Aa

Bất động sản nghỉ dưỡng “nằm im” trong tháng 8

Thứ Hai, 11/09/2023 - 11:00

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả nước vừa trải qua một tháng 8 ảm đạm khi nguồn cung và sức cầu giảm 80-90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường "nằm bất động"

Theo báo cáo vừa công bố của DKRA Việt Nam, trong tháng 8, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả nước liên tục chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung và sức cầu ở mọi loại hình.

Cụ thể, đối với loại hình biệt thự nghỉ dưỡng, trong tháng 8 vừa qua, cả nước chỉ có 1 dự án ở bán, cung cấp ra thị trường 27 căn biệt thự, giảm 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức cầu thị trường khiêm tốn, lượng tiêu thụ chỉ bằng 15% so với cùng kỳ. Phần lớn giao dịch trong tháng tập trung chủ yếu ở những sản phẩm có mức giá dưới 10 tỷ đồng/căn.

Giá bán sơ cấp không biến động so với tháng trước. Nhiều chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất, ưu đãi chiết khấu nhanh lên đến 40%-50% nhằm kích cầu khách mua.

Nguồn cung, sức cầu các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng sụt giảm mạnh trong tháng 8. Ảnh: Tạp chí Xây dựng

Tương tự đối với loại hình nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, trong tháng 8 vừa qua chỉ ghi nhận 1 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 11 căn, giảm 99% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số nguồn cung mới trong tháng tập trung cục bộ tại khu vực miền Nam. Riêng miền Bắc và miền Trung vẫn vắng bóng dự án mở bán mới.

Sức cầu thị trường ở mức rất thấp, lượng tiêu thụ còn hạn chế bằng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Sự ảm đạm của thị trường cùng với đó là tốc độ phục hồi du lịch chưa đạt kỳ vọng khiến thanh khoản thị trường khá thấp.

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động rõ nét, các dự án mở bán vẫn tiếp tục áp dụng rộng rãi nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết thuê lại,... nhằm kích cầu thị trường giữa bối cảnh khó khăn chung như hiện nay.

Tín hiệu tích cực hơn nằm ở loại hình condotel khi trong tháng 8 vừa qua, loại hình này ghi nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 100 căn, giảm hơn 77% so với cùng kỳ. Sức cầu thị trường vẫn còn khá thấp, chỉ tương đương 14% so với cùng kỳ năm 2022. 

Giá bán sơ cấp không có nhiều biến động so với tháng trước, vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao do chi phí vốn hiện nay vẫn khá cao. Các chương trình ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất, vẫn được áp dụng rộng rãi để thu hút sự quan tâm của khách hàng.

Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của DKRA Việt Nam, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cả nước đang duy trì trạng thái trầm lắng kéo dài. Giữa bối cảnh kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, du lịch chưa hồi phục như kỳ vọng chính là những yếu tố khiến giao dịch trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng kém lạc quan. Thêm vào đó, trước bối cảnh trầm lắng của thị trường, các chủ đầu tư cũng thận trong hơn trong việc mở lại giỏ hàng, khiến nguồn cung mới liên tục bị sụt giảm.

Dự báo, trong những tháng tiếp theo, nguồn cung và sức cầu của thị trường sẽ có sự phục hồi nhưng không đáng kể. Việc nhiều chủ đầu tư tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế, cũng như sức ép đáo hạn trái phiếu giai đoạn cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Bao giờ sẽ phục hồi trở lại?

Theo nhận định chung của giới chuyên gia, sau một thời gian tăng trưởng nóng, cộng thêm những vướng mắc pháp lý đã khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang bị bão hòa. Tuy nhiên, phân khúc này sẽ sớm phục hồi trở lại nhờ vào sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 30 triệu lượt khách du lịch, tăng xấp xỉ 30 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách và đây là tín hiệu rất tích cực cho sự phục hồi của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi nhờ sự phát triển của ngành du lịch. Ảnh: Báo Đầu Tư

Tin tưởng vào khả năng phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, bà Nguyễn Tố Uyên - Trưởng bộ phận tư vấn Savills Hotels cho biết, thị trường ngày càng đón nhận sự tham gia của các chủ đầu tư mới. Họ là những đơn vị mong muốn đem đến các dự án chất lượng, mang dấu ấn độc đáo thay vì chỉ thuần chú trọng quy mô.

Đặc biệt tại những dự án này, cách tiếp cận của thế hệ kế nghiệp của các chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo nên các dự án với điểm nhấn đặc sắc, cũng như chú trọng hơn đến các yếu tố phát triển bền vững.

Nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang quan tâm hơn đến hoạt động phát triển dự án tại Việt Nam – vốn trước đây chủ yếu do các đơn vị phát triển trong nước chiếm lĩnh thị trường. Bên cạnh đó, các nhà điều hành khách sạn quốc tế và khu vực cũng đa gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, đem đến nhiều hơn sự lựa chọn thương hiệu đáp ứng phân khúc khách hàng mới như nhóm khách có thể linh động làm việc từ xa (digital nomad), khách công tác kết hợp du lịch (bleisure), v/v.

“Chúng tôi vẫn lạc quan về tiềm năng thị trường cũng như mong đợi nhiều tín hiệu khởi sắc cho ngành nghỉ dưỡng. Theo đó, thị trường sẽ dịch chuyển theo hướng chú trọng về chất hơn về lượng, tập trung kiến tạo những điểm nhấn và đem đến hiệu quả hoạt động vận hành”, bà Uyên nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top