Aa

Bất động sản 24h: Vì sao sốt đất diễn ra trên diện rộng khắp cả nước?

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Hai, 04/04/2022 - 10:30

Vì sao sốt đất diễn ra trên diện rộng khắp cả nước?; Vietnam Report: Ngành bất động sản sẽ bứt tốc trong năm 2022 và các năm tới... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Vì sao sốt đất diễn ra trên diện rộng khắp cả nước?

Giá đất tăng 2 - 3 lần, thậm chí là 4 lần không chỉ diễn ra ở một vài địa phương mà đã lan rộng ra ở rất nhiều tỉnh, thành phố của cả nước.

Sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An… và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM.

Trong một buổi tọa đàm mới đây, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuất Kiệt chia sẻ rằng, hiện nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận Sài Gòn hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.

Sốt đất diễn ra trên khắp cả nước từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chuyên gia về bất động sản này còn cho biết thêm, mặt bằng giá đất hiện tại lên khá cao, có nơi tăng 2 đến 3 lần so với thời điểm mua vào. Bất ngờ hơn nữa là các khu vực miền núi vùng cao cũng hòa chung với cơn sốt đất tăng giá.

Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid-19 đang dần lùi xa.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản ven đô “chiếm sóng“ thị trường

Thị trường bất động sản ven đô vẫn luôn là tâm điểm săn lùng của các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay do hội tụ các yếu tố vị trí, quy hoạch hạ tầng, quỹ đất và chính sách thu hút đầu tư cởi mở.

Chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường bất động sản. Theo các chuyên gia, khi quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm, giá đất đô thị tăng cao, nhiều ông lớn bất động sản đã chuyển hướng sang các địa bàn vùng ven tìm kiếm cơ hội. Tâm lý thích sở hữu bất động sản liền thổ của người dân cũng khiến nhu cầu mua nhà ở ven đô gia tăng.

Đặc biệt, cú hích từ dịch Covid-19 cũng thúc đẩy xu hướng sống xanh, an cư trong những căn nhà diện tích rộng, không gian sống gần gũi thiên nhiên, tách biệt với trung tâm đô thị đông đúc, tạo đòn bẩy cho thị trường bất động sản vùng ven phát triển.

Việc lựa chọn sống ở vùng ven sẽ giúp người mua nhà giải quyết được nhiều bất cập của cuộc sống đô thị hiện nay như ùn tắc giao thông, khói bụi, đồng thời thỏa mãn được đầy đủ tất cả những nhu cầu sống và sinh hoạt của nhiều thế hệ trong gia đình.

Xem thông tin chi tiết tại đây

3 “đòn bẩy“ khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản

Các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường cần có nguồn vốn tự có lớn và ổn định dài hạn, giữ vai trò trụ cột tài chính không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả thị trường bất động sản.

Thị trường bất động sản Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế khi tỷ trọng hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 4,42% GDP và xây dựng chiếm 6,19% GDP (năm 2020).

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản phát triển cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các phân khúc đồng thời tiệm cận các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới sự phát triển của thị trường bất động sản trên cả khía cạnh cung lẫn cầu bất động sản.

Thêm vào đó, khó khăn cố hữu trong tiếp cận các nguồn vốn phù hợp để phát triển thị trường bất động sản vẫn còn đó, không những không giảm bớt mà còn có biểu hiện tăng lên cùng với khó khăn chung của nền kinh tế do dịch bệnh cũng như quan điểm khác biệt về vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ giữa thị trường tài chính với thị trường bất động sản.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Dự báo xu hướng hoạt động ngành khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022

Báo cáo mới đây của CBRE đã chỉ ra những xu hướng chính đối với hoạt động kinh doanh khách sạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong các quý tiếp theo của năm 2022.

Báo cáo "Asia Pacific Hotel Outlook: Key Trends to Watch in 2022" (Tạm dịch: Triển vọng ngành khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Những xu hướng chính trong năm 2022) được CBRE công bố ngày 30/03/2022 cho thấy, ngành khách sạn khu vực đứng trước nhiều cơ hội phục hồi trong quý II/2022 cho đến cuối năm. 

Thị trường khách sạn khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trải qua giai đoạn nửa cuối năm 2021 với tình hình ổn định, tỷ lệ lấp đầy phòng ở mức khoảng 50% do tỷ lệ nhiễm Covid-19 giảm, nhu cầu du lịch nội địa được duy trì và sự xuất hiện của mô hình bong bóng du lịch hoặc các thỏa thuận đặc biệt về du lịch quốc tế ở một số quốc gia như Singapore, Indonesia, Thái Lan. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Vietnam Report: Ngành bất động sản sẽ bứt tốc trong năm 2022 và các năm tới

Theo tin từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), sau giai đoạn bùng phát của đại dịch Covid-19, cùng với những động thái chuyển biến của nền kinh tế, ngành bất động sản và thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu phục hồi và phát triển với gam màu tươi sáng, tích cực hơn so với năm 2021. 

Sự tăng trưởng trở lại của ngành bất động sản, thời gian tới, chủ yếu là do các công ty tái cấu trúc lại hoạt động và phục hồi sau tác động tiêu cực của đại dịch. 

Cùng với đó là sự hỗ trợ của các gói kích thích kinh tế mà Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai. Lãi suất vẫn ở mức thấp; nguồn vốn đầu tư công đang và tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân; dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngừng đổ về Việt Nam; lượng kiều hối vẫn tiếp tục vận hành về một cách ổn định (trừ nguồn tiền từ Nga và Ukraine).

Có thể nhận định, trong ngắn hạn, gói kích thích kinh tế của Chính phủ dù được rót vào khu vực nào, cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực đến thị trường bất động sản, góp phần cải thiện sức mua của người dân nói chung và tạo lực đẩy giúp thị trường bất động sản bật tăng sau thời gian dài bị kìm nén. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top