Thủ tướng muốn Vân Đồn nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương
Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh chiều 1/9. Quảng Ninh theo Thủ tướng đã tạo nguồn cảm hứng cho cả nước về cải cách hành chính. Sự chuyển đổi phát triển của tỉnh, từ "nâu" sang "xanh" cũng là hành trình phát triển của Việt Nam.
Theo đó, nếu Việt Nam được xem là quốc gia phát triển nhanh ở châu Á thì Quảng Ninh là một tỉnh phát triển năng động hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng nhận xét. Cụ thể, tỉnh đã coi trọng phát triển bền vững và có nhiều mặt tiên phong, làm nên thương hiệu của Quảng Ninh.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của tỉnh. Nguyên nhân, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước, tính đến thời điểm này, thực hiện thành công mô hình đối tác công tư PPP trong xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng...
Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh cần chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Theo đó, tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á-Thái Bình Dương.
“Nhập nhèm” tên gọi sản phẩm bất động sản
Cách đặt tên gọi một dự án bất động sản như nhà ở, khách sạn thường để nói lên đặc điểm nhận dạng về vị trí, dòng sản phẩm, phong cách thiết kế, đối tượng khách hàng… Không những thế, tên gọi dự án còn là một trong những yếu tố tiếp cận và thu hút người mua đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, khách hàng đang bị “bủa vây” trước hàng trăm tên gọi các dự án nghe gần giống nhau, khó nhớ, khó đọc.
Đặc biệt, theo tìm hiểu của Reatimes, nếu làm một phép tính đơn giản bằng việc gõ cụm từ khoá "chung cư cao cấp" vào ô tìm kiếm của Google, chỉ trong chưa đầy 1 giây, sẽ nhận được hàng chục triệu kết quả, bao gồm cả hình ảnh, tin tức, video,... về các dự án giống nhau là có một tòa cao ốc và những cây xanh xung quanh nên nếu không có chuyên môn cũng như tìm hiểu sâu thì sẽ không nhận diện được dự án.
Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng, hiện nay, cứ dự án nào nằm ở một số vị trí được cho là "đất vàng" trung tâm hoặc quận gần trung tâm đều được gắn mác cao cấp rồi bán với giá cao. Trong khi đó, chất lượng dự án không đảm bảo, không gian tù túng, diện tích hành lang không đủ, thiếu cây xanh…
Có chủ đầu tư vì lợi nhuận nên chỉ đưa ra các bản vẽ sơ sài, thiết kế đơn giản nhưng lại quảng cáo là chung cư cao cấp, thậm chí vì tham xây dựng mật độ cao, nhiều khối chung cư để bán nhưng quên mất điều kiện hạ tầng chật hẹp khiến cho cuộc sống của cư dân thực sự không như hứa hẹn.
Chủ tịch Yeah1 vừa bị phạt nặng vì giao dịch "chui" cổ phiếu
Ngày 31/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã ban hành quyết định xử phạt với quỹ ngoại DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd và ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1 (mã chứng khoán YEG).
Cụ thể, SSC phạt tiền 130 triệu đồng đối với DFJ Vinacapital Venture. Nguyên nhân do DFJ Vinacapital Venture không báo cáo về dự kiến giao dịch: Ngày 18/5/2018, DFJ Vinacapital Venture, quỹ do ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc của DFJ Vinacapital Venture đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn Yeah1, đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc dự kiến giao dịch.
Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tiền 65 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yeah1 do đã không báo cáo về việc dự kiến giao dịch: Ngày 18/5/2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã nhận chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG đồng thời, cùng ngày, ông Tống đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 nêu trên nhưng không báo cáo Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc dự kiến giao dịch.
Nhà giàu “xếp hàng” nửa năm, chờ mua căn hộ siêu sang
Theo bà Sunny Hoàng Hà, Phó Giám đốc kinh doanh nhà ở quốc tế, Savills TP.HCM, tầng lớp siêu giàu của Việt Nam đứng đầu trên thế giới về tốc độ tăng trưởng, khoảng 210% trong vòng 10 năm, từ 2007 đến 2017 (theo báo cáo từ Kinght Frank). Điều này đã tạo nên tiền đề cho sự gia tăng nguồn cung của phân khúc bất động sản siêu sang trong thời gian gần đây.
“Hiện tại, một dự án cao cấp tại trung tâm quận 1 đã có giá lên đến 80 tỷ/căn với số lượng chỉ có 36 căn hộ 3 phòng ngủ với tất cả các điều kiệu bàn giao theo chuẩn quốc tế sang trọng được nhập khẩu trực tiếp từ châu Âu. Với dự báo từ Knight Frank, trong thời gian từ 2016 đến 2026, tầng lớp siêu giàu của Việt Nam sẽ tăng thêm 170%, điều này đã phần nào phản ánh được sự tăng trưởng rõ rệt và dự báo nguồn cầu tốt trong phân khúc bất động sản siêu sang cũng như sẽ xác lập thêm những kỷ lục mới về giá”, bà Sunny Hoàng Hà nhận định.
Trong khi đó, theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, phân khúc hạng sang vài năm trước đây gần như chỉ phục vụ cho tầng lớp thượng lưu ở Việt Nam. Thời gian gần đây, có sự xuất hiện và gia tăng mạnh mẽ của những nhà đầu tư cá nhân đến từ các nước châu Á. Đối với những nhà đầu tư này, mức giá căn hộ hạng sang khu trung tâm Sài Gòn trên 5.000 USD/m2 - 10.000 USD/m2 vẫn khá mềm nếu so sánh với những đô thị lớn trong khu vực như Hong Kong, Thượng Hải hay Singapore…
Bế tắc nhà ở xã hội: Nên tiếp tục "húc đầu vào đá" hay tìm ánh sáng mới dưới "đường hầm"?
Gần 10 năm với nhiều nguồn lực lớn được huy động, chủ trương phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, bên cạnh việc hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người có thu nhập thấp, quá trình triển khai NƠXH cũng bộc lộ những điểm hạn chế. Quá nhiều dự án nhà ở xã hội rơi vào tình trạng ì ạch chậm tiến độ khiến cho cả chủ đầu tư và người dân gặp khó khăn, các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi của Nhà nước chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Trong khi đường đến NƠXH của người thu nhập thấp còn rất nhiều nhọc nhằn, nhiêu khê thì nhiều người có điều kiện, bằng cách nào đó lại có thể nghiễm nhiên hưởng lợi, mua được những căn hộ này với giá mềm để cho thuê. Đặc biệt, sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng kết thúc, gần như Nhà nước chưa có thêm chính sách nào hỗ trợ nào khiến NƠXH rơi vào thế "vỡ trận". Trước bế tắc nay, có nên tiếp tục phát triển NƠXH nữa hay không? Nên chăng thay thế hình thức này bằng việc mở rộng cơ hội cho nhà ở thương mại giá rẻ hay một hình thức nào khác?
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng: "Theo tôi nên xã hội hóa nhà ở xã hội, rất nhiều doanh nghiệp muốn làm nhà ở cho người nghèo. Những doanh nghiệp này không cần hỗ trợ này kia, họ chỉ muốn được những chỉ tiêu quy hoạch như nhà ở xã hội, ví dụ cho doanh nghiệp vay lãi suất thấp, cho xây dựng những căn hộ diện tích nhỏ (dưới 45m2), thế là họ sẵn sàng làm. Chỉ cần thế thôi là đủ rồi, "mèo trắng hay mèo đen đều bắt được chuột", NƠXH hay nhà ở bình dân đều phục vụ người nghèo".