Aa

Người phục sinh linh hồn đồ vật

Thứ Ba, 24/12/2019 - 06:30

Trong quan niệm của tôi, nghệ thuật là làm mới những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết. Và Trần Thị Trường là một ví dụ độc đáo. Chị đã chứng minh bằng cách của mình về quyền lực của nghệ thuật.

Chiều ngày 20 tháng 12, tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, đã khai mạc triển lãm "Những cảm xúc bằng màu’" của nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường. Tất cả những bức tranh trong triển lãm là vẽ tĩnh vật. Chuyện đó cũng là thông thường trong sáng tạo nghệ thuật. Nhưng tĩnh vật của họa sỹ Trần Thị Trường đưa tôi vào một không gian khác biệt. 

Tôi đã đi qua từng bức tranh và tôi đã nghe được tiếng thì thầm của các đồ vật trong từng bức tranh ấy. Những bức tranh kể cho tôi về đời sống của chúng. Một đời sống mà có chúng ta trong đó nhưng đã rời xa như từ lâu lắm rồi.

Các tác phẩm tranh tĩnh vật của họa sỹ Trần Thị Trường.

Tôi biết nhà văn Trần Thị Trường đã rất lâu và là một bạn đọc của chị. Tôi cũng biết chị từng học hội họa ở một trường mỹ thuật danh giá nhất Việt Nam. Nhưng không rõ lý do nào đó chị không cầm cọ. Không cầm cọ không phải là không vẽ. Như họa sỹ Lê Thiết Cương đã phát biểu khai mạc triển lãm của chị. Đại ý, chị vẫn vẽ bằng đời sống của chị. Không biết sống thì sẽ không biết vẽ. Và đến một ngày, chị mượn màu, mượn cọ để hiện thực hóa những bức tranh mà chị đã vẽ, đã treo trong tâm hồn chị bấy lâu.

Những bình hoa, ấm pha trà, ấm đun nước, cốc chén, âu sứ, đèn dầu, nồi gang, phích đá… là những đồ vật vô cùng quen thuộc của người Hà Nội những năm cuộc sống còn vô vàn thiếu thốn khó khăn. Những đồ vật ấy quan trọng và cần thiết như là những con người trong đời sống của mỗi gia đình. Rồi năm tháng đổi thay, những đồ vật ấy đã kết thúc sứ mệnh của chúng trong đời sống sinh hoạt của con người và từ từ chìm vào quên lãng. 

Chân dung nhà văn, họa sỹ Trần Thị Trường - Tranh của họa sỹ Nguyễn Hải Kiên

Thế mà một ngày, từ một đô thị hiện đại ngập tràn những đồ dùng, phương tiện hiện đại nhất, thông minh nhất và bắt mắt nhất ấy, ta lại thấy những vật dụng tưởng chừng đã yên nghỉ vĩnh viễn đã từ từ thức dậy như một cơn mơ. Chúng lần lượt hiện về trong không gian hội họa của Trần Thị Trường. Chúng hiện về giản dị, trong sáng, sâu thẳm và quyến rũ. Và mỗi đồ vật ấy như chứa trong nó một linh hồn. Bởi thế mà mà tôi thực sự xúc động khi ngắm nhìn và như nghe được chúng đang kể cho tôi về đời sống của chúng và đời sống chủ nhân của chúng trong những năm tháng xa xưa.

Điều gì đã làm cho những đồ vật, từ quên lãng trở về, lại mang một cảm xúc như một thực thể sống? 

Đó chỉ là tình yêu của Trần Thị Trường dành cho chúng, đó chỉ là sự rung động của trái tim chị đã truyền vào trong những đồ vật kia và đó chỉ là tài năng của chị. Trong quan niệm của tôi, nghệ thuật là làm mới những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết. Và Trần Thị Trường là một ví dụ độc đáo. Chị đã chứng minh bằng cách của mình về quyền lực của nghệ thuật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top