Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1787 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau khi tinh gọn bộ máy hành chính.
Động thái này được đưa ra sau khi Văn phòng Chính phủ có Công văn số 3801 ngày 2/5/2025, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và các Nghị định liên quan, đảm bảo đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Công văn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ, Luật Đất đai 2024 có 20 nội dung giao UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành; Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất giao 4 nội dung; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất giao 10 nội dung; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai giao 1 nội dung; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai giao 10 nội dung; Nghị định số 103/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất 4 nội dung; Nghị định số 104/2024/NĐ-CP quy định về quỹ phát triển đất giao 3 nội dung; Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa giao 2 nội dung; Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giao 1 nội dung.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị đánh giá thi hành Luật Đất đai 2024 để bổ sung, sửa đổi. (Ảnh minh họa)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương đánh giá theo các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai, trong đó đánh giá về 3 nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, đánh giá việc ban hành và thực hiện văn bản pháp luật về đất đai theo thẩm quyền, bao gồm: tính kịp thời, đầy đủ, phân cấp thẩm quyền, tuân thủ văn bản cấp trên, tính thống nhất, đồng bộ, cùng các khó khăn, vướng mắc (nếu có); đồng thời thống kê các văn bản đã ban hành.
Thứ hai, đánh giá việc thực hiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất; đăng ký, cấp giấy chứng nhận; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và tài chính đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; thủ tục hành chính; thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật đất đai.
Thứ ba, đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, về hình thức tổ chức, đối tượng, số lượng các khóa tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, vướng mắc, khó khăn nếu có.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương đánh giá kết quả thực hiện từng nội dung theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn; nêu rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân; đồng thời đề xuất sửa đổi (nếu có), kèm theo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, giới, thủ tục hành chính; kiến nghị các giải pháp khác để tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Đất đai và các văn bản liên quan.
Đặc biệt, cần tập trung làm rõ các khó khăn trong quá trình triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản chi tiết; đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, góp phần tháo gỡ vướng mắc và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo đánh giá việc thi hành Luật Đất đai 2024 và xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Luật, về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 20/5/2025, để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại Công văn 1680/BNNMT-QLĐD ngày 5/5/2025, gửi Ban chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, HĐND, UBND các địa phương về việc rà soát quy định đất đai khi tổ chức mô hình chính quyền 2 cấp, Bộ yêu cầu rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai liên quan.
Khi số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh được sắp xếp còn 34 đơn vị (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương), Bộ Nông nghiệp và Môi trường cảnh báo nguy cơ phát sinh sự không thống nhất trong cùng phạm vi một tỉnh, thành phố về một số quy định cụ thể.
Cụ thể như, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; mức bồi thường đối với vật nuôi, cây trồng; mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; suất tái định cư tối thiểu; đơn giá bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; điều kiện, diện tích tối thiểu để tách thửa, hợp thửa; nghĩa vụ tài chính về đất đai...Tình trạng này có thể dẫn đến sự so bì giữa các xã, phường hoặc giữa các nhóm đối tượng sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy yêu cầu các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan đến đất đai trong bối cảnh tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhằm tránh phát sinh bất cập, đảm bảo sự công bằng và thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Theo đó, các địa phương cần có hướng sửa đổi, bổ sung quy định thống nhất trong áp dụng một số chính sách về đất đai hoặc áp dụng các chính sách đặc thù tại địa phương sau sáp nhập. Các chính sách đất đai trên địa bàn cấp tỉnh sau sáp nhập cần có quy định chuyển tiếp để thực hiện. Những việc đó nhằm đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất./.