Aa

Sắc đỏ tiếp tục bao trùm nhóm cổ phiếu BĐS, VIC vẫn duy trì được sự tích cực

Thứ Tư, 28/10/2020 - 06:10

Thị trường chứng khoán phiên 27/10 tiếp tục gặp khó khăn khi hàng loạt cổ phiếu trụ cột lao dốc. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng biến động tiêu cực ngoại trừ một số mã như VIC, PFR hay TNT.

Thị trường chứng khoán phiên 27/10 có sự hồi phục nhất định ở đầu phiên giao dịch, tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục bị đẩy lên mức cao và khiến các chỉ số rung lắc mạnh đặc biệt là vào cuối phiên. Thị trường có những đợt tăng, giảm đan xen do một số cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh trong bối cảnh hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác lao dốc.

Tương tự như ở phiên trước, áp lực về cuối phiên là rất lớn, các cổ phiếu như VHM, VRE, VNM, STB, MBB, BID, GVR… đồng loạt giảm giá và tạo nhiều trở lại cho các chỉ số thị trường, trong đó, STB giảm đến 5,7% xuống 13.300 đồng/cp và khớp lệnh 37 triệu đơn vị, riêng trong phiên ATC, cổ phiếu này khớp lệnh đến 5,4 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, VNM giảm 0,8% xuống 109.600 đồng/cp, MBB giảm 2,7% xuống 17.900 đồng/cp, VCG giảm 1,7% xuống 41.100 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá ở phiên 27/10, trong đó, HPG là cái tên có mức tăng mạnh nhất với 1,9% lên 31.400 đồng/cp. Bên cạnh đó, VIC tiếp tục tăng 0,6% lên 105.700 đồng/cp. VIC cũng là nhân tố chính giúp kìm hãm đáng kể đà giảm của chỉ số chính VN-Index. Bên cạnh VIC, một cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác là NVL cũng tăng 0,2% lên 62.100 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Còn tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ bao trùm lên và không có quá nhiều sắc xanh. PVL và OCH đều bị kéo xuống mức giá sàn. Các mã thanh khoản cao như KBC, TDH, SCR, LDG, FLC, FIT, CRE… cũng đồng loạt lao dốc. KBC giảm 3,8% xuống 13.850 đồng/cp và khớp lệnh 1,9 triệu đơn vị, DRH giảm 3,7% xuống 6.710 đồng/cp, TDH giảm 3,7% xuống 7.300 đồng/cp và khớp lệnh 1,3 triệu đơn vị.

Trong danh sách các mã bất động sản tăng giá ở phiên 27/10, PDR và TNT gây sự chú ý khi được kéo lên mức giá trần. Mới đây, PDR đã thông báo ngày 9/11 sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để tiến hành phát hành hơn 25,9 triệu cổ phiếu để tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2020 với tỷ lệ 7%.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/10, VN-Index giảm 4,33 điểm (-0,46%) xuống 946,47 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 319 mã giảm và 61 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,9 điểm (-1,37%) xuống 137,13 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 103 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,27%) xuống 63,4 điểm.

10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết xấp xỉ so với phiên trước đó và xấp xỉ mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 9.523 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 512 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.212 tỷ đồng. FLC và ITA vẫn là 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 khớp lệnh mạnh nhất thị trường đều với hơn 16 triệu đơn vị.

Khối ngoại bán ròng trên sàn HoSE và HNX trong khi mua ròng trở lại ở UPCoM. Tính tổng cộng, khối ngoại bán ròng hơn 172 tỷ đồng trên toàn thị trường. Các mã bất động sản bị bán ròng mạnh có VIC và VRE, trong khi đó, VHM và DPR nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại với lần lượt 8,1 tỷ đồng và 6,1 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index giảm phiên thứ hai liên tiếp với mức giảm không lớn và thanh khoản xấp xỉ mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. 

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trong vùng 940 - 950 điểm, đây cũng là vùng giá mà thị trường đã tích lũy trước đó trước khi bứt khỏi nên trong điều hiện tại, có thể coi đây là vùng hỗ trợ gần nhất của chỉ số. Khối ngoại tuy vẫn bán ròng trên hai sàn nhưng với giá trị ít hơn với khoảng hơn 170 tỷ đồng, động thái giảm bán ròng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn trong các phiên tới. 

Và trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 vẫn duy trì mức basis dương 4,54 điểm cho với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh kỳ vọng thị trường cơ sở sẽ sớm hồi phục trở lại.

SHS dự báo VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc trong khoảng 940 - 950 điểm (vùng tích lũy trước đó của thị trường). Những nhà đầu tư đã chốt lời các vị thế ngắn hạn quanh ngưỡng 950 điểm vào tuần trước nên đứng ngoài và quan sát thị trường, có thể cân nhắc mua vào nếu VN-Index có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 935 điểm (MA20).

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng quanh 940±3 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Nếu xuyên thủng vùng hỗ trợ này, chỉ số sẽ đối mặt với rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh trong ngắn hạn. Thông tin kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lộ diễn và BVSC nhận thấy những thông tin tích cực về lợi nhuận của các doanh nghiệp không tác động thật sự đáng kể đến diễn biến giá cổ phiếu trên sàn do các thông tin này đã phần nào được phản ánh vào giá trước đó. Thậm chí, hiệu ứng chốt lời sau khi các thông tin được công bố đã xảy ra khiến giá cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Ngoài ra, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VNDiamond sẽ khiến cho diễn biến ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sôi động hơn trong những phiên cuối tuần.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top