Aa

Cá lạ, cá nghéo và con vích

Thứ Tư, 28/07/2021 - 07:00

Bố nói, loài cá này ác lắm. Ngay trong bụng mẹ, đã ăn thịt nhau rồi. Mẹ chửa một đàn con nhưng chúng ăn thịt lẫn nhau đến lúc đẻ chỉ còn lại một hai con. Cái loài chưa ra đời đã ác...

            Cá lạ

Bà Bờn đi chợ buổi sớm lúc trời còn tinh sương. Khi đi tắt qua bãi tha ma, bà thấy ở chân mộ hoang gần mép nước có một con cá quả lớn nằm lăn lóc. Thấy động con cá nghển cổ nhìn và vươn mình nhảy xuống đầm.

Bà Bờn nhanh tay cầm cái thúng úp chặt lấy đầu con cá. Cá quả vùng vẫy mãi rồi cũng phải nằm im. Tưởng nó mệt bà ấn thân nó xuống để bắt nhưng con cá dữ quá đớp bà mấy cái chảy cả máu tay. Bắt được con cá to bà vòng về nhà nhốt vào chum nước rồi mới lại đi chợ.

Thấy con cá lạ, nhiều người tò mò đến xem. Có người nói con cá quả này đang nuôi con nhỏ nhảy lên bờ giả chết cho kiến bám vào rồi nhảy xuống nước cho con ăn kiến. Có người nói đây không phải cá quả, cá này lạ lắm chưa ai thấy bao giờ. Có người nói đó là một con rắn hổ trâu già. Có người nói đó là con cá quả già hóa tinh. Có người nói đó là hồn ma mộ hoang giả dạng cá trêu ngươi… Rồi người ta khuyên bà Bờn nên thả con cá về đầm bãi tha ma…

Mặc mọi người bàn tán, bà Bờn vẫn xẻ thịt con cá nấu canh chua và kho riềng tẩm bổ vì bà đang có chửa. Sau này, bà sinh ra cái Bơn, cao lêu nghêu, cổ dài ngoẵng, đầu nhọn hót, mắt lồi tròn vo, hình dung từa tựa con cá lạ bà chén thịt. Ai cũng thấy thế, nhưng ngại chẳng ai nói ra.

           Cá nghéo

Đêm qua, bố đi đánh lưới găm bắt được một con cá nghéo lớn, phải gần hai chục cân. Bố kể, mắc lưới nó vẫy vùng xé lưới, may mình đến kịp. Nó dữ như chó điên đã mắc lưới rồi vẫn hung hăng đớp người. Bạn chài phải giúp bố mãi mới đưa được nó vào bờ.

Về đến nhà, nó đã chết nằm kềnh càng dưới sân. Da lưng ram rám sần sùi sỏi sạn. Đầu nhọn mắt đỏ ti hí răng trắng ởn tua tủa sắc lẻm như lưỡi cưa. Chết rồi mà trông vẫn rất ngổ ngáo dữ tợn.

Mẹ nấu nồi nước sôi có lá ổi để “làm lông”. Khi đổ nước sôi dọc thân cá, một mùi hôi gây khiếp đảm xộc lên không sao chịu được. Ai cũng phải chạy ra xa bịt mũi.

Cá nghèo hay còn gọi là cá nhám voi (Ảnh sưu tầm)

Khi mổ bụng cá, lộ ra một cái bao dày đựng con khá lớn. Rạch cái bao thấy có ba con cá nghéo con bằng bắp tay. Nhưng một con đã bị ăn dở mất nửa thân sau. Bố nói loài cá này ác lắm. Ngay trong bụng mẹ, anh em đã ăn thịt nhau rồi. Mẹ chửa một đàn con nhưng chúng ăn thịt lẫn nhau đến lúc đẻ chỉ còn lại một hai con. Cái loài chưa ra đời đã ác.

Bố nói, ngoài biển đôi khi gặp đàn cá nghéo to. Chúng bao vây tấn công người, bạn chài phải tập trung lại dùng sào để đánh đuổi.

Bố cắt cá nghéo thành từng khoanh. Đầu đuôi bố nấu một nồi canh chua to. Thịt bố tẩm ướp riềng tỏi sả nước mắm rồi mang nướng than hoa. Nướng xong bố xếp thịt riêng thành từng phần mang đi biếu.

Cá nghéo ác và hung dữ thế nhưng thân toàn xương sụn ăn rất mềm và giòn. Thịt nướng than hoa thơm ngào ngạt ngon hơn thịt gà.

           Con vích

Thuyền của ông Cậc khi kéo lưới ngoài khơi bắt được một con vích nặng vài tạ. Có người khuyên nên thả ra vì nó là giống rùa thiêng. Chưa ai ăn thịt vích bao giờ. Ông không nghe, cứ buộc dây kéo vào bờ.

Nghe tin ông Cậc bắt được con vích lớn chưa từng thấy, cả làng kéo nhau ra bến cá xem. Hàng trăm người đi lại bàn tán rất ầm ĩ. Người thì hô hào xẻ thịt cho mỗi nhà một miếng ăn xem thịt vích thế nào. Người thì kiên quyết phản đối vì vích là thần biển phù hộ dân chài bao đời nay không ai giết nó.

Các cụ già bảo, truyền đời vích là thần hộ mệnh cho dân chài, giết nó thì phải tội đấy.

Con vích (Ảnh sưu tầm)

Lúc đầu, ông Cậc khăng khăng xẻ thịt vích, sau nghe bàn ra tán vào ông cũng nao núng. Có người khuyên nên vào đền xin Ngài chỉ bảo. Ông Cậc cùng mấy cụ già vào đền thờ Nam Hải Đại Vương làm lễ. Ông từ sau khi thỉnh chuông khấn khứa cầu triều suýt xoa gieo liền ba quẻ đều cười (hai đồng xu đều ngửa). Mặt các cụ già đều nở ra và rằng: Truyền đời rồi Ngài dạy thế.

Nghe lời dạy của thánh, đám đông khiếp sợ tan dần. Chưa có người nào dám trái lời thánh. Con vích được khiêng xuống nước để nằm chờ đến đêm khi thuyền ra khơi sẽ kéo vích theo và thả ra đại dương. Ông Cậc Nghê còn mang theo vàng hương để tống tiễn vích về biển.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top