Doanh nghiệp bất động sản giải thể tiếp tục tăng
Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023 được Bộ Xây dựng công bố ngày 2/8 cho biết, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Số doanh nghiệp bất động sản đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới lại giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân khiến cộng đồng doanh nghiệp bất động sản suy yếu và ngày càng nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường xuất phát từ 3 nhóm khó khăn, vướng mắc chính.
Đầu tiên là nhóm khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Bộ Xây dựng cho biết, nhiều dự án bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định); về điều chỉnh chủ trương đầu tư; về thẩm quyền chuyển nhượng dự án...
Thứ hai là nhóm khó khăn, vướng mắc về tổ chức thực hiện. Theo Bộ Xây dựng, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản. Cụ thể như trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư (sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất chưa kịp thời); một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án…
Thứ ba là nhóm khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn. Hiện nay, doanh nghiệp bất động sản vẫn rất chật vật trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn từ trái phiếu doanh nghiệp và vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án.
Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 rất lớn.
Ngoài ra, tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, buộc phải cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự từ đầu năm đến nay hoặc người lao động còn chủ động xin nghỉ việc. Không ít doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, Bộ Xây dựng nêu rõ tại báo cáo.
Cần loại bỏ tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ
Trước thực tế chưa có nhiều chuyển biến tích cực trên thị trường bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo đó, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại các quyết định, công điện trước đây, cụ thể như: Quyết định số 338/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"; Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 10/5/2023 về mức lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các khoản vay có dư nợ để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở; các Công điện số 194/CĐ-TTg, Công điện số 469/CT-TTg, Công điện số 470/CT-TTg, Công điện số 634/CĐ-TTg.
Với riêng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần tập trung, khẩn trương rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn; phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ thuộc thẩm quyền; tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội trong đó chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân của các vướng mắc gửi về Tổ công tác để tổng hợp, báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hằng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện dự án.
Khẩn trương, quyết liệt thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, theo đó giám sát việc triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Cùng với đó, khẩn trương, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn trong giải quyết thủ tục triển khai liên quan đến dự án bất động sản trên địa bàn.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả, loại bỏ tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế nói chung và việc tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các dự án, thị trường bất động sản nói riêng trên địa bàn.
Tập trung nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể theo thẩm quyền để triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và các quy định pháp luật khác có liên quan./.