Theo thông tin trên báo Lao Động, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra ngày 4/7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được khẳng định, để phát triển xứng tầm, TP. HCM cần ít nhất 2 tập đoàn lớn đóng vai trò dẫn dắt.
Trong đó, một là Becamex Bình Dương - doanh nghiệp đã có thực lực và kinh nghiệm triển khai nhiều dự án lớn. Hai là tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước của TP. HCM cũ để hình thành một tập đoàn mới.
"Hai tập đoàn này cần kết hợp, tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển TP. HCM mới", lãnh đạo TP. HCM nhấn mạnh.
Cũng theo tiết lộ của Chủ tịch UBND TP. HCM, hiện nay địa phương đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn, trong đó có 7 tuyến đường sắt đô thị.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Báo Lao Động
Lãnh đạo TP. HCM cũng gợi ý Tập đoàn Becamex Bình Dương tham gia đầu tư vào các tuyến metro cũng như một số tuyến giao thông huyết mạch.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại phiên họp này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Becamex Bình Dương Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra nhiều kiến nghị với lãnh đạo TP. HCM mới.
Ngoài ra, lãnh đạo Becamex Bình Dương cũng cho biết hiện doanh nghiệp đã lên thị trường chứng khoán.
Đơn vị hiện có 7 thành viên với tổng tài sản khoảng 160.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Becamex Bình Dương, đây sẽ là một trong những nguồn lực lớn cho TP. HCM mới nếu tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đồng hành phát triển TP.
Becamex IDC có gì?
Trước việc lãnh đạo TP. HCM gọi tên Becamex IDC như một trong những lựa chọn không thể thiếu, không ít người tò mò rằng doanh nghiệp này sở hữu tiềm năng và thế mạnh lớn thế nào.
Nhìn vào thực lực, kinh nghiệm và mô hình phát triển của Becamex, không khó để lý giải vì sao tập đoàn này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trụ cột trong chiến lược xây dựng "TP. HCM mới".
Trước tiên, nền tảng tài chính vững chắc, hiệu quả hoạt động bền bỉ chính là yếu tố đầu tiên làm nên uy tín của Becamex.

Sứ mệnh của Becamex IDC đối với TP. HCM mới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp quỹ đất công nghiệp hay hạ tầng đô thị. Ảnh: Internet
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của tập đoàn đạt 53.180 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm. Năm 2024, con số này tiếp tục nhích lên, cán mốc khoảng 58.780 tỷ đồng, giữ vững vị trí dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Bình Dương cũ (nay là TP. HCM).
Theo Tạp chí Công thương, doanh thu của Becamex năm 2023 đạt 8.174 tỷ đồng, tăng 24% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế vượt 2.400 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch đề ra.
Tới quý I/2025, tập đoàn tiếp tục tạo ấn tượng với doanh thu 1.843 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng gấp ba lần, đạt 358 tỷ đồng.
Không chỉ mạnh về tài chính, Becamex còn sở hữu một quỹ đất quy mô lớn, chiến lược, điều mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng phải mơ ước.
Đến cuối năm 2024, tập đoàn quản lý trực tiếp 6 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 3.577 ha, chiếm hơn 30% thị phần của Bình Dương và khoảng 3,6% thị phần cả nước.
Số liệu từ DNSE cho thấy, riêng quỹ đất thương phẩm cho thuê sẵn sàng lên tới hơn 600ha, một phần lớn nằm tại các khu công nghiệp mới như Cây Trường và mở rộng Bàu Bàng.
Đáng chú ý, dự án khu công nghiệp Cây Trường với diện tích quy hoạch 700ha, vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra một động lực mới cho chuỗi phát triển của Becamex.

Kết quả kinh doanh của Becamex IDC qua các năm.
Becamex không chỉ đơn thuần cung cấp đất công nghiệp mà còn được xem là đơn vị đi đầu trong mô hình phát triển tích hợp: Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ – logistics.
Từ các khu công nghiệp Mỹ Phước, Bàu Bàng, đến thành phố mới Bình Dương, Becamex đã chứng minh rằng hạ tầng đô thị và công nghiệp có thể phát triển hài hòa và đồng bộ.
Thành phố mới Bình Dương với quy mô hơn 1.000ha đã thu hút những tên tuổi quốc tế như CapitaLand, Gamuda Land, Tokyu Group, hình thành nên một đô thị thông minh được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới.
Ngoài ra một trong những yếu tố quan trọng giúp Becamex được lãnh đạo TP. HCM tin tưởng giao vai trò "đầu tàu" có thể đến từ khả năng hợp tác công – tư (PPP) hiệu quả với các đối tác quốc tế.
Mô hình VSIP – hợp tác với Sembcorp Singapore – là minh chứng rõ ràng: Chỉ trong hơn hai thập kỷ, chuỗi VSIP đã phát triển 16 khu công nghiệp – đô thị trên cả nước với tổng diện tích hơn 11.600ha, thu hút hàng chục tỷ USD vốn FDI.
Bên cạnh đó, liên doanh BW Industrial chuyên về logistics, với quỹ đất trên 1.000ha, tiếp tục mở rộng mạnh mẽ trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, theo trang Vietnambiz.
Sứ mệnh của Becamex IDC đối với TP. HCM mới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp quỹ đất công nghiệp hay hạ tầng đô thị.
Điều quan trọng hơn, tập đoàn này mang theo một mô hình phát triển đã được chứng minh tính hiệu quả: Tích hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ, tạo công ăn việc làm, nâng cấp chất lượng sống, đồng thời thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài.
Việc kết hợp và tận dụng lợi thế giữa 2 tập đoàn trong tương lại nhằm phục vụ mục tiêu phát triển TP. HCM cần kết hợp, tận dụng lợi thế của nhau.
Trong đó, Becamex có thể cung cấp mô hình phát triển, kinh nghiệm hợp tác quốc tế, cùng năng lực tài chính để hiện thực hóa tham vọng của thành phố.

Một góc TP. HCM. Ảnh: Internet
Nếu như nhìn lại quá trình phát triển của Bình Dương cũ khi từ một tỉnh công nghiệp hoang sơ trở thành đô thị thông minh và là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước, dễ dàng nhận thấy dấu ấn sâu đậm của Becamex. Đây cũng chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho câu hỏi vì sao TP. HCM lại cần đến Becamex IDC như một trụ cột trong chiến lược "thành phố mới".
Becamex IDC giờ đây không chỉ là một doanh nghiệp dẫn dắt mà còn là một đối tác chiến lược, sẵn sàng đồng hành cùng TP. HCM mở rộng biên giới kinh tế, nâng cao chất lượng sống đô thị và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Với quỹ đất, kinh nghiệm, mô hình vận hành và khả năng huy động vốn đã được kiểm chứng, Becamex thực sự là nhân tố không thể thiếu trên con đường phát triển bền vững của TP. HCM trong tương lai.
Becamex IDC, tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex), được thành lập từ năm 1976 với nhiệm vụ chủ yếu là thu mua, chế biến nông sản và phân phối hàng tiêu dùng.
Trải qua gần nửa thế kỷ phát triển, doanh nghiệp này đã chuyển đổi sang mô hình Tổng công ty vào năm 2010, cổ phần hóa năm 2018 và chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) vào năm 2020.
Đến nay, Becamex IDC đã khẳng định vị thế là nhà phát triển bất động sản công nghiệp và đô thị hàng đầu Việt Nam, với hệ sinh thái gồm 25 công ty con hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông - công nghệ thông tin, sản xuất bê tông và vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, cảng, y tế và giáo dục.
Đáng chú ý, nhiều công ty thành viên của Becamex hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán, tiêu biểu như CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã: TDC), Becamex IJC (mã: IJC), Becamex ACC (mã: ACC) và Becamex BCE (mã: BCE).
Trước thời điểm Bình Dương sáp nhập vào TP. HCM, Becamex IDC đã được biết đến như một "ông lớn" trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương cũ, đồng thời là nhà phát triển hạ tầng số 1 Việt Nam, với mạng lưới khu công nghiệp và đô thị tích hợp trải dài từ Bắc vào Nam, phủ kín địa bàn Bình Dương cũ và cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước.