Tình trạng thổi giá, dìm giá trong đấu giá đất làm nhiễu thị trường bất động sản
Thời gian qua có tình trạng đấu giá đất tại nhiều nơi xảy ra hiện tượng bắt tay ngầm, nhiều trường hợp nhà đầu tư trả giá “trên trời” rồi âm thầm bỏ cọc. Đây cũng là vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Kết quả phiên đấu giá cao bất thường, gấp nhiều lần giá khởi điểm, điển hình như cuộc đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Điều đó làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao, tạo ra hiện tượng sốt đất ảo, thiết lập mặt bằng giá đất mới khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, gây mất trật tự an ninh xã hội.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên trong thời gian tới. Trả lời các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn mới đây tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Việc đấu giá đất trong thời gian qua nổi lên không chỉ có vấn đề thổi giá, mà còn dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chạy đua đầu tư mặt bằng kinh doanh tại các đại đô thị
Nhu cầu tìm kiếm mặt bằng cho thuê tại các đại đô thị đang tăng đột biến, đặc biệt sau dịch bởi nơi đây hội tụ tệp khách hàng lớn, sẵn sàng vui chơi mua sắm “trả thù”.
Thị trường bán lẻ đang dần sôi động trở lại khi trạng thái bình thường mới được thiết lập. Báo cáo mới công bố của Savills châu Á - Thái Bình Dương về thị trường bán lẻ cho hay, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các TP lớn phục hồi nhanh nhất. Hà Nội, TP.HCM vẫn duy trì mức tăng trưởng giá thuê khoảng 0,5 - 13%.
Đại diện bộ phận thuê mặt bằng một chuỗi dịch vụ lớn ở TP.HCM cho biết, việc tìm kiếm những mặt bằng kinh doanh lý tưởng, có vị trí đẹp, có lượng khách hàng sẵn có đông đúc… là không hề dễ. Vị này cho hay, xu hướng hiện nay là khách thuê dần dịch chuyển từ các mặt tiền phố đắt đỏ sang các nhà phố kinh doanh tại đại đô thị sầm uất nhằm cân đối lại chi phí, tăng khả năng tiếp cận nguồn khách tại chỗ thay vì vãng lai.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quy Nhơn có thể “đi sau, về trước” nhờ “điểm hội tụ” mới về du lịch mang tầm quốc tế
Quy Nhơn đang dần phát huy lợi thế của “vùng đất mới” và có thể trở thành điểm đến hàng đầu châu Á nhờ sự quyết tâm của chính quyền địa phương và nỗ lực, khát vọng của nhà phát triển bất động sản du lịch tiên phong.
Đó là một trong những nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Hấp lực đưa Quy Nhơn thăng hoa thành điểm đến mới của châu Á” diễn ra chiều ngày 24/3 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Hưng Thịnh.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện Ban Kinh tế Trung ương; các chuyên gia về kinh tế – bất động sản – quy hoạch – pháp lý, các cơ quan báo chí – truyền thông.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung bàn luận về quy hoạch, dư địa và tầm nhìn phát triển của Quy Nhơn; bức tranh tổng quan về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp của Quy Nhơn và những khoảng trống cần lấp đầy; sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Quy Nhơn và vai trò tiên phong của các nhà đầu tư kiến tạo điểm đến đẳng cấp thế giới; bán đảo Hải Giang và sự chuyển mình tiên phong đón khách quốc tế của Quy Nhơn...
Xem thông tin chi tiết tại đây
Chống trốn thuế chuyển nhượng bất động sản: Muộn còn hơn không
Những động thái ngăn chặn các chiêu thức "né" thuế chuyển nhượng bất động sản gần đây từ phía cơ quan chức năng được đánh giá là cần thiết dù hơi muộn.
Thời gian gần đây, vấn đề được dư luận quan tâm là “lỗ hổng” trong quản lý hoạt động chuyển nhượng bất động sản đang làm thất thu không nhỏ tiền thuế, gây nên sự thiếu minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo quy định hiện hành, cá nhân chuyển nhượng bất động sản phải đóng 2% thuế thu nhập cá nhân, còn doanh nghiệp bất động sản đóng 20% trên thu nhập và nhiều loại phí, lệ phí khác.
Tuy nhiên hiện nay, không ít trường hợp đã tìm cách kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế, hoặc có hiện tượng ký 2 hợp đồng ghi giá khác nhau, nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Ví dụ, một căn nhà được giao dịch với giá 5 tỷ đồng sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 2%, tương đương với 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu hợp đồng công chứng để giá 2 tỷ đồng thì số thuế phải đóng giảm xuống chỉ còn 40 triệu đồng. Nhà nước sẽ thất thu 60 triệu đồng, còn người bán thì ăn gian được số tiền này. Vì vậy, không ít người mua và người bán bắt tay nhau để ghi giá bán thấp hơn nhằm mục đích trốn thuế.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Cơn sốt đất vùng ven có nguy cơ "khựng lại" khi Hà Nội mạnh tay siết phân lô
Ngay sau khi văn bản này ban hành, nhiều môi giới bất động sản tại vùng ven Hà Nội cho rằng, quy định này sẽ khiến thị trường vùng ven "khựng lại", các giao dịch cũng sẽ trầm lắng hơn khi đất không được phân lô sẽ buộc nhà đầu tư phải đổ khoản tiền lớn để sở hữu.
Việc siết phân lô khiến tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở vì sẽ đẩy họ vào thế khó khăn. Bởi điều này cũng đồng nghĩa với việc những lô đất diện tích lớn khó thanh khoản khi tài chính cao.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây đã có văn bản đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.
Đáng chú ý, đó là Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2 (gồm: Thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất), đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.