Toàn cảnh thị trường đất nền sau Tết
Những năm trước đây, sau Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động nhất của thị trường đất nền toàn quốc. Tuy nhiên năm nay, chỉ số tìm kiếm đất nền sau Tết và trước Tết gần như bằng nhau và không có sự biến động.
Báo cáo mới nhất của Chợ Tốt Nhà đã chỉ ra diễn biến của thị trường đất nền cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo đó, đại diện đơn vị này dự báo, nhu cầu tìm kiếm đất nền có dấu hiệu giảm sút, khó khăn dự báo kéo dài.
Cụ thể, quý IV/2022 nhu cầu tìm kiếm đất chỉ bằng 47% so với đỉnh quý I/2022. Thị trường đất thổ cư, đất nền dự án diễn ra sôi động trong các tháng đầu năm 2022, tuy nhiên đi vào trầm lắng trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể nhu cầu tìm kiếm đất đã đạt đỉnh trong quý I và quý II khi đạt 99 và 96 điểm, sau đó giảm chỉ còn 47 điểm trong quý IV/2022 (giảm 47%). Chỉ số tìm kiếm trong quý IV/2022 chỉ bằng quý III/2021 - thời điểm thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên cả nước.
Chỉ số tin đăng bán đất trong quý IV/2022 chỉ còn 80 điểm, giảm 20% so với đỉnh quý II/2022. Trong quý IV/2022, có 16 dự án đất nền trên cả nước chào bán mới, giảm 23 dự án so với đỉnh quý II/2022.
Theo Chợ Tốt Nhà, khoảng giá chào bán trung bình đất thổ cư tại cả 3 miền đều có xu hướng giảm. Cụ thể, giá chào bán trong quý IV/2022 tại miền Bắc giảm 29%, miền Trung giảm 15%, miền Nam giảm 10% so với quý II/2022.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội: Cần các quyết sách cụ thể
Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Đây là nội dung đặt ra trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đang được quan tâm. Theo các doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản tại TP.HCM để đạt mục tiêu trên cần hỗ trợ từ nhà nước về nguồn vốn và quỹ đất bằng các quyết sách cụ thể.
Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành là doanh nghiệp tiên phong và đầu tư nhiều trong xây dựng nhà ở xã hội nhưng doanh nghiệp này vẫn đang bế tắc trong 2 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Dù đã sẵn có quỹ đất và nguồn vốn nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ vì pháp lý quá chậm.
Các chuyên gia bất động sản cho biết, hiện nay chính sách lãi suất cho nhà ở xã hội chỉ mới hỗ trợ người mua, trong khi các doanh nghiệp đầu tư đang chịu một mức lãi khá cao.
Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, để đạt mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, UBND cấp tỉnh, thành cần bố trí quỹ đất dành để phát triển loại hình nhà ở này.
Vấn đề gỡ khó cho thị trường bất động sản, đặc biệt là ưu tiên vốn cho nhà ở giá rẻ, nhà ở công nhân cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để góp phần khơi thông các thị trường khác.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Thị trường bất động sản: Tìm khe cửa hẹp
Dường như không chỉ thị trường bị mắc kẹt giữa nỗi "thèm khát" vượt khó, tăng trưởng, mà cả các nhà đầu tư và dân môi giới cũng đang trong thế "tiến thoái lưỡng nan" khi không biết hành động sao cho đúng.
Hơn nửa năm nay, anh Tuấn (ở Hoài Đức, Hà Nội), một môi giới địa ốc đã chuyển sang buôn bán cây cảnh. Anh xem đây như một "bến trú bão" khi thị trường địa ốc bước vào giai đoạn khó khăn, thanh lọc khắc nghiệt.
"Nhiều người nói thị trường bất động sản bắt đầu "ngủ đông" từ sau tháng 6/2022, nhưng là người trực tiếp bán hàng cho các chủ đầu tư, tôi thấy thật ra thanh khoản đã hầu như "về mo" từ đầu năm. Đến tháng 7/2023 thì tôi chính thức chuyển nghề", anh Tuấn nói.
Không chuyển sang nghề khác như anh Tuấn nhưng Toản - một người làm nghề môi giới mua bán căn hộ lâu năm cũng có sự chuyển hướng. Hiện tại, anh đang tìm cơ hội ở phân khúc bất động sản công nghiệp và dự án cần chuyển nhượng.
Toản cho biết, nhu cầu tìm thuê nhà xưởng của các doanh nghiệp cỡ vừa đang khá lớn, trong khi đặc điểm của thị trường này là các chủ đầu tư quen với việc khách hàng tự tìm đến hơn là chủ động tiếp thị nên thông tin còn khá hạn chế. Đây là cơ hội cho những người làm tư vấn đầu tư như anh.
Xem thông tin chi tiết tại đây
"Đói vốn" tín dụng, thị trường bất động sản vẫn trong vòng bế tắc
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam về quý IV/2022 cho thấy nguồn cung bất động sản có xu hướng giảm rõ rệt, nguồn cung ra thị trường đạt gần 7.000 sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2018.
Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tháng 1/2023, tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ước đạt rất nhỏ, mức thấp kỷ lục, không đáng để thống kê.
Cùng đó, thống kê của VARS về quý IV năm 2022 cũng cho thấy nguồn cung bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung ra thị trường đạt gần 7.000 sản phẩm, chỉ bằng 20% so với năm 2018.
Cơ cấu nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong quý cuối của năm 2022 cũng chỉ đạt khoảng 14%, giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh, họ gần như không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng. Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes cho rằng vướng mắc tiếp cận tín dụng của bất động sản còn liên quan đến tài sản đảm bảo khi các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ tài sản đảm bảo trên vốn vay cao hơn các khoản vay thông thường.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP. Cần Thơ: Tháo gỡ khó khăn, "nắn" dòng vốn vào thị trường bất động sản
UBND TP. Cần Thơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ theo dõi, giám sát chặt chẽ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản; xem xét ưu tiên cho vay đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trong thời gian vừa qua, thị trường bất động sản và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro. Trước tình trạng này, ngày 17/11/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1435/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường và triển khai thực hiện các dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Tại TP. Cần Thơ, ngày 13/2, UBND TP đã có công văn 414/UBND-XDĐT gửi đến các Sở ban ngành và Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ triển khai thực hiện công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.
Tại văn bản này, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Qua đó, xác định các chủ đầu tư dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai, đánh giá cụ thể nguyên nhân, chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền để đẩy nhanh các tiến độ thực hiện của các dự án; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, tháo gỡ hoặc thu hồi dự án theo quy định.