Aa

Cà Mau: Những đô thị vươn mình ra biển - Bài 3: Ngọc Hiển quy hoạch đô thị xanh để phát triển du lịch sinh thái

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Năm, 28/11/2024 - 16:26

Ngọc Hiển là huyện cực Nam của Tổ quốc thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, được định hướng là huyện phát triển dịch vụ du lịch sinh thái trong môi trường rừng ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và khai thác lâm sản thông qua đất rừng trồng, phát triển năng lượng tái tạo.

Huyện Ngọc Hiển được tái lập vào ngày 01/01/2004, là huyện cuối cùng trên bản đồ của đất nước với Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía Nam. Khu vực Mũi Cà Mau cũng là điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 1 nối dài) đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Địa bàn huyện Ngọc Hiển là một bán đảo, phía Bắc tiếp giáp với huyện Năm Căn, còn lại 3 mặt tiếp giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 98km. Với những lợi thế đó, tại Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua, huyện Ngọc Hiển được xác định thuộc vùng kinh tế biển và ven biển của tỉnh Cà Mau, vùng trọng điểm về kinh tế thủy sản. Đây cũng là huyện phát triển dịch vụ du lịch sinh thái trong môi trường rừng ngập mặn thuộc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và khai thác lâm sản thông qua đất rừng trồng; phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, Tỉnh ủy Cà Mau đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Quy hoạch tỉnh nhằm làm cơ sở triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, quy hoạch phân khu, chi tiết các khu chức năng trong khu du lịch, đảm bảo đến năm 2030 đủ điều kiện công nhận Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.

Đầu tư hạ tầng là then chốt để phát triển du lịch sinh thái Đất Mũi

Theo quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Hiển đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 được UBND tỉnh Cà Mau ban hành, huyện Ngọc Hiển có diện tích 734,62km2; dân số 68.239 người; mật độ 93,0 người/km2.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch vùng huyện Ngọc Hiển là địa giới hành chính huyện bao gồm: Thị trấn Rạch Gốc và 06 xã: Đất Mũi, Tam Giang Tây, Tân Ân, Tân Ân Tây, Viên An, Viên An Đông.

Cà Mau: Những đô thị vươn mình ra biển - Bài 3: Ngọc Hiển quy hoạch đô thị xanh để phát triển du lịch sinh thái- Ảnh 1.

Vùng huyện Ngọc Hiển có vị trí địa lý quan trọng trong tiểu vùng kinh tế biển Đông, là huyện có vị trí đặc biệt tiếp giáp với biển Đông và biển Tây tạo thành tuyến giao thông quốc tế bằng đường biển của tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hữu Lễ)

Vùng huyện Ngọc Hiển có vị trí địa lý quan trọng trong tiểu vùng kinh tế biển Đông, là huyện có vị trí đặc biệt tiếp giáp với biển Đông và biển Tây tạo thành tuyến giao thông quốc tế bằng đường biển của tỉnh Cà Mau. Vị trí này cũng có ý nghĩa lớn về quốc phòng an ninh, là nơi kết nối đường Hồ Chí Minh và đường bộ ven biển tạo thành mạng lưới giao thông kết nối toàn vùng.

Bên cạnh đó, cụm đảo Hòn Khoai được đánh giá là tiềm năng để xây dựng cảng trung chuyển thuộc nhóm cảng biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng; xác định đầu tư cảng biển Hòn Khoai theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. 

Huyện Ngọc Hiển cũng là một trong những khu vực có tiềm năng sản xuất năng lượng điện gió của tỉnh, khu vực bảo tồn sinh quyển của thế giới, hướng tới khai thác hiệu quả về tài nguyên đất đai, tiềm năng du lịch sinh thái và nguồn nhân lực.

Mô hình phát triển vùng theo từng cụm trung tâm đô thị - dịch vụ - công nghiệp gồm: Thị trấn Rạch Gốc, các đô thị mới như: Đất Mũi, Viên An, Tân Ân và kết nối với các tuyến hành lang kinh tế dọc theo đường Hồ Chí Minh, đường bộ ven biển, đường cao tốc. Các cụm đô thị, dịch vụ và công nghiệp được gắn kết với nhau đóng vai trò là trung tâm và động lực chính cho sự phát triển của các tiểu vùng. Theo đặc điểm sản xuất, vùng huyện Ngọc Hiển hình thành 02 tiểu vùng, liên kết với nhau bằng các trục hành lang kinh tế. Cấu trúc không gian vùng theo khung giao thông gồm: Trục hành lang kinh tế cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện.

Cà Mau: Những đô thị vươn mình ra biển - Bài 3: Ngọc Hiển quy hoạch đô thị xanh để phát triển du lịch sinh thái- Ảnh 2.

Hiện nay, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội được xác định vẫn là trở lực lớn của huyện Ngọc Hiển. (Ảnh: Hữu Lễ)

Tuy nhiên hiện nay, việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vẫn được xác định là trở lực lớn của huyện Ngọc Hiển. Vì thế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Cà Mau cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch, phát triển đồng bộ các hạ tầng cơ sở, tạo động lực cho ngành du lịch Đất Mũi bứt phá trong tương lai.

Tạo sự khác biệt để đô thị Ngọc Hiển vươn mình

Mới đây, ngày 7/8/2024, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND kèm theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35%; đến năm 2030 đạt trên 36%. Giai đoạn đến 2025, toàn tỉnh có 26 đô thị với 1 đô thị loại I là TP. Cà Mau. Trong đó, các đô thị: Cái Nước, Đầm Dơi, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), Cái Đôi Vàm và Trần Văn Thời đến năm 2025 đầu tư cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến thành lập Thị trấn Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) đạt đô thị loại V.

Cà Mau: Những đô thị vươn mình ra biển - Bài 3: Ngọc Hiển quy hoạch đô thị xanh để phát triển du lịch sinh thái- Ảnh 3.

Cột cờ tại Mũi Cà Mau được mô phỏng theo kiến trúc cột cờ Hà Nội.

Trước đó, HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với nhiều nội dung quan trọng.

Nội dung nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đảm bảo bám sát Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Ngọc Hiển, huyện Năm Căn; các quy hoạch khác có liên quan được phê duyệt trên địa bàn tỉnh và đảm bảo đúng quy định của văn bản pháp luật hiện hành.

Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển khoảng 2.100ha, đây là khu vực vùng lõi, trung tâm hạt nhân của Khu du lịch Quốc gia với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn. Các khu chức năng chính gồm: Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái rừng biển, Khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, Khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và Khu du lịch tổng hợp Khai Long.

Cà Mau: Những đô thị vươn mình ra biển - Bài 3: Ngọc Hiển quy hoạch đô thị xanh để phát triển du lịch sinh thái- Ảnh 4.

Cà Mau hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch gắn với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương. (Ảnh: Báo Cà Mau)

Điểm nhấn trong không gian Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau là mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, Km2436; bờ kè chắn sóng; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi.

Đặc biệt, cột cờ Hà Nội tọa lạc tại Mũi Cà Mau là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất hình chữ "S" hướng ra biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc; Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ, được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau...

Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển du lịch của tỉnh theo 03 không gian gồm: Không gian du lịch phía Bắc (gồm thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình và huyện U Minh); không gian du lịch theo trục Đông - Tây (gồm huyện Trần Văn Thời, huyện Cái Nước và huyện Đầm Dơi); không gian du lịch phía Nam (gồm huyện Phú Tân, huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển).

Trong đó, Cà Mau xác định điểm nhấn là tạo sự khác biệt trong lợi thế thiên nhiên ưu đãi; đồng thời chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với phát triển các loại hình du lịch khác như: du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng... Cùng với đó, tỉnh đầu tư các tour, tuyến du lịch kết nối giữa Mũi Cà Mau - Sông Đốc - Hòn Đá Bạc và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế và tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia, Rạch Giá - Cà Mau); xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau gắn với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top