Giao thông quá tải - lí do dẫn đến việc hình thành đề án
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, giải pháp trên nhằm thực hiện Đề án số 04 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua vào tháng 7/2017, nhằm giảm mật độ giao thông tại một số khu vực, qua đó giảm ùn tắc và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Vũ Văn Viện, giám đốc Sở GTVT Hà Nội, TP sẽ không thu phí đối với xe máy vào nội đô bởi TP có kế hoạch hạn chế xe máy ở một số khu vực và đến năm 2030 sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào. Dự kiến Hà Nội chỉ thu phí đối với ô tô vào nội đô, căn cứ vào mức độ khí thải gây ô nhiễm và phạm vi thu phí ở khu vực nào. Việc thu phí sẽ phân vùng, tổ chức giao thông, kết nối giao thông phục vụ thu phí đảm bảo sự đi lại cho nhân dân bình thường. |
Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có khoảng 5,5 triệu xe máy, hơn 600 nghìn ô tô, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác thường xuyên tham gia giao thông. Số lượng này sẽ còn tăng cao hơn, trung bình ước tính xe máy tăng 7,6%/năm, ô tô tăng 16,5%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường là 0,25%/năm, khiến hạ tầng giao thông ngày càng bị quá tải.
Cứ đà tăng trưởng này, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 6 triệu xe máy, hơn 800 nghìn ô tô. Đến năm 2030, số lượng ô tô là khoảng 2 triệu xe, xe máy là khoảng 7,5 triệu. Chỉ tính đến năm 2020, diện tích chiếm dụng của phương tiện dự kiến gấp 3 lần so với diện tích mặt đường, riêng khu vực trung tâm thành phố sẽ gấp 4,5 lần. Đến năm 2025 và 2030, các tuyến đường trong khu vực nội đô sẽ bị quá tải 7,5 lần và 10,5 lần, nguy cơ bị ùn tắc đến mức không thể di chuyển là điều khó tránh.
Nhu cầu của người dân tham gia giao thông là việc hiển nhiên, tuy nhiên với tỉ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao, tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phổ biến. Bên cạnh đó, hiện ở các đô thị Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng vẫn còn thiếu các giải pháp quản lý giao thông hiện đại, thông minh; đồng thời ý thức của người dân tham gia giao thông cũng chưa cao.
Sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện
Khi thu phí xe vào nội đô, TP. Hà Nội tin rằng “sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu đi vào vùng cần hạn chế”. Người tham gia giao thông có sự cân nhắc lựa chọn chuyến đi, lộ trình và phương tiện di chuyển cho phù hợp. Việc này giúp Sở GTVT có thể quản lý được lưu lượng xe cơ giới, đặc biệt là ô tô ra vào nội đô, đảm bảo trật tự giao thông.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, giao thông Hà Nội ngày càng đông đúc với nhiều phương tiện cá nhân, đặc biệt là ở nội đô, điều này khiến việc ùn tắc giao thông có thể xảy ra thường xuyên. Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng phương pháp tương tự và thành công. Các chuyên gia cho rằng việc TP. Hà Nội có biện pháp cùng mục tiêu riêng để giải quyết vấn đề này là tín hiệu tốt.
Chia sẻ với PV, PGS.TS. Phạm Xuân Mai, nguyên trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông – Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho biết: “Nhiều nước khác đã sử dụng phương án này. Nó sẽ hạn chế bớt phương tiện cá nhân đi vào nội đô. Hiện nay có rất nhiều người không có việc gì quan trọng cũng đi vào nội đô. Khi mà đã thu phí, người tham gia giao thông sẽ cân nhắc nên đi vào đường đó hay không? Vì việc thu phí chỉ xảy ra ở một số khu vực theo dự án và sẽ tránh ùn tắc ở những khu vực đó”.
Một số người dân khi được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với đề án vì cho rằng sẽ giảm được lưu lượng xe lưu thông trên đường phố, hạn chế tắc đường. Là người thường xuyên di chuyển bằng ô tô, anh Duy Cường (32 tuổi, ở Tam Trinh, Hoàng Mai), chia sẻ: “Theo như tôi thấy, ở Việt Nam, hiện số lượng ô tô không bằng nhiều nước lớn trên thế giới, nhưng lại rất ùn tắc. Việc thành phố Hà Nội đang có phương án thu phí nội đô có thể tạo ra hiệu ứng tốt để làm giảm ùn tắc giao thông từ các phương tiện giao thông cá nhân”.
Mặc dù đề án nhận được nhiều ủng hộ từ phía người dân nhưng các chuyên gia cho rằng quá trình hiện thực hóa giải pháp này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc, Tổng Biên Tập NXB Giao thông vận tải, cho rằng: “Điều kiện cần là hạn chế giảm ùn tắc, tai nạn, ô nhiễm thì chúng ta đã có. Nhưng chúng ta lại đang thiếu điều kiện đủ, gồm lộ trình, phương tiện công cộng tốt, phương tiện hạ tầng tốt và kiến trúc đô thị tốt”.
Còn theo PGS.TS. Phạm Xuân Mai, yếu tố cần quan tâm hàng đầu là vấn đề kĩ thuật, công nghệ. Cần phải có một giải pháp công nghệ hợp lý để người dân có thể trả phí mà không làm tắc đường thêm. Bên cạnh đó là mức thu phí. Thu phí dựa trên tiêu chí nào, theo khung giờ ra sao… đều cần phải được công khai, minh bạch và hợp lý.
Có cùng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Xuân Mai về vấn đề xác định mức thu phí, TS. Phan Lê Bình, chuyên gia JICA, giảng viên Đại học Việt - Nhật, phân tích nếu thu quá nhiều sẽ tạo thành gánh nặng cho người dân và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ đại đa số. Còn nếu thu quá ít không đủ sức gây ảnh hưởng đến sự thay đổi hành vi của người dân, cho nên mức thu phí là bao nhiêu là một trong những vấn đề vô cùng khó xác định.
Để hạn chế ùn tắc giao thông ở nội đô, trước khi và song song với việc thu phí, TS. Phan Lê Bình còn nhấn mạnh yếu tố phát triển các phương tiện công cộng. Ông khẳng định việc người dân chuyển từ giao thông cá nhân sang giao thông công cộng là rất quan trọng. Nếu chỉ thu phí đơn thuần mà phương tiện giao thông công cộng của thành phố còn yếu thì người dẫn vẫn sẽ chịu trả phí và sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển và sẽ tiếp tục gây ra ách tắc giao thông.