Aa

BẢY: Một người lính vẫn trên đường trở về quê mẹ

Thứ Ba, 18/02/2020 - 06:30

Lúc nào nghĩ đến anh, tôi vẫn thấy anh mặc bộ quân phục mới tinh của ngày nhập ngũ ở thị trấn Vân Đình, lưng đeo balô, đầu đội chiếc mũ cối có ngôi sao vàng, vẫn đang đi bộ trở về quê mẹ.

Mặc dù người ta đã báo tử anh. Nhưng không có lý do nào khuất phục được ý nghĩ của tôi rằng anh vẫn sống và đang trên đường trở về quê mẹ. Làng quê của anh vẫn còn đó nhưng mẹ anh đã mất. Anh là Lê Xuân Nghiệp. Mẹ anh là cô tôi. Ở quê tôi, chị hay em gái của bố đều được gọi là cô. Cô tôi chỉ có mình anh. Anh nhập ngũ năm 1967. Năm năm sau, người ta báo tử anh. Sau này cô tôi trở thành Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, được Hàng không Việt Nam nhận nuôi dưỡng.

Hồi bé tôi thích nhất là được lẽo đẽo theo anh đi câu sông vào mùa nước. Anh cắm một giàn 10 chiếc cần câu. Lúc nào anh cũng cho tôi được quyền canh giữ một chiếc. Trong khi hai anh em tôi đứng trong mưa, dầm chân trong nước sông ngầu đục và mắt không rời những chiếc phao hoa ngô nổi bồng bềnh trên mặt sông, thì anh lại kể đủ thứ chuyện cho tôi nghe. Hầu hết là chuyện anh cùng lũ bạn đi ăn trộm chuối, trộm ổi hay mít của nhà ai đó trong làng. Mặc dù anh kể chẳng chuyện nào ra chuyện nào nhưng tôi vẫn bị cuốn đi bởi giọng kể của anh. Thi thoảng tôi lại xin mẹ được ngủ với anh một đêm. Những đêm như thế, tôi nằm bên cạnh anh thoả thuê nghe những câu chuyện trên giời dưới bể. Thi thoảng anh ngồi dậy và nói: “Tao sẽ đi bộ đội và trở thành anh hùng cho mà xem”.

Ngày anh nhập ngũ, tôi bám theo anh xuống tận huyện đội ở thị trấn Vân Đình, nơi bây giờ ngập tràn những quán vịt cỏ nướng. Tôi hạnh phúc như phát điên khi được anh nhờ cầm giúp chiếc mũ cối có ngôi sao vàng gắn trên đó. Rồi anh Nghiệp trèo lên thùng xe tải của quân đội. Anh đứng trên thùng xe nhìn tôi và đưa tay vẫy. Lúc đó, tôi thấy anh uy nghi như một người anh hùng. Khi những chiếc xe tải cài đầy lá ngụy trang rời khỏi thị trấn thì tôi bật khóc. Lúc đó, tôi chẳng bao giờ nghĩ được rằng, anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Một năm sau ngày anh mất, cô tôi lấy tất cả những chiếc cần câu của anh mà cô vẫn cất kỹ trên gác bếp đưa cho tôi. Nhưng từ ngày anh mất, tôi không còn thú câu sông nữa. Vào mùa nước, có lúc tôi cũng mang những chiếc cần câu của anh tôi để lại, và đi ra sông. Nhưng tôi không còn nhìn đắm đuối vào những chiếc phao hoa ngô nữa. Tôi cứ nhìn sang bên kia bờ sông và nghĩ lan man về anh Nghiệp.

Một đêm, tôi thức giấc bởi tiếng nói chuyện rì rầm. Tôi nhận ra cha tôi mới đi công tác về. Ông nói với mẹ tôi, anh Nghiệp không hy sinh mà vẫn còn sống, đang được nuôi dưỡng trong một trại thương binh đặc biệt. Ông nói sẽ đi tìm anh Nghiệp. Sau này, khi tôi bắt đầu đi làm, cha mới kể cho tôi nghe chuyến đi tìm anh Nghiệp của ông. Một người bạn cha tôi đã mách, anh Nghiệp còn sống và hiện đang ở một trại thương binh. Nhưng anh cụt hết cả hai tay hai chân và thêm những vết thương khác nữa. Cha tôi đã đến trại thương binh đó và nói chuyện với lãnh đạo trại xin gặp anh. Cha tôi lấy danh dự một Đảng viên, hứa sẽ giữ mọi bí mật về anh. Lãnh đạo trại để cha tôi chờ ngoài phòng khách rất lâu. Sau đó, họ gặp cha tôi và rất lúng túng thông báo cho ông biết không có ai tên là Nghiệp ở đó. Cha tôi nhận ra sự không bình thường trong khi nói chuyện của họ. Cha tôi vừa năn nỉ vừa nghiêm nghị nói với họ về chuyện gặp anh. Nhưng những người tiếp cha tôi vẫn một mực nói không có anh Nghiệp ở đó, trong khi nước mắt họ giàn giụa. Cha tôi phải quay về, nhưng ông vẫn tin anh Nghiệp đang ở trại thương binh đó.

Người lính trở về trong tâm tưởng.

Tôi biết có một số thương binh đã đề nghị tổ chức báo tử vì họ bị thương quá nặng. Họ không muốn làm đau lòng những người thân khi nhìn thấy họ. Và tôi tin anh Nghiệp cũng là một người như thế. Tôi nghĩ anh đã đề nghị tổ chức báo tử anh. Anh không muốn cô tôi nhìn thấy đứa con trai duy nhất của mình như thế. Thời gian mà lãnh đạo trại để cha tôi đợi lâu có thể là thời gian họ nói chuyện với anh Nghiệp. Và anh quyết không gặp cha tôi. Tôi biết anh vô cùng đau đớn khi phải quyết định vậy. Bởi lúc ấy, mẹ anh vẫn sống mà anh không dám nhìn thấy mẹ, không dám nghe tiếng mẹ. Mẹ anh đã khóc bao ngày bao tháng khi nghe tin anh hy sinh. Nhưng anh sẽ khóc hết cuộc đời khi nghĩ đến mẹ. Nỗi đau đớn ấy còn đau đớn hơn cả khi anh bị bom đạn cắt đứt hết chân tay mình.

Khi còn sống, cô tôi không được biết câu chuyện cha tôi đi tìm anh. Những năm cuối đời, cô tôi bị lẫn nhiều. Thi thoảng cô tôi lại hỏi: “Thằng Nghiệp đi đâu mà chưa thấy về ăn cơm?”. Lúc đầu, mấy đứa cháu họ lại trả lời là chú Nghiệp hy sinh lâu rồi. Nhưng sau này cứ nghe cô hỏi vậy thì mọi người đều trả lời là chú Nghiệp ăn cơm và đi chơi rồi. Cô tôi lại lầu bầu: “Lại đi câu chứ gì. Suốt ngày câu với kéo”. Mỗi lần về quê, tôi đến qua thăm cô. Tôi cầm tay cô và xưng tên. Cô nhìn tôi rất lâu mà chẳng nói gì. Nhưng cũng có lúc cô nhận ra tôi và nói: “Tìm anh mày à? Đang ngoài bến sông ấy”. Ngày chính quyền địa phương làm lễ trao danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho cô, các cháu phải bế cô đặt ngồi lên ghế giữa đình làng. Suốt buổi làm lễ, cô tôi không nói gì. Có lẽ cô không còn nhớ được gì nữa. Sau đó, đôi lần tôi thấy xe của Hàng không Việt Nam đỗ trước cửa nhà cô. Tôi biết họ mang tiền trợ cấp và quà về cho cô. Cũng có lúc, cô tôi hồi phục trí nhớ. Những lúc ấy, mấy đứa cháu lại lấy tiền trợ cấp Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đưa cho cô. Cô lại bảo: “Cất đi mà mua bút mực cho con nó học. Tao có tiêu gì đâu mà giữ”.

Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ ngày anh Nghiệp mất. Nhưng thực sự chưa bao giờ tôi nghĩ anh đã chết. Có lẽ bởi câu chuyện anh vẫn sống ở trong trại thương binh đặc biệt mà cha kể lại cho tôi. Và lúc nào nghĩ đến anh, tôi vẫn thấy anh mặc bộ quân phục mới tinh của ngày nhập ngũ ở thị trấn Vân Đình, lưng đeo balô, đầu đội chiếc mũ cối có ngôi sao vàng, vẫn đang đi bộ trở về quê mẹ. Trong khi chúng ta hối hả chen nhau với bao nhiêu sự hấp dẫn của danh vọng và vật chất thì bao người lính đã hy sinh, bao người lính như anh tôi không hề nghỉ một chút nào trên con đường hành hương trở về quê mẹ. Và bao giờ thì họ về đến quê mẹ của họ? Tôi không trả lời được câu hỏi này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top