Aa

Bất động sản 24h: Hà Nội cấp “sổ đỏ” cho các tổ chức mua nhà, sàn kinh doanh thương mại từ 09/6

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 04/06/2022 - 10:41

Hà Nội cấp “sổ đỏ” cho các tổ chức mua nhà, sàn kinh doanh thương mại từ 09/6; “Ôm mộng" chờ giá bất động sản hạ để xuống tiền... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Hà Nội cấp “sổ đỏ” cho các tổ chức mua nhà, sàn kinh doanh thương mại từ 09/6

Các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại các dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả kiểm tra cấp "sổ đỏ" cho tổ chức.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký biến động về sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức trên địa bàn ban hành kèm theo Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017.

Tại quyết trên, UBND TP. Hà Nội sửa đổi Điều 10 trình tự, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở.

Theo đó, các tổ chức mua nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại tại các dự án phát triển nhà ở đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư thì Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ kết quả kiểm tra, thẩm định dự án (quy định tại khoản 1 Điều 15 Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017), hợp đồng mua bán nhà ở, diện tích sàn kinh doanh thương mại để xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Kiểm soát vốn vào bất động sản: Vẫn phải "ném đá dò đường"

Hệ quả của giá bất động sản tăng cao bất hợp lý rồi lại giảm mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nói riêng và mục tiêu ổn định vĩ mô nói chung.

Trong báo cáo “Kiểm soát vốn vào lĩnh vực bất động sản: Ném đá dò đường”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra các con số thống kê cho thấy trong các năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản giảm dần từ mức 26,8% trong năm 2018 xuống còn khoảng 12% trong hai năm đại dịch diễn ra (2020 - 2021).

Do tốc độ tăng trưởng vốn vào lĩnh vực này thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế nên quy mô tín dụng vào bất động sản đã giảm từ mức 28% (giai đoạn 2010 - 2011) xuống còn khoảng 20% tổng dư nợ (cuối năm 2021).

Trong ba tháng đầu năm 2022, quy mô tín dụng bất động sản ước đạt 2,2 triệu tỷ đồng, tương ứng 20,2% tổng dư nợ. So với cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng vốn vào lĩnh vực bất động sản là 7,9%, cao hơn mức tăng chung của toàn hệ thống là 5%. Xét về số tuyệt đối, trong tổng hơn 526.000 tỷ đồng vốn được bơm thêm vào nền kinh tế thì có khoảng hơn 30% đi vào lĩnh vực bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hệ số điều chỉnh giá đất tăng cao ở nhiều khu vực tại Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định số 10 quy định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2022 trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/5/2022.

Theo quyết định về việc điều chỉnh hệ số K năm 2022, loại đất ở đô thị loại 1 ở TP. Nha Trang nằm bên đường Trần Phú từ Nam cầu Trần Phú đến đường Hoàng Diệu có mức tăng cao nhất là 3,6 lần; các vị trí còn lại trên đường Trần Phú tăng 3 lần; các khu đô thị, dân cư mới trên địa bàn các phường thuộc TP. Nha Trang tăng 2,4 lần.

Trong khi đó, đất ở nông thôn tại TP. Nha Trang tăng 2 lần, giá đất nông nghiệp cũng tăng 1,6 lần, đất thương mại dịch vụ tăng từ 1,1 đến 2,8 lần... Các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh cũng đồng loạt tăng hệ số K, như đất ở đô thị tại TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa tăng 1,9 lần; các huyện còn lại từ 1,3 đến 1,8 lần; đất ở nông thôn các huyện cũng tăng từ 1,1 đến 1,5 lần.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có quyết định về việc ban hành quy định bảng giá đất định kỳ 5 năm giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn tỉnh. Bảng giá đất đã được ban hành chia thành 8 loại đường, mỗi loại đường sẽ có 5 vị trí có giá trị khác nhau. Tại TP. Nha Trang, đất ở có mức giá cao nhất là 27 triệu đồng/m² và thấp nhất là đất đảo là 400.000 đồng/m²; TP. Cam Ranh cao nhất 3,9 triệu đồng/m², thấp nhất 299.000 đồng/m²; thị xã Ninh Hòa cao nhất 3,9 triệu đồng/m², thấp nhất 156.000 đồng/m². Đối với đất ở nông thôn và đất thương mại dịch vụ tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đều có hệ số tăng nhẹ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Sở hữu chung cư có thời hạn: “Liều thuốc“ góp phần hạ nhiệt giá nhà

Sở hữu nhà chung cư có thời hạn là một chính sách mà nhiều nước đã làm từ lâu nhưng ở Việt Nam muốn thực hiện được, Nhà nước cần phải đưa ra một số giải pháp như miễn giảm tiền sử dụng đất và thuế…

Trong vòng 20 năm trở lại đây, văn hóa sống ở chung cư đã dần được người dân đón nhận và thích nghi trong bối cảnh lượng người dịch chuyển về các thành phố lớn để sinh sống, học tập, làm việc ngày càng lớn. Đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân đô thị, chung cư cao tầng xuất hiện và được xem như giải pháp giúp gia tăng hiệu quả sử dụng đất tại các thành phố lớn, đáp ứng thêm nhu cầu nhà ở cho người dân.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá nhà ở tăng cao đã ảnh hưởng không tốt đến công tác tạo lập nhà ở cho người dân. Trong đó, nguyên nhân căn bản nhất dẫn đến tình trạng giá nhà tăng là do thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các dự án nhà ở gần như dừng hẳn, không phê duyệt được vì vướng mắc các quy định pháp lý. Cùng với đó là các đợt thanh tra, kiểm tra liên tục khiến các địa phương không dám phê duyệt dự án. Trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được và với nhu cầu cao thì đương nhiên giá nhà đất tại các địa phương sẽ tăng mạnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

“Ôm mộng" chờ giá bất động sản hạ để xuống tiền

"Xuống tiền vào bất động sản lúc này, rủi ro chôn vốn rất lớn vì giá đang tăng quá cao. Hãy chờ đợi, vì chắc chắn giá bất động sản sẽ hạ!"

Đó là một trong những chia sẻ của anh Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội), hiện đang là chuyên viên nghiên cứu tại viện khoa học. Dự tính mua một lô đất để dành cách đây 2 năm nhưng đến hiện tại, kế hoạch của anh Thành vẫn chỉ nằm trên giấy. Mỗi lần anh dự tính mua đều gặp phải điểm vướng nhất là về giá.

Một lô đất tại Hải Dương, anh Thành được giới thiệu với giá 2,5 tỷ đồng. Lô đất vuông vắn, đẹp, nằm vị trí thuận lợi giao thông. Nhưng nếu xét về giá, thì lô đất này từng tăng gấp 1,5 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Đó là lý do anh Thành chần chừ không xuống tiền vì lô đất tăng quá nhanh. Bẵng đi 5 tháng sau, những lô đất xung quanh khu vực này cũng tiếp tục tăng. Anh Thành cho rằng: "Đất tăng vì do môi giới thổi, chứ thực tế không thể quá cao như vậy".

Đến đầu năm 2022, anh Thành dự tính bỏ tiền vào một lô đất Sóc Sơn. Xác định khu vực sẽ xuống tiền, anh Thành dành 1 tháng để khảo sát giá đất. Nhưng, điều khiến anh quyết định không mua là đất ở dọc trục đường Vành đai 4 đều tăng tới gấp 2, 3 lần. 

"Nếu xuống tiền vào lúc đất đã tăng quá cao thì khả năng chôn vốn rất lớn", anh Thành nói. Đó là lý do mà nhà đầu tư này lựa chọn: Ngồi chờ đợi giá đất sẽ giảm.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top