Thông tin mới nhất trên báo Thanh Niên cho biết, ngày 8/7, UBND tỉnh Gia Lai xác nhận hiện nay đang triển khai các bước chuẩn bị nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Đoạn tuyến dự kiến đi qua địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều dài 115km, thuộc một trong số những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia với quy mô lớn.
Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk là ba tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước sau sáp nhập.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng (gồm tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận cũ) rộng nhất với hơn 24.000km2, dân số 3,8 triệu. Tỉnh Gia Lai (được hợp thành từ tỉnh Gia Lai, Bình Thuận cũ) rộng thứ hai với gần 22.000km2. Đắk Lắk (gồm Đắk Lắk, Phú Yên cũ), rộng hơn 18.000km2, đứng thứ ba cả nước.
Dự án này có thể ảnh hưởng đến khoảng 4.435 hộ dân với diện tích giải phóng mặt bằng sơ bộ khoảng 323ha, trên tổng số 758ha được thu hồi để phục vụ thi công.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh xác nhận UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo GPMB đối với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban Chỉ đạo GPMB Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Báo Thanh Niên
Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ giữ vai trò điều phối, theo dõi và chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình triển khai nhằm đảm bảo đúng tiến độ, minh bạch trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo tạp chí Kinh tế Chứng khoán, điểm đầu đi qua địa bàn tỉnh tại phường Hoài Nhơn Bắc (giáp Quảng Ngãi), điểm cuối kết thúc tại phường Quy Nhơn Tây (giáp tỉnh Đắk Lắk).

Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa
Đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam không chỉ là tuyến huyết mạch có tính chiến lược về giao thông mà còn là động lực kéo theo sự phát triển mạnh mẽ về logistics cũng như đô thị hóa, du lịch cho khu vực Tây Nguyên.
Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gồm 23 ga hành khách với 5 ga hàng hóa. Trong đó, tỉnh Gia Lai dự kiến sẽ được bố trí 2 nhà ga tại phường Bồng sơn và xã Tuy Phước 1. Đây được xem là "cơ hội vàng" mà ít có địa phương nào có được trong dự án trọng điểm quốc gia này.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất làm chủ đầu tư triển khai quy hoạch và xây dựng 42 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 168ha cùng 6 khu cải táng với diện tích hơn 3,6ha nhằm phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Gia Lai hiện cũng xúc tiến các thủ tục pháp lý với 10 mỏ đất, 3 bãi thải nhằm phục vụ thi công và tái định cư.
Hiện nay một số vướng mắc về cơ chế tại địa phương vẫn cần được tháo gỡ để triển khai dự án về đúng tiến độ.
Tỉnh Gia Lai đã kiến nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo sớm việc cắm cọc GPMB tại thực địa nhằm giúp địa phương xác định chính xác số hộ dân bị ảnh hưởng cũng như có cơ sở để triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất bố trí kinh phí từ vốn Trung ương cho các hạng mục cấp thiết như các khu tái định cư, khu cải táng cũng như các công trình phụ trợ.
Gia Lai cũng là địa phương đang gặp khó khăn do sự chồng lấn vị trí nhà ga và tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dẫn đến xung đột quy hoạch nếu không được tháo gỡ nhanh chóng.