Thị trường BĐS Việt Nam năm 2017 sẽ phát triển theo hướng bền vững
Theo TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường BĐS Việt Nam hiện đang phục hồi mạnh mẽ và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Các biểu hiện nổi bật đó là tính thanh khoản tốt; các dịch vụ BĐS tăng ổn định và đặc biệt tăng về chất lượng, giá trị các giao dịch; tín dụng BĐS dao động ở mức 8,5% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng là hợp lý; nợ xấu giảm mạnh và ổn định; số lượng các doanh nghiệp BĐS tăng mạnh; các dự án được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các phân khúc; kết quả của chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ gói 30.000 tỷ đồng đã tác động mạnh mẽ đến thị trường và cung cấp cho hàng vạn gia đình có nhà để ở; thị trường BĐS phát triển đã góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại và đảm bảo tính an toàn cho hệ thống ngân hàng…
Điều này cho thấy hệ thống chính sách thị trường BĐS hiện nay đang phát huy hiệu quả tích cực và niềm tin của thị trường đang phát triển tốt. Cùng với đó là sự điều tiết của Nhà nước ngày một hiệu quả đối với thị trường BĐS.
Năm 2017, thị trường sẽ phát triển theo hướng bền vững và đạt được những mục tiêu quản lý của Nhà nước cũng như kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Gỡ nút thắt huy động nguồn vốn nhà ở cho thuê
Giải pháp nào để nhà ở cho thuê phát huy vai trò “xương sống?”, một trong những yếu tố có tính quyết định đến việc thành công hay không của việc phát triển các dự án nhà ở cho thuê là nguồn vốn.
Cụ thể, theo ông Trương Anh Tuấn - Thành viên Ban Pháp chế Hiệp hội BĐS Việt Nam: "Trước hết cần giải quyết vấn đề về nguồn vốn để các chủ đầu tư dễ tiếp cận. Nguồn vốn đó phải thông qua người mua, thuê nhà ở xã hội chứ không phải rót vốn trực tiếp vào chủ đầu tư vì như vậy rất khó kiểm soát. Khi rót vốn bằng cách cho người mua nhà vay sẽ tạo điều kiện, cơ chế nhanh hơn, thông thoáng hơn, góp phần đẩy mạnh thị trường này hơn".
Nhận định về vấn đề này GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Chiến lược nhà ở đã được đặt ra nhưng nhà ở cho thuê vẫn chưa hướng đến những người nghèo, những người ở tầng dưới của nhóm có thu nhập thấp. Có khi họ phải thuê những nơi mà 10 người cùng ngủ trên 1 tấm ván tạm bợ, coi như có chỗ ngả lưng để sáng hôm sau dậy đi làm. Vì sao có tình trạng này? Câu trả lời là bởi chúng ta gần như không hề có nguồn cung đủ tiêu chuẩn cho phân khúc này”.
Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức Hội nghị Thường vụ lần thứ nhất, Nhiệm kỳ IV
Ngày 19/11/2016, tại tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort (Phú Quốc), Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thường vụ Hiệp hội lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2016 – 2021) để thống nhất phương án triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết và các phương hướng nhiệm vụ đã đề ra tại Đại hội Hiệp hội lần thứ IV vừa qua.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội; các Phó Chủ tịch và toàn thể các ủy viên Thường vụ.
Trên cơ sở dự thảo kế hoạch hoạt động và phương án phân công nhiệm vụ do Phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Khôi và Tổng thư ký Trần Ngọc Quang trình bày; các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đi đến nhiều quyết định quan trọng cho mục tiêu toàn nhiệm kỳ và những kế hoạch cụ thể của năm 2017.
Dự án cổ đông căng biểu ngữ "đuổi khéo" khách hàng đã đủ điều kiện mở bán?
Liên quan đến việc xuất hiện băng rôn khuyên khách hàng không nên mua nhà ở dự án 349 Vũ Tông Phan do có tranh chấp, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thiết kế xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Công ty Videc) khẳng định dự án đã đủ điều kiện pháp lý để mở bán.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trợ lý Tổng Giám đốc, Trưởng phòng Hành chính – Kinh doanh Công ty Videc cho biết: “Năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 7219/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Prosimex chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 8.800m2 đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân để thực hiện dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ - Riverside Garden.
Quyết định này cũng nêu rõ cho phép chuyển đổi sang đất nhà ở để thực hiện dự án Riverside Garden do Công ty Prosimex hợp tác với Công ty Videc thực hiện. Và đến ngày 18/3/2016 chúng tôi đã được Sở Xây dựng TP. Hà Nội cấp phép xây dựng theo Giấy phép số 17/GPXD-SXD”.
Parkson còn lại gì ở Việt Nam khi liên tiếp đóng cửa 3 trung tâm?
Mới đây, Parkson Viet Tower chính thức thông báo đóng cửa từ ngày 15/12, rút toàn bộ khỏi địa bàn Hà Nội.
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 năm với 3 lần tuyên bố đóng cửa, Parkson đã không còn một trung tâm nào tại Hà Nội.
Trước đó, đầu năm 2015, lần đầu tiên Parkson đóng cửa trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trung tâm bị đóng cửa là Parkson Keangnam Hanoi Landmark, tại Hà Nội.
Tháng 5/2016, Parkson tiếp tục cho đóng cửa Parkson Paragon tại Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP.HCM.