Aa

Bất động sản 24h: Đi ngược thị truờng, bất động sản lưu trú đang nóng lên

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 02/09/2022 - 09:50

Đi ngược thị truờng, bất động sản lưu trú đang nóng lên; Thị trường cho thuê căn hộ TP.HCM: Căn hộ chung cư đang cạnh tranh mạnh mẽ với căn hộ dịch vụ... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Đi ngược thị truờng, bất động sản lưu trú đang nóng lên

Bất chấp sự trầm lắng của thị trường chung, các loại hình bất động sản lưu trú (nhà trọ, căn hộ cho thuê…) đang có sự phục hồi mạnh mẽ, do sự trở lại của những dòng khách chủ lưu như công nhân, chuyên gia nước ngoài và sinh viên.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, anh Nguyễn Quốc Hưng đã rót hơn 10 tỷ đồng để mua lại 2 khu nhà trọ 6 tầng và 8 tầng ở khu vực gần khu công nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). 100% số phòng trọ tại 2 khu hiện đều đã được lấp đầy, cung không đủ cầu.

Anh Hưng chia sẻ, gần 10 năm qua, 2 phân khúc chủ lực trong danh mục đầu tư của anh là căn hộ và đất nền. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, anh quyết định “thoát” toàn bộ 3 căn hộ ở trung tâm, thu về gần 12 tỷ đồng, để rót tiền vào đầu tư nhà trọ và căn hộ dịch vụ.

“Cả 2 khu trọ của tôi đều nằm ven Quốc lộ 21, giá thuê dao động ở mức 2 - 6 triệu đồng/phòng nên nhu cầu thuê rất cao. Đối tượng khách chủ yếu là sinh viên và công nhân. Để đáp ứng nhu cầu của khách, sau khi mua, tôi chủ động cải tạo khu trọ ở các phân khúc khác nhau, giá cao thì tiện ích nhiều hơn và ngược lại”, anh Hưng nói.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hệ thống pháp luật chậm đổi mới gây “ách tắc“ sự phát triển thị trường bất động sản

Chỉ thị 13/CT-TTg về phát triển thị trường bất động sản mới đây khẳng định, thời gian qua, các ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, cùng với sự chỉ đạo, điều hành thông qua các giải pháp, chính sách của Chính phủ về thị trường bất động sản, giúp cho tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Song, để thị trường này vượt qua những khó khăn và phát triển ổn định, bền vững, cần thiết tháo gỡ những bất cập, đặc biệt hai yếu tố căn cốt đang làm cho thị trường trì trệ, đó là việc huy động vốn khó khăn cũng như hệ thống pháp luật liên quan đang chồng chéo, mâu thuẫn.

Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra hồi tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh quan điểm kiên trì, kiên định, kiên quyết phát triển hệ sinh thái bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. Mới đây, Chỉ thị 13/CT-TTg lại tiếp tục nhắc lại yêu cầu này, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu đi xuống và phát triển thiếu hài hòa, bền vững.

Trao đổi với Reatimes, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, lĩnh vực bất động sản nằm trong hệ sinh thái chung của nền kinh tế, tạo ra nhu cầu và động lực cho hàng trăm ngành nghề khác nhau phát triển. Trong hệ sinh thái kinh tế liên quan và cộng hưởng lẫn nhau đó, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đất nền có dấu hiệu hạ nhiệt

Trong khi giá ở phân khúc căn hộ chung cư tiếp tục "leo thang" thì đất nền mặc dù mặt bằng giá vẫn cao nhưng mức độ quan tâm giảm mạnh, số lượng giao dịch thấp.

Đất nền, căn hộ vốn là phân khúc thường nhận được sự quan tâm mạnh mẽ trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, chỉ mới bước sang quý III/2022, hai phân khúc này tiếp tục có những thay đổi lớn về nguồn cung, thanh khoản và giá bán, một phần nguyên nhân chịu ảnh hưởng từ chính sách kiểm soát tín dụng. Đáng chú ý, đất nền - vốn được coi là kênh đầu tư “vua” nhưng nay lại giảm sức nóng.

Cụ thể, báo cáo mới đây của Batdongsan.com.vn cho hay, trong 7 tháng đầu năm nay, nhu cầu tìm kiếm đất nền trên cả nước giảm 20%, trong đó lượng quan tâm tìm mua đất nền tại TP.HCM giảm 16%, các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có xu hướng giảm từ 20 - 23% lượng tìm mua loại hình này. Đất nền một số khu vực từng là tâm điểm các cơn “sốt nóng” như TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn (TP.HCM) đều ghi nhận sự sụt giảm số người tìm kiếm, quan tâm so với giai đoạn đầu năm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hàng loạt dự án “trên giấy“, Hà Nội có ngăn chặn nổi tình trạng lãng phí?

Hà Nội hiện có tới hơn 400 dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện, không ít dự án “treo” qua nhiều thập kỷ khiến người dân khổ sở sống trong những căn nhà xuống cấp.

Toàn cảnh tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, đặc biệt là TP. Hà Nội nơi được được xem là “tấc đất tấc vàng” nhưng lại đang tồn tại khá nhiều dự án “treo” hàng chục năm. Điều này không chỉ khiến cho người dân phải chịu đựng cuộc sống vất vưởng, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng, các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp, công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm, ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Thị trường cho thuê căn hộ TP.HCM: Căn hộ chung cư đang cạnh tranh mạnh mẽ với căn hộ dịch vụ

Thị trường căn hộ dịch vụ tại TP.HCM trong quý II vừa qua đã có sự phục hồi tích cực nhờ sự trở lại của nguồn khách thuê là chuyên gia nước ngoài, sinh viên quốc tế và người lao động. Tuy nhiên, căn hộ chung cư đang tỏ ra rất cạnh tranh với mức giá thuê trung bình thấp hơn căn hộ dịch vụ đến 40%.

Báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý II/2022 của Savills cho thấy: Công suất cho thuê của phân khúc căn hộ dịch vụ đã đạt 74%, tăng 6 điểm phần trăm theo quý và 10 điểm phần trăm theo năm. Giá thuê trung bình cũng tăng nhẹ 1% theo quý, đạt 496.800 VND/m2/tháng. Trong đó, nổi trội là phân khúc hạng A ghi nhận tăng 3% theo quý và 6% so với cùng kỳ năm trước.

Với tình hình hoạt động cải thiện, Savills Việt Nam đánh giá thị trường đạt lượng tiêu thụ cao nhất kể từ quý I/2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Từ khi Việt Nam mở cửa biên giới trở lại vào tháng 3/2022, nhóm chuyên gia nước ngoài, đặc biệt từ Nhật Bản và Đài Loan làm việc trong ngành xây dựng và sản xuất đã quay trở lại. Cùng với đó là nguồn cung đến từ các sinh viên quốc tế và người lao động quay trở lại Việt Nam sau thời gian dài đóng cửa.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top