,7 - 2,2 triệu đồng/tháng. Phân khúc chung cư mini Mễ Trì Hạ, Mễ Trì Thượng cũng tăng 10 - 20%, từ mức 2,8 - 4 triệu đồng/tháng lên 3,2 - 5 triệu đồng/tháng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam

Được sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sáng ngày 7/10/2022, Reatimes và VIRES tổ chức Hội nghị Xúc tiến chuyển đổi số cho thị trường bất động sản Việt Nam.

Bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển và hỗ trợ mạnh mẽ của các công nghệ mới, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và làm thay đổi toàn diện mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó không loại trừ bất động sản.

Giới chuyên gia khẳng định, chuyển đổi số giờ đây không phải chỉ là một sự lựa chọn, mà đó là điều tất yếu. Doanh nghiệp càng nhanh chóng nắm bắt và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, sẽ càng sớm tạo được lợi thế cạnh tranh và vị thế mới. 

Đặc biệt, sau sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và trước những diễn biến khó lường của bối cảnh thế giới hiện nay, công nghệ số, chuyển đổi số được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tăng khả năng chống chịu trước những biến động, rủi ro.

Tại Việt Nam hiện nay, yếu tố thuận lợi là có khoảng 68 triệu người dùng internet, chiếm 73% dân số và con số này tiếp tục tăng trưởng qua thời gian. Cùng với đó, nhằm thích ứng với sự thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, các hoạt động kinh doanh cũng đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ offline sang online ở nhiều lĩnh vực...

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường bất động sản cuối năm 2022: Điểm nghẽn chưa được tháo gỡ, nguồn cung khó cải thiện

Thị trường không có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn cuối năm 2022, các điểm nghẽn khó được tháo gỡ khiến nguồn cung bất động sản được dự đoán vẫn tiếp tục hạn chế.

Sau hơn 2 năm trong tình trạng khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì sự ổn định trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nay, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã không rơi vào trạng thái “đóng băng” mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số theo từng phân khúc. Lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021; lượng bất động sản tồn kho mới và tỷ lệ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thực sự cân bằng trở lại giữa hoạt động đầu tư, kinh doanh với mua bán, sử dụng. Cụ thể, tại thị trường Hà Nội, giá nhà chung cư được rao bán đã tăng đến 13% so với cùng kỳ năm 2021, ghi nhận tăng liên tục trong 4 năm trở lại đây.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Một số vấn đề pháp lý đối với thị trường bất động sản du lịch ở Việt Nam hiện nay

Thực trạng gia tăng các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch khiến nhiều địa phương lúng túng trong quá trình quản lý Nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc thị trường này còn chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ. Điều này đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói chung và phân khúc kinh doanh bất động sản du lịch nói riêng vận hành thông suốt, đồng bộ, nhịp nhàng.

Du lịch là ngành kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển và mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kinh doanh bất động sản du lịch là phân khúc phát triển mạnh mẽ sôi động ở nước ta; đặc biệt tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng. Sự phát triển của hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch là một tín hiệu tích cực cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của du lịch - ngành công nghiệp không khói - nói riêng ở nước ta. Trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), nước ta thu hút khoảng 19 triệu khách du lịch trong và ngoài nước. Như vậy, du lịch là ngành kinh tế còn nhiều dư địa để phát triển và mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Nắm bắt được nhu cầu này, các doanh nghiệp, chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước đã đầu tư, cung cấp ra thị trường những sản phẩm bất động sản du lịch như Condotel, Shophouse, Resort… đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng không chỉ của du khách mà còn kêu gọi vốn đầu tư kinh doanh của các tổ chức, nhà đầu tư thứ cấp.

Đặc biệt, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển ngoạn mục và là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn tại các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển như Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Mũi Né (tỉnh Bình Thuận), TP. Đà Nẵng, Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), Cát Bà (TP. Hải Phòng) và Hạ Long, Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh)… Các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch ngày càng gia tăng về số lượng cũng như phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến lĩnh vực bất động sản này.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản "khát vốn", HoREA đưa ra loạt đề xuất "cứu" thị trường

Hiện nay, các chủ đầu tư, người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ để kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuận lợi hơn.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Nghị định 65/2022/NĐ-CP ban hành ngày 16/9/2022 đã tăng cường "kiểm soát, quản lý chặt chẽ" ngay từ "đầu vào" là khâu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và tăng cường quản lý chặt chẽ "đầu ra" là khâu mua trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân.

Tuy nhiên, việc quản lý "rất chặt chẽ đầu ra" có thể dẫn đến làm sụt giảm quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó huy động vốn trên thị trường trái phiếu do thiếu người mua. Điều này có thể làm giảm vai trò của thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà lẽ ra phải trở thành một kênh dẫn vốn xã hội hóa quan trọng bổ sung một phần vốn đầu tư trung, dài hạn cho doanh nghiệp để chia sẻ với kênh tín dụng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top