Aa

Bát nháo thị trường bất động sản Nha Trang

Thứ Tư, 18/10/2017 - 14:01

Bát nháo thị trường bất động sản Nha Trang; Siết dự án trung tâm, nhà đầu tư địa ốc TP.HCM đổ bộ ra vùng ven; Tái diễn nguy cơ “băm nát” quy hoạch Hà Nội; Bất động sản lại là “vua”;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Bát nháo thị trường bất động sản Nha Trang

Trong công văn gửi Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa thừa nhận, thị trường bất động sản Nha Trang đã xuất hiện một số chủ đầu tư yếu kém về năng lực quản trị, tài chính kết hợp với các Sàn Môi giới bất động sản làm ăn chụp giựt (đặc biệt là các Sàn bất động sản ngoại tỉnh đến lập chi nhánh tại Nha Trang), thường xuyên rao bán, đăng tin trên các phương tiện truyền thông và nhận tiền bằng hình thức nhận cọc thiện chí, đăng ký nguyện vọng giữ chỗ, mặc dù các dự án này đều đang bị thế chấp, cầm cố và chưa được Sở Xây dựng chấp thuận đồng ý thông qua về kinh doanh bất động sản.

Ông Quý cho rằng, chính những chủ đầu tư và sàn môi giới bất động sản này đã làm bát nháo thị trường bất động sản tại Nha Trang, đẩy người dân, khách hàng vào tình thế thông tin nhiễu loạn, lừa gạt và dẫn đến những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng với chủ đầu tư. Về lâu dài, làm hỗn loạn, méo mó thị trường, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các chủ đầu tư cũng như các Sàn Môi giới chân chính và làm niềm tin khách hàng đến với Bất động sản Nha Trang bị xói mòn gây nên dư luận không tốt về thị trường Nha Trang.

Dự án thế chấp ngân hàng được các sàn môi giới công khai rao bán khi chưa đủ điều kiện.

Dự án thế chấp ngân hàng được các sàn môi giới công khai rao bán khi chưa đủ điều kiện.

Ông Quý đưa ra dẫn chứng, dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View tại núi Hòn Chụt (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) do Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thiên Nhân II (Công ty Thiên Nhân II) làm chủ đầu tư đã đem 40 lô đất biệt thự thế chấp ngân hàng để vay vốn. Dù đã nhận đủ tiền của người mua đất nhưng công ty không làm thủ tục giải chấp, chuyển sổ đỏ cho người mua.

Ngoài dự án Ocean View Nha Trang, gần đây dự án Napoleon Caste I (đường Nguyễn Đình Chiểu) đang thế chấp ngân hàng và cũng chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên thông tin rao bán sản phẩm của dự án này đã tràn ngập khắp nơi với giá chỉ từ 664 triệu đồng/căn.

Xem chi tiết tại đây.

Siết dự án trung tâm, nhà đầu tư địa ốc TP.HCM đổ bộ ra vùng ven

Thời gian qua, tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng trở nên nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân được các nhà quản lý, các chuyên gia đưa ra, là do nhiều cao ốc được xây dựng tại khu trung tâm, dù hạ tầng yếu, kết nối giao thông chưa hoàn chỉnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, trước đây, nếu dự án đáp ứng đủ điều kiện phù hợp quy hoạch, không tranh chấp, có hồ sơ pháp lý về đất đai đầy đủ, đều được xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giúp xu hướng ly tâm tại TP.HCM diễn ra nhanh và mạnh mẽ thời gian qua. Ảnh: Lê Toàn.

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng giúp xu hướng ly tâm tại TP.HCM diễn ra nhanh và mạnh mẽ thời gian qua. Ảnh: Lê Toàn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, khi ở Hà Nội có các chung cư mọc lên trong những con hẻm nhỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu TP.HCM phải xem xét, đánh giá tác động giao thông lên hạ tầng khi cấp phép cho các công trình cao ốc.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, hiện nay, Sở đang phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải tiến hành rà soát những khu vực ùn tắc để nghiên cứu đề ra chỉ tiêu quy hoạch, hệ số sử dụng đất, tầng cao thích hợp. Trong giai đoạn này, nếu hạ tầng chưa được thực hiện theo quy hoạch thì cần phải giảm các chỉ tiêu.

Ông Toàn cho rằng, đây là vấn đề không hề đơn giản, vì không chỉ rà soát, mà còn phải xem xét, nghiên cứu các tiêu chí kèm theo cho từng khu vực, như hệ số sử dụng đất, tầng cao cũng như các chỉ tiêu quy hoạch khác.

Xem chi tiết tại đây.

Bất động sản lại là “vua”

Trong 5 năm qua, câu cửa miệng “tiền mặt là vua” rất đúng với hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tuy nhiên, vị thế của tiền trong rổ tài sản bắt đầu thay đổi rõ rệt từ một năm nay. Các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, có tài sản là bất động sản đã và đang được thị trường định giá lại.

Chẳng hạn, năm 2014, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu để mua dự án Khu tái định cư Phú Chánh, gần Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP 2), Bình Dương. Ðến nay, sau 3 năm, với giá thị trường 8 triệu đồng/m2, giá trị dự án là 1.600 tỷ đồng, trong khi giá vốn khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2. Như vậy, TDC sẽ lãi lớn nếu bán quỹ đất này.

Trong năm 2017, thị trường chứng khoán đã chứng kiến đợt định giá lại nhiều cổ phiếu bất động sản dựa vào quỹ đất mà doanh nghiệp sở hữu. Cụ thể, cổ phiếu DXG, LDG, NLG, TDH được định giá với mức P/E khoảng 10 lần, cao hơn mức định giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng được tài sản là dự án, hoặc đất nhà xưởng khu công nghiệp, với giá cao so với giá vốn. Ví dụ, Công ty cổ phần Ðầu tư Thương mại Dệt may Thành Công (TCM) đã ký 3 hợp đồng chuyển nhượng đất nhà xưởng từ đầu năm đến nay, thu về khoảng 200 tỷ đồng, dự kiến lãi hơn 1 triệu USD.

Xem chi tiết tại đây.

Tái diễn nguy cơ “băm nát” quy hoạch Hà Nội

Sau 7 năm điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn vào năm 2010, mới đây nhất ngày 22/5/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn. Theo đó, nhiều ô đất được điều chỉnh công năng, tăng mật độ xây dựng làm thay đổi cảnh quan khu đô thị như thiết kế dự kiến ban đầu. Trong đó có ô đất tăng gấp đôi mật độ xây dựng, tăng 3-4 lần tầng cao công trình.

Điều đáng nói, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại khu đô thị Ngoại giao đoàn phải có tham vấn ý kiến cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, thời điểm ngày 4.11.2016, khi họp lấy ý kiến người dân về việc điều chỉnh quy hoạch, lãnh đạo phường Xuân Tảo đã lấy ý kiến của 10 người không phải là cư dân mua nhà tại Khu Ngoại giao đoàn.

Bà Đỗ Thị Hương Chà, Chủ tịch UBND phường Xuân Tảo thừa nhận, 10 người được mời cho ý kiến về việc điều chỉnh quy hoạch là cư dân thuộc Tổ dân phố số 1, không phải cư dân mua nhà sinh sống trong Khu Đoàn ngoại giao, do vậy là chưa đúng đối tượng.

Toàn cảnh khu đô thị Ngoại giao đoàn.

Toàn cảnh khu đô thị Ngoại giao đoàn.

“Như vậy quy trình thủ tục điều chỉnh quy hoạch 1/500 nêu trên đã sai ngay từ khâu lấy ý kiến người dân, tham vấn sai đối tượng. Chúng tôi đề nghị UBND TP Hà Nội hủy bỏ quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 cục bộ vào cuối tháng 5 vừa qua. Muốn thay đổi, phải làm lại quy trình thủ tục đề xuất từ khâu tham vấn cộng đồng, trong đó phải cho cư dân mua nhà, sinh sống tại khu Ngoại giao đoàn tham gia” - ông Cao Xuân Tùng, đại diện hàng trăm cư dân tại khu đô thị Ngoại giao đoàn kiên quyết cho biết. 

Đại diện Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) không phủ nhận chính doanh nghiệp là người đề xuất UBND TP Hà Nội cho điều chỉnh quy hoạch. “Bởi so với bản quy hoạch cũ, khu đô thị Ngoại giao đoàn chỉ là những là toà 5 – 10 tầng thì cực kỳ lãng phí quỹ đất, trong khi doanh nghiệp xây thấp tầng như vậy cũng không có lãi” - lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích.

Nghe thì có lý nhưng nhiều người lo ngại, nếu quyết định trên không được thu hồi thì nguy cơ sẽ có một kịch bản “băm nát” quy hoạch lặp lại tương tự như ở khu đô thị từng coi là kiểu mẫu tại Hà Nội là khu đô thị Linh Đàm.

Xem chi tiết tại đây.

Metro số 1 "hắt hơi", thị trường bất động sản khu Đông liệu có "bạo bệnh"?

Metro Bến Thành – Suối Tiên được công bố quy hoạch vào đúng điểm sôi của thị trường địa ốc khu Đông TP.HCM. Cú “tích hợp” này khiến các dự án dọc tuyến Metro mọc lên nhan nhản, giá tăng vùn vụt.

Theo thống kê của CBRE, dọc trục xương sống Metro có khoảng 40 dự án lớn nhỏ. Giá trị bất động sản tăng gần 20%. Tại thị trường quận 2 TP.HCM, trung điểm của tuyến Metro, Giá chào bán của các dự án căn hộ cao cấp từ mức trung bình 1.490 USD/m2 đã nhích lên 1.650 USD hiện nay, tăng 11%, so với mức tăng 3% trên toàn thành phố.

“Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên dự kiến hoạt động vào năm 2020 sẽ khiến thị trường bất động sản đổi thay ngoạn mục hơn” - ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam dự báo. Giá đất tăng, các dự án bất động sản bùng nổ, các đơn vị bán lẻ và dự án văn phòng được dịch chuyển ra xa trung tâm hơn. Ở một số quốc gia, giá bán có thể biến động tăng đến 45%.

Thông tin tuyến Metro số 1 có thể tạm dừng vào năm 2018 có thể gây tác động tâm lý lên thị trường bất động sản khu Đông.

Thông tin tuyến Metro số 1 có thể tạm dừng vào năm 2018 có thể gây tác động tâm lý lên thị trường bất động sản khu Đông.

Tuy nhiên, sau một thời gian sôi động, những dự đoán “màu hồng” đã không còn sát với thực tế khi tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên từng có dấu hiệu chững lại khi có thông tin tuyến đội vốn và trễ hạn. Những dự án ăn theo Metro chủ đầu tư không tiềm lực bị đình đốn và chuyển nhượng khá nhiều. Niềm tin của người mua, nhất là nhà đầu tư lướt sóng có vẻ lung lay.

Thông tin Metro số 1 có thể tạm dừng từ năm 2018 có vẻ như đang tạo thêm một “gáo nước lạnh” vào niềm tin của thị trường. “Nếu Metro số 1 thực sự tạm dừng, sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mua nhà. Người dân đã chờ đợi tuyến Metro quá lâu rồi”- Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc hàng đầu TP HCM nói. Sở dĩ Metro kích thích thị trường bất động sản khu Đông là vì dự án này sẽ tạo nên một giải pháp giao thông mới cho khu vực kẹt xe và ngập nước trầm kha. Nếu tạm dừng Metro số 1, không chỉ riêng thị trường bất động sản mà cả kinh tế xã hội cũng bị ảnh hưởng.

Xem chi tiết tại đây.

Phê duyệt khung bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, cùng với việc phê duyệt khung chính sách bồi thường nói trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện nội dung báo cáo và ký Tờ trình của Chính phủ báo cáo Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Dự án được Quốc hội thông qua với mục tiêu là cảng hàng không đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), trước mắt khắc phục tình trạng quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được định hướng trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, với tổng công suất 100 triệu/khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận được máy bay A380-800 hoặc tương đương. 

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top