Cá chép đỏ
Hơi xuân tràn ngập cánh đồng đêm. Tiếng cá bơi lội giao hoan vật đẻ bì bõm, lao xao, rộn rã khắp cánh đồng.
Vừa đến khu ruộng sâu. Khua đèn một vòng đã thấy lấp lánh dưới làn nước trong vắt một đàn cá chép đỏ. Vây đuôi phe phẩy vẩy đỏ lấp lánh phản quang ánh đèn. Đàn cá đông đúc chen chúc ung dung xếp hàng đến vài chục con. Hai anh em đưa mắt cho nhau phân chia. Cò Bé úp nơm, Cò Con chém dao.
Nhanh như chớp. Nơm đã được ấn sâu xuống ruộng. Dao đã chém xuống bùn. Nhưng nước vẫn trong suốt, nhìn quanh không thấy một con cá nào mà cũng chả thấy nước rung cá chạy.
Hai anh em kiên trì tìm khắp khu ruộng mấy vòng nhưng không thấy một con cá nào.
Lại đi hết một vòng bờ ruộng. Cả khu ruộng bờ đắp kín mít kiên cố. Tự dưng đồng không mông quạnh vắng ngắt, ớn lạnh.
Tối ấy hai anh em bỏ dở buổi soi cá về sớm.
Mẹ nói, người làng thi thoảng vẫn gặp đàn cá chép đỏ như thế ở ngoài đồng.
Soi cá
Sau Tết, tiết trời ấm áp. Khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống, chính là mùa cá đẻ. Cá trú ngụ từ các đầm hồ sâu dẫn nhau lên những khu ruộng nước mới dâng xâm xấp để đẻ trứng.
Hai anh em Cò Bé nhiều tối soi cá gặp may, bắt được những cặp cá chép cá nheo, cá quả mập ú. Mùa cá đẻ, ngoài đồng cá nhiều vô kể.
Cá vật đẻ náo loạn khắp cánh đồng như hội té nước. Vào dịp ấy ánh đèn soi cá lập lòe khắp nơi.
Một lần hai anh em Cò Bé đang soi cá ở khu bờ Kè thì nghe tiếng cá quẫy ẫm ĩ ở khu ruộng Trăm mẫu. Giơ đèn lên, Có bé thấy nước bắn tung tóe, trắng xóa. Rõ ra là một đàn cá lớn.
Hai anh em lặng lẽ bám theo đàn cá. Cứ như thể đàn cá phát hiện ra có người, nên mỗi khi anh em Cò Bé sắp đến gần, lũ cá lại quẫy đạp, vùng vẫy kéo nhau bơi ra xa hơn. Xa hơn một chút. Cứ thế người vờn cá, cá vờn người. Mãi mà anh em Cò Bé không sao tới thật gần được đàn cá.
Đàn cá lúc nào cũng làm nước bắn tung tóe ngay trước mặt nhưng Cò Bé chưa tận mắt nhìn thấy một con cá nào. Chỉ thấy thấp thoáng trong ánh đèn, bóng cá hồng, cá đen ẩn hiện trong làn nước xao động. Hai anh em kiên trì bám theo đàn cá, cứ lội ruộng đi mãi trong đêm đen khuya khoắt.
Khi tiếng cá quẫy thốt nhiên im bặt Cò Bé giơ đèn lên cao thì nhận ra chân đê biển. Ngay trước mặt hai anh em là nghĩa địa mấy chục ngôi mộ hoang của những người chết trôi dạt vào bờ biển từ trước đây rất lâu.
Kè
Cả làng không ai biết Kè có từ bao giờ. Đó là một đầm nước sâu hun hút vắt ngang cánh đồng. Nước quanh năm xanh thăm thẳm, không bao giờ cạn.
Nghe nói Kè vốn là một trong hai cửa sông Trà đổ ra biển. Quan Dinh điền Trứ đưa dân đến quai đê lấn biển, chỉ để lại một cửa biển, chặn cửa biển kia lại, biến nó thành cái đầm lớn gọi là Kè.
Ngày xưa, những xác chết trôi từ thượng nguồn sông Hồng về cửa biển này đều tụ tập nổi lềnh bềnh ở Kè. Hàng trăm năm, qua có hàng ngàn xác chết trôi nổi thối rữa ở Kè. Thịt da thì chim ăn cá rỉa, còn xương cốt thì chìm xuống chồng chất dưới đáy Kè.
Nước Kè lúc nào cũng trong lạ lùng như mắt ma, lạnh lẽo rợn người. Có rất nhiều người lớn và trẻ con chết đuối ở Kè. Kè là nơi ma nhiều khủng khiếp. Chuyện ma ở Kè nhiều không sao kể xiết.
Kè là nơi duy nhất ở đồng làng, nước trong xanh. Những cây rong biển tươi tắn, xanh ngắt, mềm dẻo, uốn lượn theo làn nước. Những bầy tép tu mập ú, xanh biếc, nhào lộn vũ điệu thủy thần. Những bầy cá hói vàng đốm đen diêm dúa lộng lẫy bơi lượn. Những bầy cá chày mắt đỏ ba hoa nhảy múa tung tăng. Những con cá măng xanh cốm dài thượt lao vun vút như tên bắn. Những con cá sộp hung dữ đen đúa mốc meo dài ngoẵng lập lờ lẩn khuất như những bóng ma.
Những trưa hè đổ lửa, lũ trẻ trai gái cả làng kéo nhau ra Kè tắm. Nước Kè trong suốt mát lạnh. Chúng tha hồ hò hét bơi lặn, nhào lộn, vui vẻ đến tận chiều.
Buổi tối, đôi khi anh Cò To và Cò Bé ra Kè thả lưới. Hai anh em có một đoạn lưới thưa chừng mươi mét. Khi chọn được nơi thả lưới, anh Cò To giữ một đầu lưới ở mép bờ để cắm cọc thật chắc. Cò Bé bơi ra xa lòng Kè để cắm cọc đầu lưới kia.
Lúc đó, những con cá ăn đêm thấy động, quây đến. Những con cá to dài lừng lững, trắng nhễ nhại, yểu điệu bơi lượn quanh Cò Bé như một bầy hài nhi. Chúng đụng chạm chà sát vào người Cò Bé như thể vô vàn bàn tay mềm nhũn, trơn nhẫy, vuốt ve khắp thân thể.
Bất giác, Cò Bé rùng mình. Nó vội vã lặn sâu cắm cọc xuống đáy Kè và rồi ngoi lên, hốt hoảng lao vào bờ thở, không ra hơi./.