Aa

Bất động sản "nóng" lên cục bộ, các ông lớn có động thái gì?

Thứ Năm, 01/05/2025 - 20:20

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đầu ngành đặt mục tiêu tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận năm nay, cùng với đó là đẩy mạnh tháo gỡ pháp lý.

Nỗ lực và thận trọng

Thị trường bất động sản những tháng đầu năm có dấu hiệu "ấm" lên ở nhiều địa phương và các phân khúc khác nhau. Hàng loạt chủ đầu tư lớn khởi công các khu đô thị hàng trăm, thậm chí hàng nghìn hecta tại khu vực phía Nam. Hoạt động mở bán cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo luồng gió mới cho thị trường sau thời gian dài trầm lắng.

Trước cánh cửa phục hồi, mang tính bản lề cho chu kỳ tăng trưởng mới của ngành bất động sản, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đầu ngành cũng đưa ra quan điểm, góc nhìn sâu sắc về triển vọng và thách thức của thị trường.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - nói với cổ đông rằng thị trường đang phục hồi rõ nét, doanh thu từ mảng này sẽ tăng vọt. Để hoàn thành mục tiêu, ông Vượng cho rằng ban lãnh đạo sẽ nỗ lực hết sức, không đẩy ngược thì đẩy xuôi, bằng những nỗ lực phi thường nhằm đạt được kế hoạch đề ra.

Về phía Vinhomes - công ty thuộc Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT - cho rằng năm nay là năm bản lề của kỷ nguyên mới với nhiều thay đổi. Dù có một số khó khăn nhưng đa phần thị trường bất động sản sẽ có nhiều thuận lợi, đến từ những cải cách thủ tục hành chính. Vinhomes sẽ triển khai đồng loạt nhiều dự án đồng loạt trong năm nay.

Bà Nguyễn Thu Hằng - Tổng giám đốc Vinhomes - cũng nhận định thị trường bất động sản năm nay có nhiều thuận lợi khi nhu cầu nhà ở vẫn còn lớn, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng đô thị hóa. Tại các thành phố trọng điểm, nguồn cung bất động sản dự kiến sẽ phục hồi. Ngoài ra, lãi suất cho vay ngân hàng phù hợp, ổn định và các chính sách hỗ trợ người trẻ mua nhà sẽ giúp tăng tỷ lệ hấp thụ bất động sản.

Bất động sản "nóng" lên cục bộ, các ông lớn có động thái gì?- Ảnh 1.

Hạ tầng phát triển là một trong những yếu tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản năm nay (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Với quan điểm thận trọng, ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã chứng khoán: NLG) - đánh giá thị trường đang trong quá trình hồi phục có chọn lọc. Trong đó, cơ hội là nhu cầu ở thực và chất lượng sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đầu tư công được đẩy mạnh, cơ sở hạ tầng phát triển. Ngân hàng Nhà nước có xu hướng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất ở mức thấp.

Đặc biệt, các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ, chính quyền ưu tiên đẩy nhanh quy trình phê duyệt dự án. Chính phủ cũng ban hành các chính sách và chương trình thuận lợi cho việc phát triển bất động sản bền vững.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đó những thách thức như lệch pha cung cầu các phân khúc bất động sản khác nhau. Tình hình quốc tế có rủi ro thuế quan, căng thẳng địa chính trị kéo dài, ảnh hưởng chính sách và tình hình kinh tế khó lường trước. Ngoài ra, việc sáp nhập các bộ, ban, ngành địa phương có thể ảnh hưởng đến thủ tục hồ sơ, quá trình phê duyệt thủ tục dự án.

Trong bối cảnh đó, ông Quang nêu quan điểm kiên định với tầm nhìn đến năm 2030, bao gồm phát triển các khu đô thị tích hợp đáng sống; mở rộng đầu tư và phát triển quỹ đất tại các vùng TPHCM, Hà Nội; thực hiện chiến lược mua bán sáp nhập (M&A) đa dạng hóa danh mục.

Cũng xem năm nay là năm bản lề, ông Nguyễn Thành Chương - Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã chứng khoán: SCR) - nhận định thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn trầm lắng, từ nửa cuối năm 2024 đến những tháng đầu năm nay có nhiều điểm sáng tích cực. Trước những biến động của chiến tranh thương mại thế giới, chế độ bảo hộ của các quốc gia, vàng hay USD trở thành kênh đầu tư tốt.

Song, ông Chương cho rằng bất động sản đầu tư cũng có thể là kênh trú ẩn an toàn. Trong ngắn hạn, công ty sẽ tung ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp để đón làn sóng đó, hi vọng từ năm 2026 bức tranh tổng thể sẽ tươi sáng hơn.

Còn ông Đặng Văn Phúc - Phó tổng giám đốc thường trực Saigonres Group (mã chứng khoán: SGR) - nói năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng dự báo những năm sắp tới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng rõ nét.

Các yếu tố tạo động lực khởi sắc như chính sách pháp lý thông thoáng, cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Tuy nhiên, một số yếu tố cũng sẽ tác động ngược lại gây khó khăn cho thị trường.

"Chạy đua" pháp lý, bàn giao và chuyển nhượng dự án

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đan xen cơ hội và thách thức, hầu hết doanh nghiệp đều đặt kế hoạch tăng trưởng, đến từ việc bàn giao hoặc chuyển nhượng dự án. Vấn đề hoàn tất pháp lý dự án được doanh nghiệp đề cao hơn hết và cố gắng thúc đẩy.

Công ty Nam Long đặt mục tiêu năm nay với doanh thu 6.794 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 701 tỷ đồng (tăng 35% so với năm trước). Doanh số năm nay đến từ các dự án trọng điểm mà công ty triển khai tại Long An, Đồng Nai, Cần Thơ.

Ngoài ra, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng, bán vốn dự án, mở bán sản phẩm ở nhiều khu đô thị khác nhau. Trong đó, Nam Long dự kiến chuyển nhượng 15% vốn góp tại dự án Izumi City (Đồng Nai), đang đàm phán với đối tác.

Đồng thời, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng giám đốc Nam Long - nhấn mạnh đến việc nghiên cứu, tiếp cận quỹ đất mới. Công ty đang cân nhắc về lợi nhuận từ việc đầu tư quỹ đất và khả năng huy động vốn từ thị trường, sau đó sẽ có hành động thực tế. Vị này kỳ vọng năm nay có thể sẽ có một số quỹ đất thành công, mở rộng hơn so với hơn 600ha đang sở hữu.

Bất động sản "nóng" lên cục bộ, các ông lớn có động thái gì?- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu hoàn thiện pháp lý dự án (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Công ty Nhà Khang Điền đặt mục tiêu doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 1.000 tỷ đồng năm nay, cũng đến từ việc bàn giao một số dự án trọng điểm tại TPHCM, bao gồm 2 dự án hợp tác cùng Keppel Land tại TP Thủ Đức.

Với việc Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TPHCM, bà Mai Trần Thanh Trang - Chủ tịch HĐQT - đánh giá TPHCM sẽ trở thành trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất cả nước, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ phát triển.

Tuy nhiên, theo bà Trang, Khang Điền chủ yếu triển khai các dự án tại TPHCM. Nếu có cơ hội và dự án ở vị trí tốt, pháp lý rõ ràng, công ty sẽ đầu tư vào Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hai "cánh chim đầu đàn" của ngành là Vingroup và Vinhomes cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Vinhomes lên kế hoạch lãi sau thuế năm nay là 42.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thực hiện năm trước. Còn Vingroup đặt mục tiêu lãi 10.000 tỷ đồng, tăng 90%.

Ông Phạm Nhật Vượng thừa nhận kế hoạch của Vingroup thực sự rất thách thức, không dễ dàng đạt được nhưng sẽ "cày ngày, cày đêm, nỗ lực sáng tạo".

Đồng thời, vị tỷ phú cũng tiết lộ định hướng phát triển bất động sản của Vingroup trong thời gian tới là phát triển các dự án đại đô thị quy mô hàng nghìn ha và ở xa trung tâm. Các dự án nhỏ, gần trung tâm Vingroup sẽ nhường cho các doanh nghiệp khác triển khai. Các khu đại đô thị này sẽ có đầy đủ hệ sinh thái từ vận tải, xe bus, xe điện, đầy đủ tiện ích cho cư dân và đảm bảo các tiêu chuẩn ESG.

Tổng Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres - mã chứng khoán: SGR) cũng chú trọng năm nay hoàn thiện pháp lý các dự án đang xin chủ trương đầu tư, đền bù và giải phóng mặt bằng, triển khai thi công dự án, đẩy nhanh tiến độ chuyển nhượng một số bất động sản riêng lẻ không đủ diện tích lập dự án.

Với kế hoạch lợi nhuận 320 tỷ đồng năm nay, gấp hơn 5 lần năm trước, đại diện Saigonres Group nói phần lớn đến từ chuyển nhượng dự án đã bán từ năm 2023 và dự kiến hoàn thành, ghi nhận lợi nhuận vào năm nay. Đồng thời, công ty sẽ đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm còn lại để thu về lợi nhuận.

Cũng theo xu hướng chung năm nay, lãnh đạo TTC Land cho biết sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc tại các dự án, đảm bảo đủ điều kiện triển khai xây dựng trong giai đoạn tới. Đồng thời, công ty tăng cường kiểm soát dòng tiền, tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả, chỉ tập trung đầu tư vào các dự án có tính khả thi cao và đã được thẩm định kỹ lưỡng.

Ông Võ Thanh Lâm - Tổng giám đốc TTC Land - cho biết kế hoạch năm nay sẽ tập trung bán hàng tại các dự án trọng điểm như TTC Plaza Đà Nẵng, Selavia Phú Quốc, Panomax River Villas và dự án Cù Lao Tân Vạn, một dự án mới nổi bật sau thương vụ M&A với Công ty CP Đầu tư Tín Nghĩa - Á Châu. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh khai thác hoạt động cho thuê sàn thương mại, quản lý tòa nhà và thi công cảnh quan để tăng dòng tiền hoạt động.

Đối với Novaland, ban lãnh đạo cho rằng thị trường bất động sản đứng trước nhiều cơ hội lớn song cũng đối mặt với không ít khó khăn và áp lực từ các yếu tố về bất ổn kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế, độ trễ trong thực thi các luật mới, những khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn cũng như thách thức từ hạ tầng và quy hoạch…

Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch tập đoàn - nêu chiến lược mới, mở thêm phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Chiến lược này không mang lại nhiều lợi nhuận nhưng sẽ bền vững vì có dòng tiền ổn định cho Novaland và thực hiện theo chiến lược phát triển của quốc gia. Theo đó, Novaland đang xin chủ trương chuyển đổi 2 dự án tại TPHCM có tổng diện tích 60ha sang làm nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Theo đó, năm 2025 Novaland sẽ tập trung vào các mục tiêu trọng yếu gồm khơi thông pháp lý, đẩy mạnh xây dựng và tối ưu dòng tiền; kiện toàn quản trị, điều hành theo hướng tinh gọn - hiệu quả; chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu suất và từng bước triển khai tiêu chuẩn ESG.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top