Aa

Bất động sản 24h: Thị trường lao dốc, cơ hội để bắt đáy bất động sản cắt lỗ?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Bảy, 06/08/2022 - 10:30

Thị trường lao dốc, cơ hội để bắt đáy bất động sản cắt lỗ?; Nhiều quy định mới liên quan đến thị trường nhà đất có hiệu lực... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Thị trường lao dốc, cơ hội để bắt đáy bất động sản cắt lỗ?

Thị trường kém thanh khoản gây sức ép nặng nề với nhà đầu tư sử dụng "đòn bẩy" tài chính, song lại là cơ hội đón sóng "cắt lỗ" cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh.

Báo cáo thị trường bất động sản quý II của nhiều đơn vị nghiên cứu cho thấy, tốc độ giao dịch trên thị trường địa ốc sẽ chậm lại. Thị trường vẫn tồn tại không ít khó khăn và thách thức như lạm phát, sự bất ổn chính trị trên thế giới, nguồn cung hạn chế, vốn tín dụng bị siết… 

Báo cáo thống kê của Batdongsan.com.vn cho thấy, dù nền kinh tế đang dần hồi phục nhưng động thái kiểm soát huy động vốn vào bất động sản đang có tác động rất mạnh tới thị trường. Minh chứng là mức độ quan tâm thị trường nhà đất 6 tháng đầu năm đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.

Với DKRA Vietnam, các con số thống kê cho thấy sự lạc quan hơn khi nhận định trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường nhà đất đã phục hồi ở hầu hết các phân khúc chủ chốt như nhà phố biệt thự, căn hộ, đất nền... 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản khu công nghiệp duy trì sức hấp dẫn trong năm 2023

Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong giai đoạn tới, qua đó thúc đẩy sự gia tăng về lợi nhuận của các doanh nghiệp nhóm ngành này.

Báo cáo cập nhật ngành khu công nghiệp (KCN) công bố bởi SSI Research đưa ra góc nhìn tích cực về lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp trong nửa cuối năm 2022 cũng như năm 2023.

Theo đó, nửa cuối năm 2022, nhóm nghiên cứu kỳ vọng lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng 47,3% so với cùng kỳ, nhờ vào hai yếu tố chính: Một là nhu cầu đất công nghiệp sẽ phục hồi tích cực khi nền kinh tế mở cửa; Hai là giá thuê dự kiến tiếp tục tăng trung bình 8 - 20% so với cùng kỳ, tùy khu vực.

Cụ thể hơn, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp - BCM) dự kiến tăng 239% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ chuyển nhượng 18,9ha đất thương mại tại Thành phố mới Bình Dương cho CapitaLand. Lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty IDICO - CTCP (IDC) dự kiến tăng 266% so với cùng kỳ nhờ thay đổi phương pháp hạch toán từ ghi nhận đều sang ghi nhận một lần tại KCN Phú Mỹ mở rộng và cho thuê mới tại KCN Hựu Thạnh. Nếu thương vụ mua bán 30ha tại Khu đô thị Tràng Cát thành công, lợi nhuận ròng của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) trong 6 tháng cuối năm 2022 dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Đô thị biển Việt Nam - tầm nhìn định hướng cho tương lai

Cần phải “mạo hiểm” tiến ra biển lớn bằng việc sớm hoàn thiện hệ thống đô thị biển, đô thị ven biển và đô thị đảo bền vững, để góp phần khẳng định thế đứng của một “Quốc gia biển”.

Biển, đảo chiếm vị trí hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Việc ban hành hai Chiến lược biển gần đây (năm 2007 và 2018) được xem là những thay đổi lớn về tầm nhìn của Việt Nam đối với vấn đề biển, đảo trong bối cảnh quốc tế và khu vực. Các chiến lược nói trên vừa giúp Việt Nam phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, vừa góp phần giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích của nước ta trên Biển Đông. Trong đó, Chiến lược biển 2020 đã đề ra mục tiêu chung - đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển 2020, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) tiếp tục ban hành Chiến lược biển 2030. Theo đó, Việt Nam tiếp tục phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, hướng ra biển và dựa vào biển để phát triển bền vững kinh tế biển.   

Đầu năm 2021, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra “Khát vọng Việt Nam” với các mục tiêu bao trùm là đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc theo lộ trình đến năm 2030 và 2045. Chính vì thế, thực hiện thành công Chiến lược biển 2030 sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, vấn đề thúc đẩy phát triển hệ thống “đô thị biển và kinh tế đô thị biển” đúng hướng và thực chất với tư cách là một lĩnh vực kinh tế biển mới hy vọng sẽ góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển 2030. Bài viết này luận bàn một số khía cạnh về xây dựng, phát triển hệ thống đô thị biển và kinh tế đô thị biển nói trên.

Xem thông tin chi tiết tại đây

REIT - hướng đi mới của nguồn vốn bất động sản

Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng và trái phiếu có xu hướng bị thắt chặt, việc huy động nguồn vốn thông qua Quỹ đầu tư BĐS (REIT), hay còn gọi là Quỹ tín thác bất động sản ngày càng gia tăng.

Quỹ đầu tư bất động sản (Real Estate Investment Trust - REIT, còn gọi là Quỹ tín thác bất động sản) là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án bất động sản, doanh nghiệp bất động sản từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ REIT và nhận cổ tức định kỳ dựa trên kết quả hoạt động, vận hành của các doanh nghiệp, dự án bất động sản. Được điều hành và quản lý bởi các chuyên gia đầu tư, REIT là phương thức giúp thị trường bất động sản thanh lọc một cách tự nhiên. Những dự án bất động sản giàu tiềm năng sẽ thu hút đáng kể dòng tiền từ REIT. Về phía nhà đầu tư cá nhân, chứng chỉ quỹ REIT là phương thức đầu tư tương đối an toàn và chuyên nghiệp.

Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tại Mỹ, nơi REIT bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960, REIT đã đóng góp tích cực vào nền kinh tế trong việc tạo việc làm, thu nhập, đầu tư vào hàng loạt sản phẩm bất động sản. Quy mô thị trường REIT đạt 1.300 tỷ USD, tăng gần 30% chỉ sau 5 năm. Năm 2021, Nareit - Quỹ đầu tư bất động sản hàng đầu của Mỹ đạt mức tăng trưởng tới 29%. Tại Việt Nam, quỹ đầu tư bất động sản đầu tiên và duy nhất được niêm yết (từ năm 2017) là TCREIT (thuộc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Kỹ thương) đã tăng giá trị tài sản ròng 27% cũng trong năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, tại Việt Nam, chứng chỉ quỹ REIT chưa phải là sản phẩm đầu tư phổ biến do những quy định về Quỹ chưa thực sự hoàn chỉnh, đồng thời nhà đầu tư vẫn e ngại sản phẩm tài chính mới mẻ này. TCREIT ra mắt năm 2015, đến nay quy mô vốn đầu tư của quỹ vẫn giữ nguyên 50 tỷ đồng.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhiều quy định mới liên quan đến thị trường nhà đất có hiệu lực

Từ 15/8, nhiều quy định mới liên quan đến thị trường nhà đất chính thức có hiệu lực, được kỳ vọng góp phần giải quyết những vướng mắc, khắc phục khó khăn giúp thị trường hồi phục, phát triển. Đồng thời cũng hỗ trợ người dân tạo lập chỗ ở an toàn.

Căn cứ theo Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ xây dựng về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện bằng hình thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

Những hộ thuộc diện ưu tiên như trên sẽ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở ký cam kết và đăng ký với UBND xã, đề xuất chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa. Định mức trong trường hợp này là 40 triệu đồng/hộ/nhà xây mới; 20 triệu đồng/hộ/sửa chữa nhà từ nguồn ngân sách Trung ương.

Tiêu chí để hộ nghèo được hỗ trợ gồm: Chưa có nhà hoặc có nhà nhưng không bền chắc khi ít nhất hai trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái làm bằng vật liệu không bền chắc; diện tích nhà ở bình quân đầu người nhỏ hơn 8m2; chưa được hỗ trợ nhà ở từ chính sách khác.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top