Nhiều dự án mới đi vào vận hành
Theo báo cáo mới đây từ Avison Young Việt Nam, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2025 khi việc sáp nhập địa giới hành chính đã hoàn tất. Cụ thể là trong quý 2 vừa rồi, TP.HCM đón nhiều dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động như dự án Betrimex Tower và Yteco Office Tower đi vào vận hành, bổ sung 15.200 m2 vào thị trường.
Trong trung tâm, các dự án hạng B có chất lượng tốt tăng sức hút, đẩy giá thuê tăng 5% so với quý trước, đạt 29,5 USD/m2/tháng. Trong khi đó, nhu cầu với không gian cao cấp vẫn giữ vững. Sự thay đổi trong mô hình làm việc và nguồn cung dự báo tăng từ nửa sau năm 2025 sẽ tác động thị trường trong thời gian tới.
TP.HCM tiếp tục thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị công nghiệp. Trong quý 2, nhà máy Avery Dennison Worldon tại KCN Đông Nam (Củ Chi) khánh thành, nhấn mạnh xu hướng chọn lọc ngành nghề và thu hút đầu tư chất lượng cao. Trong hai năm tới, TP.HCM tập trung phát triển bốn KCN mới với tổng diện tích hơn 1.000 ha, trong đó KCN Phạm Văn Hai I và II dự kiến khởi công trong quý tới. Các KCN hiện hữu cũng sẽ được chuyển đổi thành khu công nghệ cao, sinh thái, tích hợp dịch vụ và logistics.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam nói chung và tại TP.HCM đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Vũ Minh Chí – Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam nhận định: "Nhiều chính sách và quy định pháp lý liên quan đến bất động sản công nghiệp đang được cập nhật liên tục, như quy trình cấp phép đặc biệt cho dự án công nghệ cao, điều chỉnh thuế Thu nhập Doanh nghiệp và quy định mới về thẩm quyền chấp thuận đầu tư. Những thay đổi này nhằm nâng cao minh bạch, rút ngắn thủ tục, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh và hiện đại. Mặt tích cực, các biện pháp cải cách hành chính giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh khu vực và thu hút FDI chất lượng cao. Mặt khác, môi trường pháp lý biến động cũng đặt ra thách thức về tuân thủ. Các đơn vị phát triển và tư vấn cần liên tục cập nhật chính sách, đẩy mạnh dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thủ tục đầu tư để kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp thuê đất trong giai đoạn này".
Bất động sản công nghiệp là điểm đến đầy hấp dẫn
Theo khảo sát Global Occupier Markets Spotlight 2025 của Savills công bố trước đó, hơn 80% khách thuê tại 54 thị trường trọng điểm cho biết, họ đang trì hoãn quyết định thuê bất động sản công nghiệp do lo ngại rủi ro chính trị và kinh tế. Những doanh nghiệp ký hợp đồng thuê trong giai đoạn này có xu hướng ưu tiên các lựa chọn linh hoạt về thời gian, điều khoản mở rộng, và quyền chấm dứt sớm.
Sự chuyển dịch này xuất phát từ nhiều yếu tố mang tính hệ thống, bao gồm thay đổi chính sách thuế quan, gia tăng về căng thẳng thương mại, biến động tiền tệ và các rủi ro khác như tấn công mạng vào hạ tầng logistics hay thiên tai cực đoan gây gián đoạn giao thông vận tải.
Không chỉ dừng lại ở quyết định thuê, nhiều doanh nghiệp đang trì hoãn kế hoạch đầu tư vốn. Đặc biệt tại Châu Á – Thái Bình Dương, nghiên cứu của Savills cho thấy 40% khách thuê tại khu vực này đã tạm ngừng hoặc điều chỉnh các dự án đầu tư vào bất động sản công nghiệp do các yếu tố bất ổn về địa chính trị. Điều này phần nào đã thể hiện thực tế quyết định thuê và đầu tư ngày càng gắn liền với chiến lược ứng phó rủi ro toàn diện.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định về chính trị, vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á và chi phí lao động cạnh tranh
Trước những thay đổi này, thị trường toàn cầu ghi nhận xu hướng rõ nét là việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mô hình “Trung Quốc +1” và “friend-shoring” đang được các tập đoàn lớn triển khai nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và tăng khả năng kiểm soát rủi ro thương mại. Trong đó, friend-shoring là chiến lược chuyển hoạt động sản xuất hoặc gia công sang các quốc gia thân thiện về chính trị và kinh tế, thay vì chỉ dựa vào chi phí rẻ như trong mô hình offshoring truyền thống. Những thay đổi này đã, đang và sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các trung tâm logistics và sản xuất mới, đặc biệt là ở các quốc gia có lợi thế về địa lý, lao động và chính sách mở.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn. Với sự ổn định về chính trị, vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, chi phí lao động cạnh tranh, sự hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cam kết cải thiện hạ tầng, Việt Nam đang đáp ứng phần lớn các tiêu chí của thế hệ khách thuê công nghiệp mới.
Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, thị trường Việt Nam đang ghi nhận những chuyển dịch rõ nét và tương đồng với xu thế của thế giới về nhu cầu thuê, bằng chứng là việc khách thuê đang ưu tiên các yếu tố linh hoạt, tiết kiệm và bền vững.
Các chiến lược như “Trung Quốc + 1” và “Friend-shoring” được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và gia tăng nhu cầu đối với các không gian công nghiệp hiện đại. Xu hướng này cũng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển chuỗi cung ứng nội địa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực đổi mới trong toàn ngành./.