188 dự án đạt chứng chỉ xanh trong 2 quý đầu năm
Báo cáo định kỳ "Tổng quan thị trường công trình Xanh Việt Nam" quý II/2021 được công bố bởi UK Government, IFC (World Bank Group) và SGS cho thấy, thị trường công trình xanh Việt Nam vẫn đang có những bước phát triển, mặc dù còn chậm so với số lượng công trình xây dựng và xu hướng xanh hóa trong khu vực. Theo đó, trong 2 quý đầu năm, có 188 dự án xanh đạt chứng nhận, với tổng diện tích sàn đạt chứng nhận là 4.387.000m2.
Hệ thống chứng chỉ xanh tại Việt Nam hiện có 3 chứng chỉ chính gồm: EDGE, LEED và Lotus. Thống kê cho thấy, EDGE dẫn đầu về tổng diện tích sàn đạt chứng chỉ trong khi LEED dẫn đầu về tổng dự án đạt chứng chỉ.
Chứng chỉ Công trình xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) được cấp bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC thuộc World Bank Group năm 2013.
Chứng chỉ Công trình xanh LOTUS là tiêu chuẩn công trình xanh Việt Nam được hội đồng công trình xanh Việt Nam (Vietnam Green Building Council) nghiên cứu và phát hành năm 2011.
Chứng chỉ Công trình xanh LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) được cấp bởi Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ (US Green Building Council) từ năm 1995.
Cụ thể, có 50 dự án được cấp chứng chỉ Công trình xanh EDGE, chiếm 27%; với tổng diện tích sàn là 2.575.471m2, chiếm 58%. Có 104 dự án được cấp Chứng chỉ Công trình xanh LEED, chiếm 55%; tổng diện tích sàn đạt 1.463.704m2, chiếm 34%. Có 34 dự án được cấp chứng chỉ Công trình xanh LOTUS, chiếm 18%; tổng diện tích sàn đạt 347.911m2, chiếm 8%
Đánh giá về con số này, KTS. Vũ Linh Quang, thành viên Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho hay: "Như vậy, sau 6 năm phát triển tại Việt Nam, EDGE đã lan rộng đến được 16 tỉnh thành và đang có tốc độ phát triển mét vuông sàn xây dựng nhanh nhất. Đa phần các dự án đạt chứng chỉ EDGE là chung cư cao tầng. Trong khi đó, LEED vẫn đang là chứng chỉ phổ biến nhất, chiếm tỷ trọng cao nhất và trên 80% dự án đạt chứng chỉ này là các công trình nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp.
Chứng chỉ Lotus dành cho nhóm đối tượng khá đa dạng, từ nhà máy, nhà xưởng cho tới nhà ở, văn phòng và trường học. Trong này, phần lớn là công trình quy mô nhỏ, không phức tạp. Đáng chú ý là trong quý II vừa qua không có dự án nào đạt chứng nhận Lotus".
Trước đó, tại báo cáo của Reputa - Hệ thống Lắng nghe và Hỗ trợ giám sát danh tiếng với thời gian đo lường dữ liệu từ 1/10/2020 - 31/3/2021 ghi nhận: Trong tháng 11/2020, lượng thảo luận về dự án bất động sản xanh đạt mức cao nhất với 21.639 lượt nhắc tới; tháng 1/2021 có lượng thảo luận thấp nhất với 6.877 lượt nhắc tới.
Hai từ khóa "công trình xanh" (1.038 lượt tìm kiếm) và dự án xanh (995 lượt tìm kiếm) được tìm kiếm nhiều nhất trên Google và từ khóa ít được tìm kiếm nhất là khu đô thị xanh (256 lượt tìm). Báo cáo cũng cho hay, mạng xã hội và báo chí là 2 nguồn thảo luận chính về các dự án khi chiếm đến hơn 90% lượng thảo luận.
Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực triển khai dự án bất động sản xanh nhiều nhất cả nước với tổng lượng thảo luận về mua/bán dự án chiếm đến 74,66%. Người tham gia thảo luận tập trung chủ yếu ở nơi là Hà Nội (34,84%), TP.HCM (28,33%) và Hải Phòng (24,41%).
Độ tuổi 25 - 34 (57,87%) và 35 - 44 (21,02%) là đối tượng thảo luận nhiều nhất, người tham gia ở độ tuổi này thường có xu hướng lập gia đình, hoặc chuyển ra sinh sống riêng. Điểm chung của nhóm độc giả này là quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe, chú trọng không gian sống cho bản thân và gia đình.
Top 5 chủ đầu tư được đề cập tới nhiều nhất gồm: Vingroup, Novaland, Ecopark, Gamudaland, Đất Xanh với các dự án: DreamCity, Aquacity, Ecopark, Seoul Ecohome, Vạn Phúc City.
Bất động sản xanh không chỉ còn là xu thế, mà là yếu tố cần
Vài năm trở lại đây, bất động sản xanh đang trở thành xu thế với các loại hình như: Đô thị xanh, khu nghỉ dưỡng xanh, khu đô thị sinh thái, thành phố xanh... Bất động sản xanh được hình thành bởi 4 yếu tố cơ bản: Không gian xanh, vị trí xanh; vật liệu xanh, kiến trúc xanh; tiện ích xanh và chứng chỉ xanh.
Về yếu tố không gian xanh hay cụ thể hơn là vị trí xanh, đó là vị trí ít bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đô thị, nhiệt độ thấp hơn trung tâm 1,5 - 2 độ và chỉ số bụi mịn thấp hơn.
Về yếu tố vật liệu xanh, thiết kế xanh, yêu cầu đối với một dự án bất động sản xanh là cần có mật độ xây dựng thấp, trong đó, cây xanh, mặt nước chiếm tỷ trọng lớn. Đặc biệt, dự án cần sử dụng vật liệu cách nhiệt, giảm thải chất rắn ra môi trường, sử dụng năng lượng mặt trời.
Về yếu tố tiện ích xanh, dự án cần chú ý tới việc sử dụng tiện ích đa năng như công viên nội khu đáp ứng đầy đủ các tiện ích sống, kết hợp một cách hài hòa, giúp nuôi dưỡng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho cư dân...
Một yếu tố không thể thiếu là tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ xanh. Đây là hệ thống đánh giá và cấp giấy chứng nhận xanh đặt ra yêu cầu từ quá trình thiết kế cho đến khi triển khai dự án phải có trách nhiệm với môi trường và sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Nhìn nhận về sự phát triển của thị trường này tại Việt Nam thời gian qua, KTS. Vũ Linh Quang đánh giá: "Việc phát triển các dự án và công trình xây dựng có phần chậm lại trong 2 năm vừa qua khi Việt Nam đang trải qua các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, việc phát triển công trình xanh cũng chịu ảnh hưởng khi số lượng dự án không được nhiều". Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, các công ty tư vấn công trình xanh, hướng đến sử dụng bền vững, hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên lại nhận được nhiều dự án yêu cầu việc cân nhắc các chứng chỉ công trình xanh vào trong dự án, ngay cả khi công trình đã bắt đầu khởi công xây dựng.
"Các chủ đầu tư bất động sản hiểu được sự quan ngại về vấn đề sức khỏe, môi trường sống và không gian xanh, nên đã chủ động đưa đến nhiều giải pháp thiết kế xanh vào trong dự án", ông Quang cho hay.
Theo đó, số lượng dự án xanh không ngừng tăng dần từ năm 2010 đến nay. Tính tại thời điểm cuối năm 2020, đã có tổng cộng 172 dự án với gần 4 triệu mét vuông sàn xây dựng đạt chuẩn công trình xanh./.