Thị trường chứng khoán Việt Nam có tháng tăng điểm thứ 3 liên tiếp, tuy nhiên, khác với 2 tháng trước đó, mức tăng điểm của các chỉ số trong tháng 10 khiêm tốn hơn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 10, VN-Index đứng ở mức 925,47 điểm, tương ứng tăng 20,26 điểm (2,2%) so với tháng 9, HNX-Index tăng 2,41 điểm (1,8%) lên 135,34 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 1,12 điểm (1,8%) lên 62,85 điểm.
Thị trường dù đi lên trong tháng 10 nhưng đã có những dấu hiệu điều chỉnh khi ở tuần cuối tháng, VN-Index nhiều phiên rơi vào trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, các chỉ số chỉ tăng điểm nhờ một vài cổ phiếu trụ cột thay phiên nhau nâng đỡ, trong khi phần lớn các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đều có sự đi xuống hoặc phân hóa mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản trong tháng 10 phân hóa tương đối mạnh, trong số 112 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường thì có 42 mã tăng giá ở tháng 10, số mã giảm giá là 59. Đáng kể nhất của nhóm bất động sản là trường hợp của Vingroup (VIC), cổ phiếu này tăng đến 16,4% từ 91.500 đồng/cp lên 106.500 đồng/cp chỉ sau 1 tháng giao dịch. Với việc là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, VIC chính là một trong những trụ đỡ mạnh nhất của VN-Index và góp công lớn trong việc giúp chỉ số này đi lên ở tháng 10.
Theo BCTC hợp nhất quý III/2020, doanh thu thuần của VIC đạt 35.914 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.609 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 102%.
Trong khi đó, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất của nhóm bất động sản ở tháng 10 là VRG của CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam với gần 44% từ 18.223 đồng/cp lên 26.213 đồng/cp. Động lực được cho là giúp VRG tăng “sốc” thời gian qua đó là việc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị thành viên quyết định bán hết phần vốn tại VRG. Giá khởi điểm chào bán được lấy theo chứng thư thẩm định giá. Trường hợp mức giá khởi điểm chào bán do Tập đoàn lựa chọn thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thì giá khởi điểm thực hiện chuyển nhượng vốn là mức giá tham chiếu bình quân này. Thời gian thực hiện trong năm 2020.
Kết quả kinh doanh của VRG không thực sự nổi bật khi công ty này báo lãi sau thuế 3,5 tỷ đồng quý III, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế tăng 28,3% lên 11,2 tỷ đồng.
Một cổ phiếu khác cũng gây được sự chú ý là DIG của DIC Corp với mức tăng 23% trong tháng 10. Mới đây, CTCP Taekwang Vina Industrial báo cáo đã bán ra toàn bộ 28.192.894 cổ phiếu tương ứng 9,19% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty và không còn là cổ đông lớn. Giao dịch thực hiện ngày 20/10/2020. Kết quả kinh doanh của DIG trong quý III là khác tích cực. Theo đó, doanh thu thuần quý III tăng trưởng 62% so với cùng kỳ, đạt 966 tỷ đồng. Công ty lãi sau thuế 75,9 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 131,2 tỷ đồng, tăng trưởng 40,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Thăng Long là cái tên giảm mạnh nhất trong nhóm bất động sản với 46,4%. Như vậy, sau khi lập đỉnh 1 năm vào ngày 25/9 là 17.500 đồng/cp, cổ phiếu TLD đã liên tục điều chỉnh theo mô hình “lên thế nào thì xuống như vậy”.
Các cái tên giảm sâu trong nhóm bất động sản còn lại đa phần thuộc diện thanh khoản yếu hoặc có thị giá rất thấp (nhiều mã thị giá dưới 1.000 đồng/cp).
Một cái tên đáng chú ý khác là VCR của Vinaconex - ITC với mức giảm 16,6%. VCR trong tháng 10 đã công bố triển khai phương án phát hành 144 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược, tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng, gấp 5 lần mức hiện tại. Giá chào bán chỉ là 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền huy động đường để bổ dung vào dự án Khu đô thị Cái Giá (Cát Bà, TP. Hải Phòng).
Theo kết quả kinh doanh quý III/2020, VCR tiếp tục không phát sinh doanh thu và công ty lỗ 2,6 tỷ đồng trong, nâng tổng lỗ 9 tháng đầu năm lên 7,68 tỷ đồng (gấp đôi so với số lỗ hơn 3,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2019).