Aa

Cái chết của cậu bé 15 tuổi và cú “bắt vạ” 400 triệu

Thứ Ba, 05/03/2019 - 06:01

Chúng ta đã có cả một “rừng” luật, đủ để chế tài các hành vi tương tự như vụ tai nạn trên thì không cớ gì lại buộc phải chấp nhận “luật rừng” dù trong hoàn cảnh nào hay ở đâu. Có thể thông cảm với bức xúc tạm thời, đau thương bộc phát, mất mát oan uổng… nhưng tình không thể thay được lý, lệ không nên đứng trên luật.

Cậu bé 15 tuổi chạy xe máy đâm trực diện vào ô tô tử vong ở Sapa (Lào Cai). Ngay lập tức, “tòa án đám đông” bất chấp đúng sai và luật pháp đã tuyên án tài xế ô tô “có tội” và “bắt vạ” 400 triệu đồng, buộc “thi hành án” tại chỗ!

Không thể cầu cứu lực lượng chức năng địa phương có mặt tại chỗ, chẳng còn cách nào thoát khỏi sự cuồng nộ của đám đông quen biết, thân thích với nạn nhân, tài xế đã tạm nộp 200 triệu để yên thân.

Khoan bàn chuyện cậu bé sai hay anh tài xế đúng, chưa tính đến việc lỗi lầm ấy đáng giá bao nhiêu và bất cứ cái chết thương tâm nào cũng khiến chúng ta phải ngậm ngùi. Nhưng bất kì một vụ tai nạn nào cũng đều, phải và nên tuân theo các trình tự, quy định của luật pháp hiện hành. Từ rất lâu suy nghĩ cổ hủ từ các vụ TNGT “xe to luôn có lỗi và phải đền cho xe bé” đã biến mất hoàn toàn trong luật định. Nhưng đâu đó, vẫn còn trên thực tế và vụ ở Sapa này là một dẫn chứng sống động nhưng không nên tồn tại.

Đám đông ấy có thể thương tiếc nạn nhân, giữ nguyên hiện trường và giúp đỡ cơ quan chức năng chứ không thể thay mặt luật pháp để lập ngay một “tòa án đám đông”. Họ càng không thể bất chấp tất cả để “bắt vạ” trắng trợn, lộ liễu như vậy dù nhân danh cái chết của một cậu bé. Còn lực lượng nào có mặt tai đó hay trong bất cứ vụ TNGT nào khác phải đảm bảo cho luật pháp được thực thi.

Hiện trường vụ việc (Nguồn ảnh Báo VOV)

Hiện trường vụ việc (Nguồn ảnh Báo VOV)

Quan điểm của ông Trần Ngọc Sơn, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Lào Cai “cơ quan có thẩm quyền phải xác định rõ ai đúng, ai sai; sau đó sẽ xem xét các vấn đề về bảo hiểm, chế độ chính sách để có hướng giải quyết chứ không thể tùy tiện. Chúng tôi sẽ có văn bản trước hết yêu cầu Công an huyện Sa Pa phải điều tra, làm rõ vụ việc để xử lý rõ ràng, nghiêm túc theo quy định của pháp luật” cần được xem là nhất quán, dù đó là Lào Cai hay ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Gia Lai…

Chúng ta đã có cả một “rừng” luật, đủ để chế tài các hành vi tương tự như vụ tai nạn trên thì không cớ gì lại buộc phải chấp nhận “luật rừng” dù trong hoàn cảnh nào hay ở đâu. Có thể thông cảm với bức xúc tạm thời, đau thương bộc phát, mất mát oan uổng… nhưng tình không thể thay được lý, lệ không nên đứng trên luật.

Không muốn nhắc người đã khuất như chưa đủ tuổi đi xe máy, Hạng A Câu trong lúc điều khiển phương tiện còn di chuyển với tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm thì cớ gì để “tòa án đám đông” trút mọi tội lỗi lên tài xế ô tô? Dù cho biện minh về bất cứ lý do gì thì việc gia đình, người dân địa phương ùn ùn kéo đến đòi lái xe ô tô bồi thường 400 triệu không cho đi, gây ách tắc, cản trở giao thông; cuối cùng phía lái xe ô tô phải đưa ra 200 triệu mới tạm yên phải khẳng định là hành vi trái pháp luật vì không theo quy định nào.

Vụ tai nạn ấy chưa có cơ sở để khẳng định sẽ thành tiền lệ đáng buồn nhưng bằng mọi giá phải buộc mọi thứ trở lại đúng những quy định của pháp luật. Không chỉ vì nỗi oan của tài xế hay cái chết của Hạng A Câu mà là để cho luật pháp được thượng tôn, công bằng được tôn trọng và mọi người được bình đẳng. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top