Aa

Bất động sản Bình Dương thức giấc sau giấc ngủ dài

Thứ Sáu, 28/09/2018 - 14:23

Sau thời gian dài khá “im hơi lặng tiếng” trên thị trường bất động sản khu vực phía nam, thời gian gần đây, Bình Dương đang dần lăn bánh bước vào cuộc đua bất động sản với nguồn sinh khí dồi dào.

Chuyển biến tích cực

Bình Dương hiện đang bắt nhịp với guồng quay của thị trường bất động sản với hàng loạt các dự án mới được triển khai xây dựng như The Habitat Bình Dương của Công ty TNHH Phát triển VSIP - Sembcorp Gateway làm chủ đầu tư, ECO Xuân của Setia, Sora Gardens của Becamex Tokyu, Roxana Plaza của Navi Land, Citadines Central, First Home Premium và Metro Tower của NHO, Marina Tower của Đất Xanh, hay Samsora của Samland…

Với phân khúc đất nền, nhà phố và biệt thự xây sẵn, thị trường nhộn nhịp với các dự án như Golden Center City, Golden Center City 2 và Mega City của Kim Oanh Group, Midori Park của Becamex Tokyu…

Bên cạnh đó được biết, CĐT sắp chào hàng Dự án Phú Đông 2 tại tỉnh Bình Dương. Dự án chung cư với hơn 600 căn gồm 2 bloock cao 34 tầng này đang được xây dựng phần móng và sẽ ra thị trường vào cuối năm nay.

Theo thông tin từ một số công ty môi giới bất động sản, từ đầu năm 2017 đến nay, giá đất tại Bình Dương tăng đồng đều, từ Dĩ An, Thuận An cho đến Bến Cát, Tân Uyên. Mức tăng trung bình từ 20 - 30%, nhất là ở các dự án đã hoàn thiện hạ tầng như Khu đô thị mới Bình Dương.

Thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn nhưng có nhiều tiềm năng tăng giá

Thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn nhưng có nhiều tiềm năng tăng giá

Tại khu Thành phố mới, giá đất giao dịch cuối năm 2017 đạt từ 20 - 35 triệu đồng/m2; tại Dĩ An, từ mức giá 13 triệu đồng/m2 cuối năm 2016, đến tháng 12/2017 đã tăng lên 16 triệu đồng/m2. Các dự án nằm dọc theo Quốc lộ 13 cũng có giá tăng lên rõ rệt.

Những khu phố biệt thự nhuốm màu ảm đạm vào những năm 2015 – 2016 đã giờ đây xuất hiện người ở, hoạt động giao thương sầm uất. Năm 2017, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã nhìn thấy hạn chế ở các khu đô thị, từ đó tìm ra chính sách để thu hút người dân về sinh sống, giúp nhiều dự án hồi sinh trở lại. Những căn biệt thự bỏ hoang đã được xây dựng trở lại, đón những gia đình vào sinh sống và những công ty môi giới bất động sản xuất hiện nhiều hơn.

Năm 2016 - 2017, tỉnh Bình Dương và các chủ đầu tư đã tiến hành thi công lại toàn bộ hạ tầng điện, nước, đến thông tin liên lạc; hệ thống chiếu sáng được ngầm hóa, trên các trục đường đều có hệ thống chiếu sáng; đầu tư xây dựng lại công viên trung tâm Thành phố mới với quy mô 75ha; các dự án bất động sản tại đâynhư Khu đô thị vườn Tokyu, Khu biệt thự cao cấp Gold Land… đều bố trí cây xanh, vườn hoa, khu thể thao để phục vụ cho từng nhóm cư dân sinh sống.

Trước đó, giai đoạn 2012 - 2015, thị trường bất động sản nơi đây đóng băng do chính quyền tỉnh này đã tính toán sai và có nhiều tham vọng không đúng nhu cầu thực. Bình Dương đưa trung tâm hành chính về thành phố mới và nghĩ rằng sẽ kéo theo công chức, lãnh đạo đến đây, nhưng thực tế thì không được như kỳ vọng. Chính quyền tỉnh Bình Dương đã khai sinh dự án thành phố mới với tầm nhìn quá xa so với thực tiễn. Vấn đề cốt lõi của Bình Dương là chính sách kéo dân về khu vực thành phố mới không hề đơn giản, cần phải có những chính sách lâu dài.

Cùng với đó, việc thay đổi tâm lý của người dân để di chuyển đến một địa điểm mới là rất khó khăn. Vì vậy, nếu không thực hiện đồng bộ thì các đô thị mới sẽ không phát triển, người dân vẫn chỉ quanh quẩn ở những khu vực cũ.

Nhờ đũa phép hay tiềm năng sẵn có?

Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050 định hướng xây dựng TP.HCM thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và cả Đông Nam Á. Trong đó, Bình Dương được quy hoạch sẽ là tiểu vùng phía Bắc của TP.HCM với trục hành lang dọc Quốc lộ 13 và sẽ là tiểu vùng khu đô thị trung tâm của Thành phố.

Với quy hoạch xây dựng các đô thị loại I, loại II, loại III, các định hướng phát triển du lịch sinh thái, giới phân tích cho rằng, thị trường bất động sản Bình Dương có đủ điều kiện “sức khỏe” để bắt đầu chạy đua trở lại.

Toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng khoảng 35 khu công nghiệp với hơn 2.000 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 15 tỷ USD và trên 13.000 doanh nghiệp trong nước, với tổng vốn gần 95.000 tỷ đồng (khoảng 4,5 tỷ USD). Các quốc gia có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Hiện nay, đang có hơn 45.000 chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và hơn 1.000.000 công nhân kỹ thuật cao, chuyên gia, kỹ sư trong nước làm việc tại Bình Dương, lực lượng lao động này tăng từ 20 - 25% mỗi năm. Đây cũng là một lượng lớn khách hàng tiềm năng cho các dự án bất động sản tại Bình Dương.

Năm 2018, TP.HCM sẽ bắt tay cùng Bình Dương tiến hành xây dựng tuyến Quốc lộ 13. Tuyến đường này dược cho là điểm nghẽn cho liên kết vùng của 2 địa phương. Bên cạnh đó, việc TP.HCM quyết định kéo dài tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tới thẳng tỉnh Bình Dương, cũng được xem là sẽ tạo cú huých cho thị trường bất động sản Bình Dương bứt phá trong thời gian tới. Bên cạnh đó, còn có tuyến đường giao thông rộng từ 4 – 10 làn xe.

Trả lời báo chí, ông Trần Khắc Thạch, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách để phát triển lại thị trường bất động sản, như tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý, đền bù giải tỏa, cấp giấy phép xây dựng dự án nhanh… cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tạo thêm những quỹ đất mới để phát triển dự án bất động, hoặc tạo điều kiện để tái khởi động các dự án trùm mền…

Hiện tại, Bình Dương đang có quỹ đất rất rộng và thị trường đã có sự dịch chuyển, thay vì phát triển vào Long An, Đồng Nai, nay các nhà đầu tư bắt đầu dịch chuyển về Bình Dương để đón sóng. Thực tế, hiện đã có nhiều chủ đầu tư tiến hành mua quỹ đất lớn tại Bình Dương để phát triển dự án trong thời gian tới.

Nguyên nhân khiến giá đất tại Bình Dương tăng mạnh là do nhà đầu tư đang có xu hướng quay trở lại thị trường này sau thời gian “lướt sóng” ở Đồng Nai và TP HCM. Bởi so với các khu vực khác, thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn, vốn đầu tư thấp, nhưng nhiều tiềm năng tăng giá.

Bình Dương cũng có lợi thế từ lực lượng lao động nhập cư và chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây rất lớn, chưa được khai thác hết tiềm năng, chưa có dự án phù hợp nhu cầu của nhóm đối tượng này. Lần trở lại này, Bình Dương hứa hẹn sẽ đem lại các dự án khả thi hơn.

Tiềm năng song hành cùng thách thức

Để tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm bất động sản tại Bình Dương, một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp là phải giải quyết nhu cầu dân sinh. Muốn xây dựng thành phố mới, đưa các trung tâm hành chính về các vùng đất mới trước hết phải có các công trình phục vụ nhu cầu của cư dân định cư ở đó, mà trước hết là hệ thống giao thông, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí,…

Bất động sản Bình Dương

Bất động sản Bình Dương "nổi sóng" nhờ nhiều dự án đô thị mới.

Việc đưa giá đất về giá trị thực là điều chính quyền tỉnh Bình Dương bắt buộc phải làm để giải quyết khối hàng hóa đóng băng hiện nay. Thêm vào đó, tỉnh Bình Dương cần phát triển những khu đô thị nhỏ, với sản phẩm chủ yếu là đất nền giá rẻ dành cho người lao động có thu nhập thấp. Sau đó, khi thị trường cân bằng trở lại thì mới tiếp tục phát triển những dự án hạng sang.

Bên cạnh đó, việc trở lại nhanh chóng của thị trường bất động sản Bình Dương cũng dễ tạo điều kiện cho sự bùng phát các cơn sốt đất ảo. Trong thời điểm đất các vùng ven đang được đưa vào quy hoạch với các công trình giao thông kết nối, các sản phẩm bất động sản mà trước hết là đất nền sẽ nóng hơn bao giờ hết. Cơn sốt ảo có thể trở lại như thời điểm 7 - 8 năm trước đây khiến thị trường lại đóng băng và rất có thể làm những nỗ lực quay trở lại thị trường bất động sản của Bình Dương rẽ sang hướng khác./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top