Aa

BĐS TP.HCM phân hóa trên từng phân khúc

Thứ Hai, 02/10/2017 - 14:01

BĐS TP.HCM phân hóa trên từng phân khúc; Nguy cơ thất thoát nghìn tỷ ở “đất vàng” sau cổ phần hóa DNNN; 4 cây cầu tỷ đô có đủ sức đẩy đất Long Biên lên cơn sốt?… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

BĐS TP.HCM phân hóa trên từng phân khúc

Theo đại diện Công ty CBRE, sau khi chững lại trong quý III, nguồn cung trên thị trường căn hộ dự kiến sẽ tăng lên trong quý cuối năm. Trong đó, riêng phân khúc thị trường căn hộ cao cấp sẽ có nhiều dự án mở bán hơn, đáng chú ý là tại khu vực phía Đông. Các dự án đáng chú ý được mở bán như Thảo Điền và Masteri An Phú (quận 2)…

Ở phân khúc BĐS thấp hơn, dự kiến phần lớn nguồn cung sẽ diễn ra tại các dự án phía Nam như River Panorama, Lavida+, Garden Bay, Lux Garden (quận 7) và Topaz Elite, Tara Residence (quận 8).

Theo phân tích của các chuyên gia BĐS, sau những giai đoạn phát triển vừa qua, khả năng thị trường sắp tới sẽ bước vào mọt chu kỳ phát triển mới, hướng vào nhu cầu nhà ở thật.

Phân khúc đất nền, nhà phố giao dịch khá sôi động. Ảnh: Đức Thanh.

Phân khúc đất nền, nhà phố giao dịch khá sôi động. Ảnh: Đức Thanh.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, ở TP.HCM, yếu tố dân số trẻ tập trung từ 20-44 tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng lớn, đây sẽ là đối tượng quyết định phần lớn chi tiêu trong nền kinh tế, lẫn chi phối đầu cầu của thị trường nhà đất.

Tuy vậy, nhìn về thị trường BĐS cuối năm, ông Hiển cho rằng, mặc dù chủ trương thúc đẩy tín dụng, song nguồn vay vốn sẽ gặp khó khăn do ngân hàng bắt đầu hạn chế cho các chủ đầu tư vay vốn. Quan trọng nhất, giá bất động trong 3 năm 2015 - 2017 đã tăng khá cao, vượt qua mức đỉnh năm 2008 - 2009. Cùng với đó, nhiều dự án căn hộ đi vào giai đoạn giao nhà, dẫn đến áp lực cho thuê và thoát hàng tăng cao của giới đầu tư.

Trên quan điểm đó, ông Hiển dự báo, thị trường BĐS TP.HCM từ đây đến cuối năm và sang đầu năm sau, diễn biến sẽ phát triển theo từng phân khúc. Thị trường căn hộ sẽ giảm, trừ căn hộ trung cấp. Thị trường nhà phố có nhu cầu, nhưng giá khó tăng. Đất nền vùng ven nóng - lạnh cục bộ trong xu thế giảm. BĐS nghỉ dưỡng sẽ gặp khó khăn do áp lực cạnh trạnh sản phẩm dịch vụ trực tiếp (nhà hàng, khách sạn) và áp lực thoát hàng.

Xem chi tiết tại đây.

Nguy cơ thất thoát nghìn tỷ ở “đất vàng” sau cổ phần hóa DNNN

TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp có quyền sử dụng đất thì đương nhiên phải tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng điều này không giá trị bằng quyền thuê đất, vì khi đó doanh nghiệp được thuê với mức giá rất rẻ.

Do đó, theo ông Phong, nếu chuyển đổi công năng, giá trị sử dụng đất và quyền sử dụng đất phải tính lại, buộc qua đấu giá công khai chứ không phải đấu giá kiểu "quân xanh, quân đỏ".

Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư chủ yếu nhắm đến khu “đất vàng” số 4 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều ý kiến cho rằng, chủ đầu tư chủ yếu nhắm đến khu “đất vàng” số 4 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. (Ảnh minh họa: KT).

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng cho thanh tra những trường hợp đất ở vị trí đắc địa của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, 60 dự án với diện tích  834.000m2 đất sản xuất chuyển đổi thành cao ốc, trung tâm thương mại để bán và cho thuê, có dấu hiệu làm thất thu ngân sách nhà nước.

Kết quả rà soát ban đầu hé lộ hàng loạt “góc khuất” trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước như: việc xác định giá trị doanh nghiệp lại không tính giá trị quyền sử dụng đất, cũng không đấu giá khi cổ phần hóa. Xác định giá đất để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chủ yếu dựa vào kết quả của doanh nghiệp tư vấn, nhưng chưa sát với giá thị trường.

Đơn cử, nhiều lô đất được phê duyệt để xây chung cư cao cấp với mức giá chỉ 20-40 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường lên tới hàng trăm triệu đồng/m2. Những lỗ hổng này khiến tài sản nhà nước có thể bị định giá rẻ đi và các nhóm lợi ích có thể trục lợi từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Xem chi tiết tại đây.

4 cây cầu tỷ đô có đủ sức đẩy đất Long Biên lên cơn sốt?

Nhận định về khả năng tăng giá của BĐS Long Biên khi 4 cây cầu này được xây dựng, tại cuộc họp báo quý III Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã cho biết: “4 cây cầu sẽ tạo ra 4 vùng phát triển mới, như ở Đà Nẵng trước đây, có chỗ đất bán không ai mua nhưng khi làm cầu xong thì đất đã được nâng giá lên. Tất nhiên, phải tính toán hài hoà lợi ích cho nhà đầu tư, người dân và nhà nước nữa. Câu chuyện nằm ở chỗ kiểm soát chặt chẽ các khâu và thời điểm định giá đất".

"Hà Nội có thêm 4 cây cầu mới thì sẽ có 4 vùng phát triển mới và tôi tin rằng đất tăng giá cấp số nhân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá.

Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu thị trường, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn, Định giá và Quản lý tài sản CBRE Việt Nam cho biết hiện tại chưa có thông tin chính xác về việc có hay không làn sóng đang dồn tiền đầu tư đất nền Long Biên sau khi có thông tin 4 cây cầu mới được xây dựng.

"Tuy nhiên, thị trường BĐS Long Biên hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm BĐS mới. Đặc biệt khi so sánh với quận 2 tại thành phố HCM, Long Biên có vị trí khá tương đồng. Hiện tại, quận 2 đang là một trong những địa điểm có thị trường BĐS sôi động bậc nhất TPHCM, Long Biên có nhiều cơ sở để hy vọng sẽ có một thị trường BĐS tốt hơn", bà An cho biết.

Đại diện CBRE cũng nhấn mạnh thêm: "Hiện tại, hạ tầng Long Biên đã rất tốt, nếu kết nối từ Long Biên đến khu vực trung tâm Hà Nội không bị cản trở giao thông, không bị tắc đường thì giá trị BĐS quận Long Biên có thể còn tiếp tục tăng lên".

Xem chi tiết tại đây.

Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng để xây 22.300 căn hộ thương mại

Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP. Hà Nội đã đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng khoảng 22.300 căn hộ thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất cho phép được áp dụng hình thức thu hồi đất, giao đất không thông qua đấu thầu, đấu giá để thực hiện dự án. Cơ chế trên sẽ theo quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, Hà Nội cũng đề xuất cơ chế tự lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án.

Thành phố đề xuất cơ chế tính tiền sử dụng đất trước, nhưng thời điểm nộp là khi bán được căn hộ. Theo đó, tiền sử dụng đất được xác định lúc giao đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiền sử dụng đất được nộp vào khi nhà đầu tư bán căn hộ tái định cư theo quyết định của thành phố cho các hộ dân.

UBND TP. Hà Nội cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư được hưởng 10% lợi nhuận định mức (không bao gồm lãi suất tiền vay) để thực hiện dự án tương tự định mức phát triển nhà ở xã hội.

Xem chi tiết tại đây.

Dòng tiền cá nhân quay lại, thị trường BĐS "ấm" dần

Theo các chuyên gia, sự sôi động của thị trường địa ốc gần đây, ngoài nguồn cầu dồi dào của người mua ở, còn có sự quay lai rõ rệt của các nhà đầu tư cá nhân. Báo cáo mới nhất của CBRE đến hết quý II/2017, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 30-50% thanh khoản dự án trên thị trường địa ốc. Nhà đầu tư ồ ạt trở lại thị trường do thị trường BĐS ấm lên ở mọi phân khúc khiến đây là kênh đầu tư hấp dẫn hơn so với nhiều kênh đầu tư khác. Lý do khác là nhiều nhà đầu tư đã “thấm đòn” với cơn sốt ảo đất nền và hướng dòng tiền của mình vào địa hạt an toàn hơn.

Theo các chuyên gia, dòng tiền vào bất động sản sẽ an toàn và hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, dòng tiền vào BĐS sẽ an toàn và hấp dẫn hơn trong thời gian tới.

Theo lý giải của chuyên gia Đinh Thế Hiển, trong hai quý đầu năm 2017, lượng tiêu thụ các sản phẩm BĐS trên thị trường cao hơn dự kiến, cho thấy lực cầu vẫn còn tăng mạnh. Và một điểm khá bất ngờ của thị trường là xu hướng mua để đầu tư và cho thuê tăng mạnh. “Xu hướng mua thường dựa trên nhu cầu thực và năng lực tài chính. Do vậy, thị trường BĐS từ đây đến cuối năm 2017 vẫn dựa trên lực cầu của các nhà đầu tư cá nhân”, ông Hiển phân tích.

Còn theo nhận định của TS Bùi Quang Tín, nhu cầu vốn vay trong đầu tư BĐS là rất lớn, chính vì vậy với thông tin giảm lãi suất gần đây của Chính phủ sẽ kích thích thị trường phát triển mạnh hơn nữa. “Không chỉ xu hướng lãi suất của 4 - 5 tháng còn lại của năm 2017 giảm mà định hướng về lãi suất trong các năm tiếp theo cũng theo hướng giảm đồng bộ. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thị trường BĐS sẽ phát triển ổn định và thanh khoản ngày càng tăng trong tương lai”- TS Tín khẳng định.

Xem chi tiết tại đây.

Đổ tiền mua biệt thự cao cấp, ký xong hợp đồng lỗ ngay 1 tỷ

Nhiều dự án BĐS ven đô được các chủ đầu tư quảng cáo rằng chỉ cách nội đô trung tâm chưa đầy một tiếng chạy xe, đang hoàn thiện hạ tầng, nhiều tiện ích trong tương lai sẽ biến khu biệt thự trở thành nơi sống đẳng cấp. 

Trên thực tế, không ít người mua biệt thự ven đô đã sớm thất vọng và chấp nhận thua lỗ thê thảm.

Chị Nguyễn Thu Huyền, chủ một căn biệt thự tại khu vực phía Tây Hà Hội, rất bức xúc khi nói về căn nhà của mình. Chị mua nó cách đây chưa đầy 1 năm do bùi tai trước những lời quảng cáo như "rót mật" của chủ đầu tư. Song, đến khi xuống tiền, chị mới ngã ngửa: thương hiệu nhà chị mua là do chủ đầu tư hợp tác với một công ty BĐS nữa. Chưa kể, nhiều tiện ích lại thuộc dự án khác. 

Xa trung tâm thành phố tới 30km, khu nhà chị Huyền mới chỉ lác đác vài hộ dân tới ở. Chị Huyền lo lắng: “Mình mua nhà đều kỳ vọng rất nhiều vào chủ đầu tư nhưng tình hình này chắc sớm phải chuyển nhà vào trong phố ở”. 

Khổ nhất là các thượng đế như chị Huyền phải hứng chịu cảnh cứ mưa to là ngập. Đường từ Đại lộ Thăng Long vào tới khu đô thị nhà chị ngập nghiêm trọng. Xe cộ đi lại đều rất khó khăn.

Đau lòng hơn, khi rao bán, căn nhà của chị đã lỗ tới 1 tỷ đồng chỉ sau vài tháng. “Các khu xung quanh giá đều giảm, khó bán, nhất là việc thiếu hạ tầng khiến chẳng ai muốn về ở xa như vậy”, chị Huyền nói.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top