Aa

Bất động sản 24h: Xuất hiện những mảnh đất lớn được rao bán với mức giá giảm 50%

Linh San (tổng hợp)
Linh San (tổng hợp) vukimlinh@gmail.com
Thứ Sáu, 16/12/2022 - 10:21

Xuất hiện những mảnh đất lớn được rao bán với mức giá giảm 50%; Hà Nội gỡ "nút thắt" để cải tạo gần 1.580 chung cư cũ... là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Xuất hiện những mảnh đất lớn được rao bán với mức giá giảm 50%

Thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, nhiều mảnh đất vườn, đất rừng có diện tích hàng nghìn m2 tại ven đô đang được rao bán với mức giá giảm tới một nửa.

Thời điểm 2020 - 2021, thị trường bất động sản nhiều khu vực lên cơn sốt nóng, theo đó, ngay cả các loại đất vườn, nông nghiệp cũng liên tục tăng giá mạnh. Cùng với tác động của dịch bệnh Covid-19, phong trào “bỏ phố về quê” nổi lên, khiến các mảnh đất rộng tại ven đô như Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai... được giới nhà giàu Hà Nội săn tìm.

Song, đến đầu năm 2022, với cú “phanh gấp” tín dụng bất động sản từ các ngân hàng khiến thị trường rơi vào trầm lắng, từ đó thanh khoản sụt giảm mạnh. Theo đó, phân khúc đất nền có tính đầu cơ cao bị tác động mạnh, đặc biệt là những loại hình đất vườn, đất trồng cây lâu năm...

Khảo sát tại một hội nhóm “bỏ phố về quê” và các trang tin mua bán bất động sản cho thấy, nhiều khu đất vườn được rao bán cắt lỗ sâu, có diện tích từ vài nghìn m2 đến hàng chục nghìn m2, chủ yếu tại các khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây và một số huyện của tỉnh Hòa Bình.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Chuyên gia hiến kế phá bỏ "điểm nghẽn" đưa thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, tháo gỡ các vướng mắc để thị trường bất động sản bước vào chu kỳ mới, đại diện Bộ Xây dựng cùng nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra loạt giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.

Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản năm 2022” và trao chứng nhận "Dự án đáng sống 2022" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức sáng ngày 15/12/2022 đã ghi nhận nhiều thông tin về thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn. 

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn này, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang gặp nhiều thách thức và phải tìm mọi cách để tồn tại, nhưng không có nghĩa là thị trường bất động sản hiện nay đang khủng hoảng.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ và các địa phương đang tích cực nhận diện những “điểm nghẽn” thị trường bất động sản để có giải pháp trước mắt và căn cơ để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã có những đánh giá toàn cảnh về thị trường bất động sản thời gian qua. Theo đó, thị trường đã phát triển nhanh, tác động nhiều ngành nghề và có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, thị trường bất động sản gần đây có một số dấu hiệu phát triển không ổn định, thể hiện ở một số khía cạnh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ứng dụng công nghệ trong bất động sản: Giải pháp tối ưu thời "bão giá"

Trước những tác động từ tình hình kinh tế thế giới, giá nhiên liệu gia tăng cũng như nhu cầu giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường, ứng dụng công nghệ trong bất động sản là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí...

Theo khảo sát, lượng khí carbon từ lĩnh vực xây dựng và bất động sản chiếm 40% tổng phát thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên, con số này không nói lên chính xác thực trạng của vấn đề. Thực tế, chỉ 11% lượng phát thải carbon đến từ những vật liệu xây dựng được sử dụng trong tòa nhà, 28% còn lại đến từ quá trình vận hành của chính những công trình đó. Trong đó, tòa nhà văn phòng được cho là các dự án có lượng phát thải lớn nhất. Các hoạt động như chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, mức độ sử dụng nước, đến việc vận hành hàng ngày của tòa nhà cũng đều gây tác động lớn đến tính bền vững và chi phí vận hành của tòa nhà cũng như của toàn bộ các khách thuê.

Nhằm giảm bớt tác động của bất động sản đối với lượng khí thải carbon trên toàn cầu, nhiều chủ đầu tư và doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin và kinh tế nền tảng vào thị trường bất động sản, sử dụng tại các dự án.

Cụ thể, theo thống kê từ Savills Impacts, vốn đầu tư vào lĩnh vực này đã tăng từ dưới 1 tỷ USD vào năm 2013 lên mức cao nhất là hơn 22 tỷ USD vào năm 2021 với gần 1.200 giao dịch. Dường như để bắt kịp xu hướng đó, từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 10 tỷ USD đã được đầu tư vào các công ty proptech trên toàn cầu.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ông Phạm Thanh Hưng: “Doanh nghiệp địa ốc muốn tồn tại, không còn cách nào ngoài… thắt lưng buộc bụng”

Theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group, giải pháp hàng đầu cho doanh nghiệp địa ốc hiện nay là phải giữ được dòng tiền, làm mọi cách để “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu, cơ cấu lại sản phẩm.

Trong sự kiện "Ngày hội bất động sản Hải Phòng 2022" ngày 13/12, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group cho rằng, chu kỳ thị trường bất động sản Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Ở nước ta, chu kỳ thị trường bất động sản thường kéo dài từ 7 - 8 năm, trong khi các nước trên thế giới từ 13 - 18 năm. 

Giới chuyên gia cho rằng, sự điều chỉnh thị trường bất động sản 2022 đã được dự báo từ trước. (Ảnh: Hoàng Triều)

Đáng lẽ, tính theo chu kỳ thì thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phải giảm nhiệt vào năm 2020 - 2021 nhưng do “bóng ma” về Covid-19 nên dòng tiền vẫn tìm về bất động sản là kênh trú ẩn. Phải đến thời điểm hiện tại, thị trường mới ghi nhận sự trầm lắng rõ nét.

Cũng theo ông Hưng, sự trầm lắng của thị trường bất động sản năm 2022 có những điểm giống và khác so với thời kỳ năm 2012. Giống ở đây là thị trường bất động sản đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ, thanh khoản toàn thị trường sụt giảm. Còn điểm khác là mức điều chỉnh của năm 2022 vẫn nhẹ hơn so với năm 2012. Đặc biệt, những thay đổi, khó khăn của thị trường trong năm 2022 đã được dự báo từ trước. 

“Lần này là sự điều chỉnh lớn trên quy mô toàn thị trường, khá giống thời điểm một thập kỷ trước, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng thì vẫn chưa bằng. Tôi cho rằng, sự điều chỉnh lần này là có dự báo từ trước chứ không phải đột ngột”, ông Hưng nói. 

Xem thông tin chi tiết tại đây

Hà Nội gỡ "nút thắt" để cải tạo gần 1.580 chung cư cũ

Hà Nội hiện có gần 1.580 chung cư cũ, trong đó nhiều toà nhà được xếp vào diện nguy hiểm. Tuy nhiên, do vướng nhiều "nút thắt" nên gần 20 năm qua, Hà Nội mới chỉ cải tạo được 19 chung cư.

UBND TP. Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập. Các tòa chung cư này được xây dựng từ trước năm 1994, chủ yếu ở các quận nội thành.

Nhà chung cư cũ ở Hà Nội có chung đặc điểm cao từ 2 - 6 tầng, kết cấu tường gạch chịu lực, bê tông lắp ghép hoặc khung bê tông cốt thép chịu lực. Được đưa vào sử dụng hàng chục năm, nên nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, thậm chí có chung cư được xếp vào loại nguy hiểm.

TP. Hà Nội xác định việc cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm là nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng của nhân dân. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai (từ 2005), Hà Nội mới cải tạo được 19 nhà chung cư cũ (chiếm 1,2%), 14 dự án đang triển khai.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top