Aa

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về giải pháp xử lý tin giả, xấu, độc trên không gian mạng

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 04/11/2022 - 14:09

"Nếu chỉ dùng những biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì là khi phòng chống COVID, chúng ta mới dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa", Bộ trưởng nói.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng nay của Quốc hội, nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về công tác quản lý, phòng chống tin giả, tin xấu, độc trên mạng internet.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu: Trong thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng, tuy nhiên việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh, trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) nêu câu hỏi: Thứ nhất, ngăn chặn tác hại của thông tin xấu, độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Xử lý một trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn và nếu xử lý không cẩn thận thì có thể lại dẫn đến tình trạng PR cho người muốn đốt đền, muốn nổi tiếng. Vậy giải pháp nào theo Bộ trưởng là triệt để, căn cơ nhất khi lực lượng của ngành thông tin, truyền thông thì mỏng mà chúng ta có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài?

Bộ trưởng Nguyễn Manh Hùng cho biết, vấn đề tin giả trên không gian mạng lan truyền rất nhanh, nếu chúng ta xử lý chậm thì đã lan truyền rất rộng.

“Vừa qua, chúng ta đã sửa các nghị định nâng tầm xử lý tin giả từ mức thông tư lên mức nghị định. Trong nghị định này quy định rõ các hành vi, trách nhiệm của các bên liên quan. Thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin sai sự thật, xấu, độc từ 48 tiếng xuống 24 tiếng, có những thông tin đặc biệt trong 3 giờ.

Mức phạt, hiện nay phạt về đưa thông tin giả đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực thì hiện nay mức phạt của chúng ta cũng chỉ bằng khoảng 1/10, đó là so với các nước ASEAN. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc để đưa mức xử phạt lên mức răn đe, ít nhất cũng ngang với trung bình của các nước trong khu vực”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho biết, ngăn chặn tin xấu, độc ở Việt Nam thực sự là một việc khó khăn, lực lượng thì mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau.

“Đây là một con số cao, chúng tôi nghĩ giải pháp căn bản bây giờ, thế giới thực ra sao thì lên không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì trên thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó, tức là tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ, ngành thì quản lý lĩnh vực mình trên không gian mạng. Các địa phương cũng quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Sau đấy đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí đến mức tế bào xã hội là gia đình quản lý con cái trong đời thực thì cũng quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ như vậy, toàn bộ xã hội vào cuộc thì chúng ta mới có thể giải quyết được căn cơ những vấn đề trên không gian mạng. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an hiện nay đang là 2 lực lượng chính làm không xuể”, Bộ trưởng bày tỏ.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên). Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục trao đổi về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa tranh luận: “Khi trả lời câu hỏi về phòng, chống thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội thì Bộ trưởng có nói là "Ở ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy", tôi rất hoan nghênh quan điểm này. Tôi xin bổ sung thêm là ngoài đời chúng ta quản lý theo lãnh thổ, theo địa giới hành chính, nhưng mạng là trên nền tảng đa quốc gia và dẫn đến một câu chuyện là nếu chỉ dùng những biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì là khi phòng chống COVID, chúng ta mới dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa. Giải pháp căn cơ nhất theo quan điểm của tôi phải là giải pháp nâng cao sức đề kháng, giống như chúng ta có vắc xin đề kháng, tức là người dân, công chúng không tin, không nghe những thông tin xấu, độc.

Thứ hai là chúng ta phải có thêm nhiều thứ để cho công chúng có thể đọc được nhiều thông tin hay, nhiều thông tin phản biện, nhiều thông tin tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao. Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào những vấn đề nóng với một thái độ trách nhiệm, không né tránh và không phải chỉ khen một chiều mới là hay, bởi vì thực tế nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc.

Lúc nãy Bộ trưởng có nói bây giờ đã nâng lên là sau 3 tiếng có thể phải gỡ bỏ những thông tin độc hại, chúng ta có chế tài như vậy, nhưng báo cáo Bộ trưởng là chỉ cần sau 5 phút, 10 phút thôi thì một thông tin độc hại đã lan tỏa đến tận đâu rồi. Cho nên quan trọng nhất là không uống thuốc độc ngay từ đầu, nếu độc hại đã ngấm vào rồi mới uống giải độc thì chắc chắn chúng ta mãi mãi chạy theo rất vất vả và đôi khi PR cho những người sử dụng mạng xã hội đó, đặc biệt là những tài khoản ở nước ngoài, ngoài địa giới hành chính của chúng ta. Chúng ta không thể dùng biện pháp như trong đời thực có cái gì thì trên mạng sử dụng cái đó được”.

Chia sẻ những băn khoăn với đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự nhất trí về câu chuyện đề kháng: “Không chỉ riêng xấu, độc, tất cả các thứ đều cần sức đề kháng. Trên không gian mạng thì tin giống như không khí, tin xấu mà nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng, nó đầu độc chúng ta, không khí thì đầu độc phổi, thông tin thì đầu độc não. Tôi nói đời thực với đời ảo, ý là ai quản lý cái gì trong đời thực thì nên quản lý cái đấy trên không gian mạng. Lĩnh vực công thương để quản lý hàng hóa, lĩnh vực văn hóa quản lý thuần phong mỹ tục,… chỉ như vậy chúng ta mới có đầy đủ nguồn lực để làm cho không gian mạng lành mạnh, làm cho không gian mạng lành mạnh tức là làm cho không khí lành mạnh.

Hiện nay, chúng tôi đã có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa thêm nội dung kỹ năng số vào trong chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3 cho các em học sinh. Đấy là một loại đề kháng.

Thứ hai, chúng tôi đã chính thức cho chạy một nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân. Đây là một nền tảng online trên không gian mạng, người dân có thể vào xem, tìm kiếm, hỏi đáp và có những kỹ năng cơ bản để sống trong môi trường số. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian đấy lành mạnh, có cơ quan chủ lực là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, nhưng toàn bộ hệ thống chính trị nữa thì chúng ta mới có thể. Còn chuyện làm sạch vẫn phải làm, vì nó là bình diện quốc gia thì hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành một hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin, tức là những thông tin mình đã định nghĩa là xấu, là độc, là sai thì chúng ta chủ động rà quét và chủ động gỡ thông tin để góp một phần nào cho nó cho nó sạch và sau đó đến câu chuyện của toàn dân.

Đây là vấn đề đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nêu trong chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào miền núi và đồng bào dân tộc, có một nội dung mà hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông bị chậm. Trong chương trình thì đầu tư cơ sở vật chất cho từng xã một ở tại Ủy ban nhân dân xã để hỗ trợ cho bà con đến đấy tiếp cận với ứng dụng công nghệ thông tin. Cách này trước đây chúng ta đã làm nhưng có một khó khăn, tức là bà con ở miền núi đến thì xa.

Thứ hai là, mình đầu tư cơ sở vật chất ở đấy thì vận hành nó, duy trì nó thì lấy đâu nguồn lực về nhân lực công nghệ thông tin để vận hành.

Thứ ba là, nếu chúng ta làm từng xã một giống nhau thì rất tốn kém. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động đề xuất với Chính phủ sẽ thực hiện các nền tảng số, tức là nền tảng tập trung toàn quốc, trong đó có về y tế, giáo dục, thư viện số. Thay vì chúng ta đầu tư tại từng Ủy ban nhân dân xã thì chúng ta sẽ đầu tư tập trung. Còn câu chuyện để cho mỗi một người dân ở vùng miền núi có sóng điện thoại và có máy điện thoại thì lại nằm ở một chương trình khác. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cân nhắc thận trọng, cho đi khảo sát. Chúng tôi đã đi khảo sát các tỉnh về tổng hợp lại và thấy giải pháp chúng tôi đề xuất là phù hợp. Sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức tuyên bố dùng giải pháp mới cho chương trình về công nghệ thông tin đến các Ủy ban nhân dân xã”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top