Đó là chia sẻ của bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam khi bắt đầu cuộc trao đổi với phóng viên về thị trường bất động sản.
Mọi thứ đều là bất động sản
Theo bà Trang, thực ra, bất động sản hiển thị ở hầu khắp mọi mặt của cuộc sống, trong nhiều lĩnh vực. Từ một cửa hàng quần áo, thời trang, nhà hàng, quán ăn cho đến các trung tâm thương mại. Từ các toà nhà văn phòng cho đến khu vui chơi giải trí. Hay đơn cử như việc mỗi người đi du lịch, thì khách sạn, resort cũng là những “hiện thân” của bất động sản.
Nói cách khác, bất động sản là phần lớn những thứ ở quanh mỗi người trong cuộc sống hàng ngày, là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thông tin thị trường chủ yếu tập trung vào phân khúc chủ lực nhất là căn hộ, hoặc đất nền, khiến cho cái nhìn của công chúng về bất động sản, về thị trường bất động sản và câu chuyện khai thác, kinh doanh còn chưa đầy đủ.
Bà Trang còn cho biết thêm, thị trường Việt Nam đang giai đoạn phát triển đa dạng. Việt Nam cũng đang có ngày càng đầy đủ hơn các sản phẩm bất động sản thuộc nhiều phân khúc. Từ phía Cushman & Wakefield Việt Nam, đơn vị này cũng nhận thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ dòng tiền đầu tư ngoài biên giới vào Việt Nam.
“Nếu Trung Quốc là phân xưởng sản xuất của thế giới thì Việt Nam đang nổi lên là phân xưởng của khu vực. Do đó, dòng tiền đầu tư của khối ngoại cũng đang đổ mạnh mẽ vào thị trường địa ốc trong nước, ở đa dạng các phân khúc, từ văn phòng, bất động sản công nghiệp đến bất động sản nhà ở…”, bà Trang nói và cho biết thêm, không chỉ chứng kiến dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ khối ngoại mà ở trong nước, dòng vốn còn có sự dịch chuyển lớn.
Nếu trước đây dòng vốn ngoại đổ nhiều vào khu vực phía Nam thì nay, dòng vốn có xu hướng “chảy ngược” ra Bắc, các giao dịch mua bán trước cũng thường diễn ra ở thị trường phía Nam thì hiện nay đã xuất hiện nhiều hơn ở phía Bắc, điển hình nhất như mới đây, thị trường Hà Nội xuất hiện giao dịch M&A toà nhà văn phòng lên tới 600 triệu USD.
Thị trường cần động lực để phát triển
Quan sát diễn biến thị trường thời gian gần đây, PGS.TS.Doãn Hồng Nhung, Giảng viên Cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó trưởng Ban pháp chế Hiệp hội Bất động Sản Việt Nam cho rằng, thị trường thời gian qua có nhiều biến động lớn, nhất là các thay đổi về chính sách của Nhà nước với đất đai. Ngoài ra, lạm phát cũng làm ảnh hưởng nhiều đến các giao dịch trên thị trường, trong đó câu chuyện giá bất động sản tăng quá mức với thu nhập của người dân là vấn đề cần lưu ý.
Do đó, theo bà Nhung, điều cần thực hiện trong bối cảnh hiện nay đó là tăng cường công tác quản lý, điều hành để phát huy tốt nguồn lực đất đai, hạn chế đầu cơ, tránh lãng phí tài nguyên. Bà Nhung cho rằng, bất động sản vẫn là tài sản có giá trị lớn đối với đời sống, sản xuất và kinh doanh, nên khi bàn về việc quy hoạch để đưa đất vào sử hiệu quả, quan điểm của cơ quan quản lý là khá rõ ràng, thể hiện qua nghị quyết TW5 của Đảng khi hướng đến việc tiến hành đánh thuế bất động sản: Việc thận trọng, cân nhắc có hay không nên đánh thuế luỹ tiến bất động sản? Việc quản lý Nhà nước về bất động sản định hình theo hướng càng tích luỹ nhiều bất động sản thì càng chịu thuế lớn, để người đầu cơ bất động sản, tích tụ nhiều đất cũng phải cân nhắc không thể đầu cơ quá nhiều được nữa.
“Tôi nghiên cứu ở nước ngoài thì các tỷ phú có nhiều bất động sản, nhà đất thì họ mang tài sản của mình làm từ thiện vì không phải chịu thuế cao, vì nếu chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế cho con, họ hàng, người thân thì vẫn phải chịu thuế lớn”, bà Nhung ví dụ và cho biết thêm, lệch pha cung cầu về phân khúc sản phẩm, đầu cơ và tăng giá đất đã dẫn đến tình trạng xuất hiện các bất động sản bị bỏ hoang, gây lãng phí tiền của dân và nhà nước. Do đó, việc đánh thuế bất động sản là cần thiết, nhưng cũng phải tính toán để có sự công bằng giữa các đối tượng.
Trước một số tồn tại của thị trường, theo bà Nhung, kể cả với những phân khúc như nhà ở cho thuê (apartment), căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng (officetel),… cũng phải có những quy định mang tính gợi mở, cần hướng đến để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, để tránh tồn đọng vốn và đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển của thị trường. Ngoài ra, cũng cần tính đến cả câu chuyện nhà đầu tư ngoại bởi trên thực tế, bất động sản Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.
Ngày càng minh bạch
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững vừa qua cho thấy, lần đầu tiên, thị trường bất động sản được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững với tầm nhìn thị trường bất động sản là hệ sinh thái bất động sản có mối liên hệ hữu cơ với các loại thị trường khác, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường tiền tệ.
Ông Châu cũng cho rằng, thông điệp minh bạch và các ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất toàn diện, đồng bộ, sát với thực tiễn chắc chắn sẽ tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
Trước đó, tại Hội nghị về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp truyền đạt chuyên đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý, nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý Nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng rà soát, ngăn chặn, phát hiện những hành vi sai phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, muốn phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản toàn diện, lành mạnh cần phải nắm chắc tình hình và cung - cầu để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh và phát huy vai trò quản lý của nhà nước, các công cụ chính sách để can thiệp, kiểm soát khi cần thiết một cách phù hợp, kịp thời, hiệu quả, không để tình trạng thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…