Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Đánh thức tiềm năng bất động sản vùng ven" do VnExpress.net tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện với quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi có mật độ dân số cao. Do vậy, việc phát triển đô thị trong tương lai cần lưu ý và cân nhắc việc tiếp tục phát triển những thành phố lớn hay cần giãn dân ra các vùng lân cận. Và phát triển các đại đô thị thì phải là tổ hợp của nhiều đô thị vừa và nhỏ chứ ko phải 1 thành phố lớn như hiện tại.
Bên cạnh đó, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các thành phố lớn, đã xuất hiện làn sóng dịch chuyển ra vùng ven đô sinh sống, để có cuộc sống bình an hơn, tách biệt với trung tâm đô thị đông đúc, không gian sống gần gũi thiên nhiên mà người ta gọi đó là lối sống sinh thái. Đó là những xu hướng sẽ được định hình sau khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhận định.
Theo đánh giá của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc CBRE Việt Nam, xu hướng đầu tư đi ra các vùng lân cận các thành phố lớn không phải là một xu hướng mới xuất hiện, mà đã ở trong bối cảnh phát triển bất động sản Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây.
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt phân tích: Trong bối cảnh hiện tại, nguồn cung sản phẩm cho các nhà đầu tư tại khu vực trung tâm như Thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội luôn có xu hướng giá là tăng, tạo nên một sự phân cực đối với những nhà đầu tư. Chính yếu tố thị trường này thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm các sản phẩm và kênh đầu tư bên ngoài xa trung tâm với quỹ đất lớn, giá thành phù hợp ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, các tỉnh lân cận các thành phố lớn hiện tại cũng có sự phát triển về hạ tầng và quy hoạch rất là tốt. Đơn cử như ở Hà Nội, các hệ thống hạ tầng kết nối rất tốt, tạo ra một sự liên thông về mặt giao thông giữa các tỉnh, từ đó làm cho các nhà đầu tư cảm thấy thuận tiện hơn trong việc đầu tư và chấp nhận đi ra xa trung tâm hơn để tìm kiếm được những cơ hội đầu tư tốt hơn.
Ngoài ra, việc các chủ đầu tư lớn đang tìm các quỹ đất ở các khu vực xa trung tâm và các tỉnh lân cận cũng đã thu hút một lượng rất lớn những nhà đầu tư cùng đi theo để tạo ra xu hướng hiện tại, ông Kiệt nhận định.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Chủ tịch SREC “Café bất động sản” cho biết: Bên cạnh việc quỹ đất khan hiếm, giá bất động sản cao, thì pháp lý để xây dựng một dự án mới tại thành phố là rất khó. Sự thay đổi về văn hóa đi xe hơi và thích du lịch cũng là lực đẩy cho thị trường vùng ven. Yếu tố quan trọng nữa là biên lợi nhuận của bất động sản vùng ven khá lý tưởng, lãi rất nhiều so với bất động sản trong thành phố.
Mặt khác, ông Quang cho rằng, dịch Covid-19 làm thay đổi giá trị của bất động sản, người dân có tâm lý dịch chuyển đi mua đất ở xa trung tâm để lựa chọn bất động sản an toàn, không gian sống chất lượng. Thực tế cho thấy, ngay sau khi dịch Covid-19 vào tháng 5/2020 được kiểm soát, người dân đã ồ ạt đi mua đất ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, ven biển,… rất nhiều nơi để phát triển đất nhà vườn, nghỉ dưỡng.
Hiện nay, xu hướng dần tiến ra xa trung tâm ngày càng trở nên rõ rệt, khi các “ông lớn” bất động sản liên tục phát triển những dự án tầm cỡ, có quy mô lớn ở vùng ven. Đây là một điểm nhấn lớn để nhà đầu tư có thể thực hiện được một bất động sản đúng chuẩn mà chủ đầu tư nào cũng muốn. Đó là một khu đô thị với quy mô vài chục, vài trăm, thậm chí cả nghìn héc-ta, một chuỗi sinh thái đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian sống tràn ngập cây xanh, điều mà ở khu vực trung tâm không thể làm được, ông Quang cho biết.
Có thể thấy, xu hướng đô thị hóa dịch chuyển là tất yếu. Khu vực ven đô với lợi thế hạ tầng đồng bộ, quỹ đất dồi dào, mức giá hấp dẫn, không gian sinh sống chất lượng, cùng nhiều tiềm năng tăng trưởng, sẽ tiếp tục tạo phân khúc thu hút giới đầu tư và người mua ở thực trong thời gian tới.