Aa

Bộ Xây dựng chỉ đạo Hà Nội xem xét kiến nghị của cư dân Khu Đoàn Ngoại giao

Thứ Ba, 10/10/2017 - 13:20

Bộ Xây dựng chỉ đạo Hà Nội xem xét kiến nghị của cư dân Khu Đoàn Ngoại giao; Đa dạng sắc màu thị trường sơn; Rủi ro khi đầu tư vào BĐS “lai”; Khoảng trống pháp lý khi liên danh đầu tư BĐS;… là những tin tức nổi bật về BĐS 24 giờ qua.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Hà Nội xem xét kiến nghị của cư dân Khu Đoàn Ngoại giao

Bộ Xây dựng đã nhận được đơn của các cư dân mua căn hộ tại Dự án Khu Đoàn Ngoại giao (quận Bắc Từ Liêm) do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư.

Nội dung đơn phản ánh việc cơ sở hạ tầng kết nối dự án Khu Đoàn Ngoại giao với bên ngoài cũng như hạ tầng nội khu của toàn bộ dự án đang trong quá tình trạng xây dựng dở dang và thiếu so với quy hoạch được duyệt, toàn bộ cư dân phải sử dụng một tuyến đường giao thông duy nhất từ đường Phạm Văn Đồng vào với mật độ xe đông đúc, các cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, khu dịch vụ công cộng chưa được xây dựng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư sớm kết nối hạ tầng giao thông, triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội theo đúng quy hoạch đã được duyệt để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cư dân.

Theo phản ánh của cư dân Khu Đoàn Ngoại giao, hạ tầng nội khu của toàn bộ dự án đang trong quá tình trạng xây dựng dở dang và thiếu so với quy hoạch được duyệt.

Theo phản ánh của cư dân Khu Đoàn Ngoại giao, hạ tầng nội khu của toàn bộ dự án đang trong quá tình trạng xây dựng dở dang và thiếu so với quy hoạch được duyệt.

“Sau khi xem xét nội dung đơn, căn cứ quy định của pháp luật, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ chuyển đơn của các cư dân đến UBND TP Hà Nội để xem xét theo thẩm quyền và trả lời công dân theo quy định” – văn bản gửi UBND TP Hà Nội nêu rõ.

Liên quan đến dự án Khu Đoàn Ngoại giao, không chỉ tồn tại vấn đề về kết nối giao thông, nhiều cư dân tại đây cũng đang lo lắng trước việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn có thể dẫn đến nguy cơ “băm nát” KĐT từng được coi là ở nơi đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô.

Xem chi tiết tại đây.

Đa dạng sắc màu thị trường sơn

Lướt qua các cửa hàng đại lý bán sơn trên địa bàn TP.HCM và Hà Nội, khách hàng không khỏi hoa mắt bởi màu sắc mà còn choáng ngợp với những thương hiệu trên các thùng sơn được xếp chồng đống lên nhau, cao vút. Điều dễ dàng nhận thấy tại các đại lý này là những thương hiệu ngoại, nổi tiếng như Dulux, Jotun, Nippon… thường được đặt ra ngoài, những vị trí đắc địa, khiến khách hàng hay người đi đường dễ dàng nhìn thấy. Còn đi sâu vào bên trong, trên những giá hàng là các thương hiệu khác như Nero, Galaxy, Spec, Expo… với đầy đủ các kích thước.

Các hãng sơn nội ngày càng chú trọng đến chất lượng, màu sắc và marketing để giành thị phần. Ảnh: Việt Dũng.

Các hãng sơn nội ngày càng chú trọng đến chất lượng, màu sắc và marketing để giành thị phần. Ảnh: Việt Dũng.

Lý giải về việc bày bán nhiều chủng loại này, anh Tân, chủ cửa hàng sơn nước trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, là đại lý nên phải bày bán nhiều mặt hàng. Tùy theo nhu cầu của khách hàng, khách muốn mua loại nào mình cũng có. Mỗi một loại sơn đều có đặc điểm, tính chất và giá cả khác nhau, phù hợp với từng phân khúc và nhu cầu của khách hàng.

Trong vai khách hàng đi mua sơn, chúng tôi được anh Tân giới thiệu với 2 hãng sơn Dulux và Jotun. Theo lý giải của chủ của hàng, hai hãng sơn này đã có mặt nhiều năm trên thị trường, đều là những thương hiệu nổi tiếng, tên tuổi được khẳng định bằng chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, giá cả của 2 hãng sơn này lại cao hơn so với những hãng sơn khác, đặc biệt là so với những dòng sơn do doanh nghiệp trong nước sản xuất.

Cụ thể, đối dòng sản phẩm sơn nước ngoại thất của hãng Dulux có giá khoảng 400.000 đồng/lít. Thùng sơn nội thất dung tích 5 lít và 18 lít có giá từ 1,3 - 2,2 triệu đồng/thùng, dòng sơn nội thất của hàng này không có dung tích nhỏ. Trong khi đó, các sản phẩm sơn phủ ngoại thất của hãng Galaxy Việt Nam có giá khoảng 350.000 đồng/lít. Còn đối với dòng sản phẩm sơn phủ nội thất có giá khoảng 300.000 đồng/lít.

Xem chi tiết tại đây.

Khoảng trống pháp lý khi liên danh đầu tư BĐS

Luật Đầu tư và Luật Nhà ở không có thuật ngữ “liên danh” hiện diện trong toàn bộ văn bản. Cụ thể, Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hoàn toàn không có thuật ngữ nào được nhắc đến là “liên danh” trong toàn bộ văn bản, mà chỉ có thuật ngữ “liên doanh”, dùng để chỉ việc nhà đầu tư nước ngoài được liên doanh với nhà đầu tư trong nước để đầu tư thành lập công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đến Luật Đầu tư 2014 và Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 cũng không hề có thuật ngữ liên danh và thậm chí, thuật ngữ liên doanh cũng không còn xuất hiện.

Đối với pháp luật về nhà ở, Luật Nhà ở 2005 cùng các nghị định hướng như Nghị định 90/2006/NĐ-CP, cho đến Nghị định 71/2010/NĐ-CP, thuật ngữ liên danh cũng không được đề cập. Luật Nhà ở 2014 (Nghị định 99/2015/NĐ-CP) cũng không có khái niệm “liên danh”. Trong khi đó, với thuật ngữ “liên doanh”, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP có đề cập, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể về thuật ngữ này.

Quan điểm cá nhân của người viết, có thể coi “liên doanh” được hiểu là các nhà đầu tư góp vốn với nhau để thành lập một pháp nhân mới (công ty).

Xem chi tiết tại đây.

Rủi ro khi đầu tư vào bất động sản “lai”

Bên cạnh lợi ích và lợi nhuận từ bất động sản “lai” đem lại, các nhà đầu tư cũng đối mặt với các nhược điểm của loại hình này. Khung pháp lý cho các bất động sản “lai” vẫn chưa ổn định và còn nhiều lỗ hổng, có thể tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư.

Ví dụ điển hình về officetel như sau, officetel cùng tồn tại chung với hạng mục căn hộ và có thể dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý dự án. Ngoài ra, các chủ đầu tư thường tận dụng khung pháp lý chưa ổn định để chuyển hạng mục thương mại trong dự án thành hạng mục officetel để thu hồi vốn nhanh.

Nguồn cung officetel tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Nguồn cung officetel tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Trong trường hợp này, chủ đầu tư và nhà đầu tư đạt được lợi ích tối đa nhưng lợi ích của cư dân và khách thuê thì giảm bớt tương ứng với tiện nghi và tiện ích bị cắt giảm.

Trong tương lai, nguồn cung bất động sản “lai” sẽ tiếp tục tăng. Do đó, thị trường bất động sản rất cần một khung pháp lý hoàn chỉnh cho loại hình này nhằm điều tiết thị trường một cách hợp lý nhất đảm bảo các chủ đầu tư hoài hòa lợi ích và cân bằng nhu cầu của cả người mua lẫn cư dân của dự án.

Xem chi tiết tại đây.

Tại sao báo cáo thị trường của Savills bị phản bác?

Báo cáo về thị trường căn hộ tại Việt Nam của Savills đưa ra những con số gây bất ngờ với giới bất động sản. Việc Savills cho rằng, lợi suất cho thuê nhà ở tại Hà Nội đang cao gấp đôi Singapore và cao hơn nhiều so với TP.HCM, vấp phải nhiều quan điểm trái chiều.

Theo Savills, Hà Nội và TP.HCM đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về lợi suất cho thuê bất động sản. Trong đó, lợi suất cho thuê ở Hà Nội đạt 7,4%, còn TP.HCM là 5,8%, cao hơn Singapore (3,7%). Với con số trên, thị trường đầu tư bất động sản nhà ở cho thuê tại Việt Nam được Savills đánh giá hấp dẫn hơn các thị trường trong khu vực.

Nhà đầu tư Hà Nội có xu hướng mua căn hộ Sài Gòn để cho thuê.

Nhà đầu tư Hà Nội có xu hướng mua căn hộ Sài Gòn để cho thuê.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và công ty nghiên cứu bất động sản, trên thực tế, tỷ suất lợi nhuận từ căn hộ cho thuê tại TP.HCM đang cao hơn Hà Nội rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, tỷ lệ lợi nhuận cho thuê căn hộ tại Hà Nội không thể cao hơn TP.HCM. Bởi lẽ, hiện nay có rất nhiều người Hà Nội vào TP.HCM mua căn hộ để đầu tư cho thuê.

“Hà Nội giá nhà tuy cao hơn nhưng tỷ lệ lợi nhuận cho thuê căn hộ thấp hơn TP.HCM. Ở Hà Nội, người giàu rất nhiều nên số lượng mua đầu tư, đầu cơ rất lớn, trong khi nhu cầu đi thuê căn hộ của người dân thấp hơn TP.HCM. Hà Nội cung nhiều nhưng cầu ít, còn TP.HCM thì cung cầu đều nhau nên cho thuê căn hộ ở TP.HCM bao giờ cũng lợi hơn”, ông Đực nhận định.

Xem chi tiết tại đây.

Đổ xô săn đất nền để xây nhà trọ cho thuê

Kinh doanh bằng hình thức xây nhà trọ cho thuê tại các quận, huyện vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, quận 12, quận 9, Bình Tân…, thậm chí cả Bình Dương, đang được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.

Anh Nguyễn Minh Hoàng, hiện đang là trưởng phòng kinh doanh một công ty tại quận 3 (TP.HCM) đã tích góp và vay mượn được 4 tỷ đồng để mua một mảnh đất và xây 20 phòng trọ cho thuê tại quận 9 (TP.HCM). Nhằm tăng tính an toàn cho khách và tạo sự khác biệt đối với những người đi trước, anh Hoàng tự bỏ thêm chi phí để thuê bảo vệ về giám sát an ninh của khu nhà trọ và lao công làm vệ sinh khu vực.

“Mỗi căn nhà trọ khép kín của tôi có diện tích từ 16 - 25 m2, an ninh đảm bảo và vệ sinh sạch sẽ, nên giá thuê trung bình mỗi căn là từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Vị chi, mỗi tháng doanh thu của dãy nhà trọ mang lại khoảng 70 triệu đồng”, anh Hoàng  bộc bạch.

Hình thức kinh doanh xây nhà trọ cho thuê này không chỉ nở rộ tại TP.HCM, mà còn lan sang các tỉnh vùng ven. Trong đó, là mảnh đất tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, quỹ đất dồi dào và giá còn rẻ, Bình Dương được nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM ngắm tới.

Xem chi tiết tại đây.

Ngẫm về tín dụng cho thị trường BĐS: Hãy để ngân hàng tự định đoạt số phận của họ!

Tín dụng 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng ở mức cao. Ngân hàng đổ vốn khá nhiều cho thị trường BĐS. Có thể thấy rằng, lộ trình tín dụng cho BĐS đang thấy có hiệu quả. Bởi nếu không hạn chế nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và tăng hệ số rủi ro thì tín dụng cho BĐS 8 tháng qua sẽ tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, tín dụng vào BĐS cần có nghiên cứu để phân bổ sao cho hiệu quả bởi hiện vốn đang đổ vào thị trường thứ cấp khá lớn mà việc này không có lợi cho nền kinh tế. Vốn phải đổ vào thị trường sơ cấp, đóng góp cho GDP mới là điều tích cực. Mà hiện nay, mặc dù tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS mạnh nhưng không đóng góp nhiều vào GDP như mong muốn. Cho nên, tôi cho rằng việc siết tín dụng chưa tác động một cách có hiệu quả để dòng vốn chảy vào thị trường đúng địa chỉ.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top