Lời toà soạn:
Ngày 25/7/2019, Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 - CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD), tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép mà không bị xử lý đúng pháp luật, trên địa bàn thành phố.
Theo tinh thần Chỉ thị này, phường - xã - thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Sau khi triển khai thực hiện, Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua không chỉ góp phần chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về TTXD, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP mà còn góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân TP từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện.
Dù tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp. Tình trạng xây dựng sai phép, cấp phép xây dựng sai quy định ở một số địa bàn vẫn còn tiếp diễn. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình sai phạm còn kéo dài, chưa dứt điểm.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện từ ghi nhận thực tế, Reatimes khởi đăng loạt bài: Triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU tại TP.HCM: Thành quả và bài học thực tiễn. Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Phường buông lỏng quản lý, thiếu trung thực
Thông tin này được Thanh tra UBND TP Thủ Đức nêu rõ tại kết luận về việc thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại UBND phường Long Phước, giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023.
Đối với các công trình xây dựng không phép, theo Thanh tra TP Thủ Đức, UBND phường Long Phước không thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý vi phạm hành chính về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Phường không lập hồ sơ, kiến nghị, phối hợp cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, còn để nhiều trường hợp vi phạm về đất đai xảy ra với quy mô lớn; tình trạng vi phạm về xây dựng còn phổ biến, việc xử lý một số trường hợp vi phạm chưa quyết liệt dẫn đến tồn đọng, kéo dài, các công trình vi phạm xây dựng chưa được UBND phường chủ động và xử lý kịp thời ngay từ ban đầu.
UBND phường không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Đối với các công trình xây dựng sai phép và công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp, UBND phường Long Phước và Đội thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, báo cáo không trung thực, không cung cấp thông tin, tài liệu, có hành vi bao che các công trình vi phạm đối với Đoàn thanh tra là vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022.
Đồng thời, UBND phường Long Phước và Đội thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức không thực hiện đúng theo quy định về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
UBND phường Long Phước, Đội thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức không thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn được giao quản lý; chưa kịp thời lập hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị, phối hợp cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, để phát sinh thêm các công trình vi phạm xây dựng ngoài nội dung giấy phép xây dựng đã được UBND thành phố Thủ Đức cấp.
Đối với công tác quản lý, sử dụng đất sông, rạch; công tác kiểm tra, xử lý các công trình lấn chiếm, xây dựng trên sông, rạch; số vụ vi phạm lấn chiếm, UBND phường không lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định là vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 12 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định những hành vi bị nghiêm cấm.
UBND phường không kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính theo quy đinh tại khoản 1 Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi bổ sung năm 2020.
UBND phường Long Phước không ban hành quyết định cưỡng chế đối với các hành vi vi phạm hành chính mà ban hành kế hoạch thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc thực hiện khắc phục hậu quả không hiệu quả tạo tiền đề cho các hành vi vi phạm tiếp theo. Các công trình không phép đã đưa vào sử dụng, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, lấn chiếm và thay đổi dòng chảy của sông, kênh, rạch.
UBND phường chưa nghiêm túc thực hiện các kết luận, thông báo của cấp trên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn phường.
Chủ tịch phường không thường xuyên theo dõi, chưa xử lý, chấn chỉnh kịp thời
Theo Thanh tra TP Thủ Đức, trách nhiệm những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về UBND phường Long Phước. UBND phường còn nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hành thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên trên địa bàn.
Chủ tịch UBND không thường xuyên theo dõi, giám sát, đôn đốc, kiểm tra những nội dung, những việc đã giao, phân công về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; chưa xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý khi không phát hiện báo cáo kịp thời những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn được phân công phụ trách và những cá nhân, tổ chức không chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách kinh tế đô thị không thường xuyên kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến có nhiều công trình vi phạm chậm phát hiện, chưa kịp thời ngăn chặn và cương quyết xử lý ngay từ đầu hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.
Các công trình xây dựng không phép kiên cố hoàn thành, được đưa vào sử dụng, đến nay chưa cưỡng chế tháo dỡ. Một số công trình vi phạm có diện tích, kết cấu lớn, thời gian vi phạm dài nhưng không lập hồ sơ xử lý vi phạm. Từ những thiếu sót trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng dẫn đến phát sinh dư luận cho rằng việc xử lý vi phạm hành chính không nghiêm minh.
Công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường được phân công phụ trách địa bàn chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và tham mưu lãnh đạo UBND phường xử lý vi phạm trật tự xây dựng ngay từ đầu dẫn đến nhiều công trình vi phạm hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Công chức không lập hồ sơ hành vi vi phạm, kiến nghị, phối hợp cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, buông lỏng quản lý địa bàn, còn để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm về đất đai xảy ra với quy mô lớn dẫn đến nhiều dư luận không tốt về công tác quản lý, xử lý tại địa phương…
Cán bộ Đội thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức (nay là Thanh tra xây dựng thành phố Thủ Đức) phụ trách địa bàn phường Long Phước thiếu tinh thần trách nhiệm buông lỏng quản lý, báo cáo không trung thực, không cung cấp thông tin, tài liệu, có hành vi bao che các công trình vi phạm đối với Đoàn thanh tra là vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022./.