Aa

Bộ Công Thương: Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp

Thứ Năm, 28/03/2024 - 09:35

Bộ Công Thương vừa đề nghị UBND các địa phương thực hiện một số giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Công Thương vừa ban hành Công văn số 1817/BCT-CTĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên phạm vi cả nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 68 ngày 25/5/2017 của Chính phủ và Nghị định số 66 ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 68 và các quy định pháp luật có liên quan. Nhìn chung, các địa phương thực hiện nghiêm túc, theo trình tự, quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương: Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp- Ảnh 1.

Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2022, cả nước đã có 1.014 cụm công nghiệp. (Ảnh: HX)

Bộ Công Thương cho rằng việc phát triển CCN đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt là tại khu vực nông thôn), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước "ly nông bất ly hương" và xây dựng nông thôn mới.

"Tuy nhiên, qua theo dõi, tại một số địa phương vẫn còn có bất cập, hạn chế như: Chưa tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý CCN, tiến độ xây dựng và thực hiện quy hoạch chậm, thiếu những giải pháp mạnh, khả thi trong đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn...", lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Vì vậy, để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển CCN; đảm bảo quy hoạch, phát triển CCN bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 32 ngày 15/3/2024 về quản lý, phát triển CCN (thay thế Nghị định số 68 và Nghị định số 66). Nghị định số 32 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2024.

Để triển khai chấp hành đầy đủ, nghiêm túc quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển CCN, Bộ Công Thương đề nghị UBND các địa phương một số nội dung sau: Thứ nhất, trong thời gian Nghị định số 32 chưa có hiệu lực thi hành, đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, phát triển CCN theo quy định tại Nghị định số 68 và 66, pháp luật liên quan. 

Thứ hai, căn cứ quyền hạn, trách nhiệm tại Nghị định số 32, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức thực hiện các nội dung quy định của Nghị định.

Thứ ba, đối với các địa phương có Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt, đề nghị phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Công Thương: Nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, phát triển cụm công nghiệp- Ảnh 2.

Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). (Ảnh: HX)

Còn các tỉnh đã phê duyệt thì cần rà soát lại Phương án phát triển CCN trong kỳ quy hoạch đảm bảo đầy đủ thông tin đối với từng CCN theo quy định tại Nghị định số 66. Đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất và không chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn. Trường hợp Phương án phát triển CCN thuộc Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt không đủ thông tin theo quy định hoặc chồng lấn với các quy hoạch khác trên địa bàn, UBND cấp tỉnh chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Phương án phát triển CCN giai đoạn 2021 - 2030 đảm bảo khả thi; đủ quỹ đất để thành lập, đầu tư phát triển CCN có trong danh mục theo tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ tư, chỉ đạo xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp/dự án đầu tư thứ cấp có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết hỗ trợ nhau vào cùng một CCN.  

Thứ năm, thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát huy hiệu quả; xử lý dứt điểm các CCN, dự án trong CCN gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, chậm tiến độ.

Cuối cùng là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN trên địa bàn để chấn chỉnh công tác quản lý, đầu tư phát triển các CCN trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.

Ở diễn biến liên quan, sau khi nhận công văn số 1817/BCT-CTĐP của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện theo yêu cầu. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu Nghị định số 32 ngày 15/3/2024 của Chính phủ và các nội dung đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top