Khúc một
Theo tôi, đó là ngày đặc biệt nhất trong một năm. Đặc biệt hơn cả ngày đầu tiên của năm mới. Ngày đó, tất cả người Việt Nam dù ở đâu và làm gì đều tìm cách trở về cố hương. Và nếu không thể trở về được thì lòng cũng theo những con đường của ký ức mà trở về.
Ngay từ khi còn rất trẻ, tôi đã phải sống xa nhà. Và cứ đến những ngày giáp Tết, lòng tôi lại vang lên một tiếng gì đó xúc động lạ thường. Tiếng đó làm cho tâm hồn tôi xao động, thương nhớ và trở nên thanh sạch lạ lùng. Tiếng đó làm tôi thường tỉnh giấc trong khuya như một người già khó ngủ. Tất cả những người đi làm ăn hoặc sinh sống xa cố hương đều thao thức trở về cố hương trong dịp Tết. Và ai cũng vậy, thường tự nhủ: “Mình phải về cho kịp ngày Ba mươi Tết!”.
Ngày Ba mươi Tết là cách nói chỉ ngày cuối cùng của năm cũ. Ngày cuối cùng có thể là ngày 29, ngày 30 và cũng có thể là một ngày khác của tháng Chạp. Tất cả phụ thuộc vào lịch của từng năm. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì. Điều quan trọng nhất là ngày cuối cùng ấy rõ ràng có một tiếng gọi.
Tiếng gọi của ai thì chẳng ai xác định được rõ ràng. Đó có thể là tiếng gọi của hồi tưởng, của khúc rốn ta mà bà ta đã chôn xuống mảnh vườn quê nội khi ta sinh ra, của những ngày ấu thơ, của một bếp lửa, của một mảnh vườn nở vàng hoa cải…. Nó giống như tiếng gọi của nước với những con cá, tiếng gọi của rừng với muông thú, tiếng gọi của chân trời với những đám mây… Và ta tìm mọi cách để trở về, dù chỉ là trở về trong thương nhớ. Nếu ai đó không có một khoảnh khắc quay đầu nhìn về cố hương mình trong ngày ấy thì cũng sẽ chẳng biết nhìn về đâu nữa.
Khúc hai
Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, không chỉ người trong gia đình ngóng người trong gia đình đi xa trở về mà những người làng tôi đều ngóng tất cả những người làng đi xa trở về. Cái ngày cuối cùng ấy nhiều khi như một phép lạ. Có những người tha phương cả đời, bỗng tóc bạc về quê. Mỗi khi có một người con đi xa như thế trở về thì cả làng đều biết. Thế là những người đó trở thành nhân vật chính của làng trong những ngày thiêng liêng và đầm ấm đó.
Sự thật là mỗi khi có một người làng bỏ quê đi lâu quá rồi trở về thì cả làng mừng như người đó chết rồi nay... đột ngột sống lại. Mẹ tôi thường nấu bánh chưng vào ngày cuối cùng của năm. Và những lúc ngồi bên nồi bánh, mẹ tôi lại nhẩm tính xem năm đó làng có bao người biệt xứ giờ đã trở về. Năm nào có nhiều người như thế về quê ăn Tết là người làng tôi vui như những người đó là của trời ban cho.
Niềm vui ấy tôi chỉ hiểu được khi trên đầu tóc đã điểm bạc. Có người bỏ quê tha phương cầu thực một nửa thế kỷ mới trở về. Về đến đầu làng, người đó gục xuống mà khóc. Người làng ai nhìn thấy cũng khóc. Tiếng khóc ấy là niềm hạnh phúc lớn lao mà có người cả đời không bao giờ được khóc như thế. Bởi có những người bỏ làng và không bao giờ có một mẩu tin. Có thể họ đã chết. Nhưng đã có nhiều người không chết mà không trở về làng được.
Tôi có một người họ hàng giờ vẫn sống ở Đà Nẵng. Ông đi lính Pháp và vào Nam năm 1954. Sau năm 1975, những người thân mong ông trở về nhưng ông chưa một lần trở về. Tôi đã tìm đến thăm ông khi đi công tác ở Đà Nẵng. Tôi hỏi ông vì sao ông không về quê, dù chỉ một lần. Ông đã khóc nấc lên như một đứa trẻ và nói: “Tôi không thể nào trở về được cậu ạ. Khi nào chết tôi mới có thể trở về”.
Ông không giải thích cho tôi vì sao. Nhưng tôi có thể hiểu được, dù rất mơ hồ. Cũng có người cuối đời mới trở về. Người đó hớn hở như một đứa trẻ và đi thăm cả làng. Sau đấy người đó nằm xuống ngủ và vĩnh viễn không bao giờ thức dậy nữa. Người đó là một người được ban phước. Người đó được trở về và thanh thản nằm xuống yên nghỉ ngàn đời trên mảnh đất cố hương của mình.
Khúc ba
Bạn có tin cuộc đời vẫn còn phép lạ không? Tôi hoàn toàn tin điều đó. Ngày cuối cùng của năm cũ là một ngày của những phép lạ. Một trong những phép lạ của ngày đó là có thể làm cho tất cả những người chết... "sống lại".
Phép lạ này có ở những đâu tôi không biết. Nhưng phép lạ đó có ở quê tôi. Cứ đến buổi chiều của ngày cuối năm thì những người làng mang hương ra thăm phần mộ những người thân của mình. Họ ra mời những người đã khuất về nhà ăn Tết. Ngày hôm đó, ngay sau bữa trưa, cha tôi đã nhắc tôi dẫn các con, các cháu tôi ra mời những người thân của gia đình tôi đã khuất về ăn Tết. Anh em tôi cùng các con, các cháu ăn mặc sạch sẽ và náo nức đi về cánh đồng cuối làng. Buổi chiều hôm ấy, tất cả đều dành cho hai việc: Mời những người đã khuất về ăn Tết và chuẩn bị bữa cơm cúng tất niên.
Trên con đường ra nghĩa địa, những người làng găp nhau đều hỏi một câu: “Anh (chị) ra mời các cụ về ăn Tết đấy ạ?”. Câu hỏi ấy hoàn toàn là hỏi về một người đang sống. Nếu có ai vì công việc gì đó ra nghĩa địa muộn thì những người khác hỏi: “Sao ra mời các cụ về ăn Tết muộn thế?”. Từ các cụ ở đây thay cho tất cả những người đã khuất. Việc ra nghĩa địa mời những người đã khuất về ăn Tết hoàn toàn giống việc đến bến xe ở phố huyện đón người nhà đi xa về.
Khi các con, các cháu tôi còn nhỏ, lần đầu tiên tôi đưa chúng ra thăm những ngôi mộ và bảo chúng hãy mời các cụ, kị về ăn Tết. Con trai tôi đã hỏi làm sao những người chết rồi vẫn sống lại được mà về. Nó hỏi với một sự sợ hãi của một đứa trẻ và ám ảnh những câu chuyện ma trong nghĩa địa mà ít nhất nó đã một lần được nghe. Nhưng cho đến bây giờ, con trai tôi đã làm cha, nó vẫn tin điều đó như tôi đã tin. Không phải nó tin chuyện đó như tin một chuyện hoang đường mà bởi có điều gì đó thực sự thiêng liêng, thực sự gần gũi và thực sự ấm áp đã dâng lên trong tâm hồn nó.
Cả khu nghĩa địa của làng trong buổi chiều cuối cùng của năm cũ nhộn nhịp người đi lại. Họ thắp hương và chắp tay khấn mời những người đã chết về sớm để kịp cùng những người thân của mình đang sống ăn bữa cơm cúng tất niên. Và lúc nào tôi cũng thấy những người đã khuất khăn áo đẹp đẽ, nói cười vui vẻ và giục nhau trở về cho sớm. Họ cũng như những người đi làm ăn hoặc sinh sống ở xa giờ về quê ăn Tết mà tôi vẫn gặp ở bến tàu, bến xe trong những ngày cuối năm.
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, có phải mình đã tận mắt nhìn thấy những người đã khuất trong buổi chiều cuối năm ấy không, hay chỉ là ảo giác, là tưởng tượng. Nhưng dù cho thế nào chăng nữa thì lòng tôi thực sự đã gặp lại tất cả những người đã khuất của làng tôi. Bởi những lúc như thế, một cảm giác thân yêu và ấm áp tràn ngập trong lòng.
Và suốt cả buổi chiều ngày cuối năm ấy cho đến phút giao thừa, trong đầu tôi lúc nào cũng vang lên tiếng chào hỏi, tiếng cười nói của những người đã khuất. Trong ngày ấy, tôi không hề lưu giữ trong lòng mình bất cứ một chút nào cái cảm giác buồn thương về những người thân của mình đã khuất, kể cả những người đã mất đi khi còn rất trẻ. Chính thế mà tôi thấy họ vẫn còn sống một cách trọn vẹn. Và cảm giác ấy chỉ có trong ngày cuối cùng của năm cũ. Đó có phải là một phép lạ không? Hoàn toàn là một phép lạ!