Aa

Các nước thu thuế, phí để giảm tắc đường như thế nào?

Thứ Sáu, 30/11/2018 - 23:30

Trong khi Hà Nội đang loay hoay xây dựng đề án thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã áp dụng cách làm tương tự và gặt hái nhiều kết quả tốt.

Ùn tắc giao thông không phải là vấn đề đô thị mới đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Nó có thể gây thiệt hại hàng tỷ đô la cho nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân. Chính bởi vậy, nhiều chính phủ đã phải ban hành những luật thuế, phí mới để giải quyết phần nào vấn đề này.

Singapore tăng thuế đối với xe cơ giới, áp phí đường điện tử

Ùn tắc giao thông làm giảm cơ hội để phát triển đất nước thịnh vượng và giàu có. Singapore đã xác định sớm điều này nên đã có những chính sách nhằm giảm bớt lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường.

Nếu như tháng 3/2011, việc sở hữu một chiếc Honda Jazz tại Singapore có thể chỉ tiêu tốn khoảng 3,864 đô la Singapore thì hiện nay, để sở hữu giấy chứng nhận quyền sở hữu (COE) cho một chiếc xe mới, người mua xe có thể mất tới trên 70.000 đô la Singapore.

Sau khi bạn trả lệ phí đăng ký bổ sung, bạn có thể sẽ phải tốn thêm cả đống chi phí vì những bộ phận của xe bị đánh thuế tới 180%. Do đó, để sở hữu hoàn toàn chiếc xe, bạn có thể phải trả gấp 2-3 lần so với giá gốc.

Bằng cách tăng giá xe, hệ thống COE sẽ hạn chế số lượng người muốn hoặc có thể mua xe. Mỗi tháng 2 lần, Cơ quan Giao thông vận tải Singapore tiến hành một quy trình đấu giá cho các COE có sẵn. Số lượng COE được xác định bởi hệ thống hạn ngạch.

Bên cạnh đó, hệ thống Định giá Đường điện tử (ERP) cũng được vận hành để giảm bớt tình trạng tắc đường ở đảo quốc sư tử. ERP hoạt động trên nguyên tắc bạn lái xe thì phải phí đường. Theo đó, người lái xe sẽ bị tính phí khi họ lưu thông trên đường, đặc biệt phí này sẽ tăng trong khung giờ cao điểm.

Tùy vào khu vực và khung giờ, phí sẽ được tính khác nhau, phù hợp với điều kiện giao thông ở từng địa phương. Điều này khuyến khích người lái xe thay đổi phương thức vận tải, tuyến đường du lịch hoặc thời gian đi lại của họ.

Mô hình ERP của Singapore rất đáng để Hà Nội học tập khi xây dựng đề án thu phí nội đô.

Mô hình ERP của Singapore rất đáng để Hà Nội học tập khi xây dựng đề án thu phí nội đô.

Việc tăng giá đường điện tử không chỉ giúp giảm thiểu lưu lượng giao thông trên đường trong khu vực trung tâm và khu vực Orchard cũng như trên đường cao tốc chính mà còn giúp tối ưu hóa việc sử dụng mạng lưới đường bộ bằng cách khuyến khích người lái xe cân nhắc lựa chọn các hình thức, phương tiện di chuyển khác.

Không những thế, tăng giá đường điện tử cũng cung cấp một mức giá hợp lý cho người lái xe. Các khoản phí được tính dựa trên mức sử dụng các tuyến đường của lái xe - những người di chuyển trên đường lâu hơn hay trên các tuyến đường đông đúc sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Trong khi đó, những người sử dụng những con đường ít thường xuyên hơn hoặc những người đi du lịch không trong giờ cao điểm sẽ trả ít hơn hoặc không cần phải trả tiền.

Với hệ thống ERP, sẽ không có thêm giấy phép hàng tháng hay hàng ngày. Người lái xe không cần phải mua vé riêng để có thể lái xe qua các khu vực trung tâm thường xuyên tắc nghẽn, mà sẽ trả tiền tự động qua thẻ.

Phí “tắc nghẽn giao thông” ở London, Anh quốc

Đã 15 năm kể từ khi phí “tắc nghẽn giao thông” được khởi xướng và áp dụng tại London bởi thị trưởng đầu tiên của thành phố, Ken Livingstone. Livingstone hy vọng phí sẽ làm giảm tắc nghẽn, cải thiện triệt để các dịch vụ xe buýt, làm cho thời gian, hành trình trở nên phù hợp hơn với người lái xe và tăng hiệu quả cho những người phân phối hàng hóa và dịch vụ trên toàn thành phố.

Mô hình này được đánh giá là thành công bởi chỉ sau 3 năm, Sở vận tải London đánh giá, biện pháp đã góp phần giảm lưu lượng giao thông xuống 15% và tình trạng tắc nghẽn xuống 30%. Điều này vẫn tiếp tục được duy trì đến ngày hôm nay. Lưu lượng giao thông trong khu vực thu phí hiện nay chỉ bằng gần một phần tư so với một thập kỷ trước, tạo không gian và các con đường ở trung tâm London dành cho người đi xe đạp và người đi bộ.

London đã áp dụng hình thức thu phí chống ùn tắc 15 năm và đạt nhiều thành công.

London đã áp dụng hình thức thu phí chống ùn tắc 15 năm và đạt nhiều thành công.

Khoản phí này được tính toán một cách đơn giản. Nếu bạn lái xe vào khu vực trung tâm thành phố từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều vào các ngày trong tuần, bạn phải trả một khoản phí bổ sung trực tiếp. Khoản phí này đã tăng dần từ 5 bảng năm 2003 lên 11,5 bảng ở thời điểm hiện tại. Cư dân trong khu vực được giảm giá 90%, còn người khuyết tật có thể đăng ký để được miễn phí. Các dịch vụ công như xe buýt, xe cứu thương, xe chữa cháy, taxi… cũng đều được miễn phí.

Phí tắc nghẽn của London được cho là thành công bởi 2 lý do chính: Thứ nhất là kế hoạch đề ra có một tiền đề rõ ràng và thuyết phục; Thứ hai, nhờ nỗ lực cải thiện tất cả các hình thức vận tải trong thành phố.

Tiền thu được từ nguồn phí này được dùng để tái đầu tư vào việc cải thiện các dịch vụ vận tải giao thông công cộng.

Để việc thu phí không gây rối loạn tình trạng giao thông, vào ngày phí được áp dụng, toàn hệ thống xe buýt ở trung tâm London được bổ sung thêm 300 chiếc xe, phục vụ hết công suất cho những người chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Một năm sau, ông thị trưởng Livingstone thông báo đã có thêm 29.000 người di chuyển vào khu vực thu phí bằng xe buýt trong giờ cao điểm buổi sáng, so với 1 năm trước đó. Từ năm 2002 đến 2014, số lượng xe ô tô tư nhân vào khu vực này giảm 39%.

Tăng phí đỗ xe

Tháng 9/2018, thủ đô Apia (quốc đảo Samoa) áp dụng hình thức tăng phí đậu xe nhằm giảm bớt tình trạng tắc đường. Theo đó, phí áp dụng là 1 đô la cho 15 phút đỗ xe. Giám đốc điều hành của Cơ quan Giao thông Vận tải Đất đai Samoa, ông Galumalemana Ta'atialeoitiiti Agnes Tutuvanu-Schwalger cho biết các khoản phí sẽ không được hoàn lại dù lái xe có quay trở lại lấy xe sớm hơn thời gian đã thông báo.

Chính quyền thành phố Apia thu phí đỗ xe rất cao.

Chính quyền thành phố Apia thu phí đỗ xe rất cao.

“Số tiền thu được từ các bãi đỗ xe sẽ được dùng để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường xá”, ông Galumalema nói. Theo vị này, "có rất nhiều công trình cần xây dựng trên các tuyến đường nhưng nguồn tài trợ quá ít ỏi, do đó việc thu phí này sẽ vừa hạn chế tình trạng ùn tắc, vừa có thể hỗ trợ phát triển đường xá".

Hai đơn vị có trách nhiệm giám sát hoạt động này ở Apia là Phòng Giao thông và Phòng Cảnh sát địa phương. Quản lý Phòng Giao thông, Muagututia Mark Tominiko, cho biết: Lái xe đỗ xe quá thời hạn cho phép sẽ bị phạt 50 đô la trong nửa giờ đầu tiên và xe của họ sẽ bị kéo đến Vaitele, trụ sở của cơ quan này. Sau đó, nếu muốn nhận lại xe, chủ xe sẽ phải đóng phí còn thiếu. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top