Aa

Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam cần đột phá, rõ ràng hơn

Thứ Năm, 26/09/2024 - 15:00

Tại nội dung góp ý dự thảo Báo cáo "Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam", gửi Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ mới đây, VCCI đã đề xuất làm rõ hơn một số khuyến nghị.

Một số đề xuất chưa thực sự đột phá, cải cách

Theo dự thảo Báo cáo, hơn 30 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng để đạt được vị trí thu nhập cao vào năm 2045, việc cần nhất là đẩy mạnh cải cách để tăng năng suất. Trong đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được xem là vấn đề quan trọng cần thực hiện liên tục để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang bước vào giai đoạn cố gắng phục hồi như hiện nay.

VCCI nhận xét, Báo cáo đã phản ánh, đánh giá khá toàn diện về Nghị quyết 68/NQ-CP, trong đó nhận diện chính xác những vấn đề còn tồn tại trong bản thân Nghị quyết 68/NQ-CP và việc triển khai thực thi nghị quyết này. Các kiến nghị chính sách khá hợp lý và thuyết phục, sẽ rất hữu ích cho các nhà soạn chính sách khi xây dựng các chính sách dài hơi tiếp theo về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, để hoàn thiện hơn, Báo cáo cần xem xét một số vấn đề. Báo cáo có nhận định về các loại quy định được đơn giản hóa hoặc loại bỏ chủ yếu, trong đó tập trung phần lớn ở thủ tục hành chính, tiếp theo là quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu báo cáo và kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, nhận định này mới chỉ đưa ra con số về loại quy định được đơn giản hóa hoặc bãi bỏ, mà chưa nhận diện sâu hơn về những loại quy định nào được bãi bỏ.

Theo quan sát của VCCI, trong các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến thủ tục hành chính, các đề xuất chủ yếu là: bãi bỏ yêu cầu phải cung cấp các loại giấy tờ trong hồ sơ thực hiện thủ tục mà cơ quan giải quyết thủ tục có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu thông tin của Nhà nước; giảm số lượng hồ sơ; giảm số ngày thực hiện thủ tục; bổ sung thêm phương thức thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử.

"Những đề xuất này sẽ tạo thuận lợi phần nào cho các đối tượng thực hiện thủ tục. Tuy nhiên, chưa thực sự đột phá, cải cách. Doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng cắt bỏ, đơn giản hóa về điều kiện đầu tư kinh doanh, mà ngay trong các quy định về thủ tục hành chính cũng cần có quy định có tính cải cách mạnh hơn", VCCI nêu.

Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam cần đột phá, rõ ràng hơn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, một số nhận định của Báo cáo cần được xem xét và gia cố thêm. Đơn cử, liên quan đến số lượng văn bản được sửa đổi trong giai đoạn 2020 - 2023, Báo cáo có đưa ra nhận định "về loại công cụ pháp lý được sử dụng, thông tư và nghị định là những công cụ được sử dụng nhiều nhất, chiếm 31% và 66% tổng số. Điều này được mong đợi vì hầu hết những thay đổi đều liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành".

Theo VCCI, đây là nhận định chưa có tính phát hiện. Vì hiện thực hóa các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thì 100% đều là sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy loại hình thức văn bản pháp lý nào cũng sẽ liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành.

VCCI cũng cho biết, tỷ lệ 97% văn bản được sửa đổi là ở cấp thông tư, nghị định có thể cho thấy, những sửa đổi chính ở các văn bản ở cấp thi hành, áp dụng trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh. Vì vậy khi sửa đổi các quy định ở cấp văn bản này thì sẽ áp dụng ngay trong thực tế mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn.

Mặt khác, tỷ lệ 97% cũng đồng nghĩa, các đề xuất sửa đổi ở cấp luật chỉ chiếm chưa đến 3%. Trong khi, nhiều trường hợp vướng mắc, bất cập, cản trở xuất phát từ quy định của luật. Nghị định, thông tư có muốn cải cách hay cắt giảm sẽ chịu ràng buộc ở quy định luật, không thể vượt quá. Vì vậy, nếu không sửa đổi ở luật thì trong một vài trường hợp, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa sẽ không có tính đột phá.

Bên cạnh góp ý, VCCI cũng cung cấp cho Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính một số thông tin liên quan đến ý kiến doanh nghiệp. Đó là, các đề xuất tại các phương án cắt giảm, đơn giản hóa của các Bộ đôi khi còn mang tính hình thức và chưa phản ánh đầy đủ những vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh. Phần lớn đề xuất chỉ có tính chất đơn giản hóa thủ tục hành chính, ít liên quan đến bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay các điều kiện kinh doanh.

Cần làm rõ hơn một số khuyến nghị

Dự thảo Báo cáo "Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam" có đưa ra kiến nghị "cải cách cấp phép cần được hỗ trợ bởi cải cách về kiểm tra" (trang 46). Theo VCCI, nội dung này đang chưa rõ. Hiện Nhà nước đang quản lý hoạt động kinh doanh theo các cơ chế: cấm đầu tư kinh doanh; áp đặt điều kiện kinh doanh và kinh doanh mà không chịu ràng buộc bởi điều kiện hoặc giấy phép ngoài việc đăng ký kinh doanh. Tùy theo mức độ rủi ro và tác động đến lợi ích công cộng mà Nhà nước sẽ xác định các biện pháp quản lý tương ứng. Đối với cơ chế cấp phép hoặc không cấp phép kinh doanh, Nhà nước vẫn thực hiện các hoạt động kiểm tra, thanh tra để đảm bảo doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật.

Cải thiện quy định kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng năng suất ở Việt Nam cần đột phá, rõ ràng hơn- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thứ hai, kiến nghị "cấp phép và kiểm tra là các hoạt động có liên quan với nhau, do đó điều quan trọng là phải phát triển các chiến lược quản lý có xem xét song song các biện pháp kiểm soát trước và sau (kiểm tra). Điều này sẽ đảm bảo một cách tiếp cận chặt chẽ đối với quy định kinh doanh, theo đó các hoạt động kinh tế được xử lý nhất quán dựa trên những rủi ro mà chúng gây ra cho các mục tiêu của cơ quan quản lý. Việc lồng ghép quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra cũng sẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động kinh tế có rủi ro thấp, chịu sự kiểm soát nhẹ nhàng hơn từ trước, sẽ không bị phát hiện" đang không rõ hướng thực hiện sẽ như thế nào đối với các hoạt động kinh doanh.

"Kiến nghị này có được hiểu, đối với các hoạt động rủi ro thấp, cơ quan nhà nước sẽ không tiến hành kiểm tra trước (áp dụng cơ chế tiền kiểm) và áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với các hoạt động kinh doanh này? Báo cáo cần viết rõ hơn về kiến nghị này", VCCI đề xuất.

Đối với kiến nghị "làm rõ danh mục hoạt động kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư" (trang 47), hiện nay việc xem xét điều kiện kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là khá rõ ràng và Luật Đầu tư đã yêu cầu công bố công khai. Các điều kiện kinh doanh quy định cụ thể ở pháp luật chuyên ngành chứ không phải là trong Luật Đầu tư.

Vì vậy, VCCI góp ý: Nhận định việc xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Phụ lục IV của Luật Đầu tư theo hướng áp dụng phân loại các hoạt động kinh tế chuẩn, ví dụ VSIC bốn chữ số "sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người quản lý doanh nghiệp kiểm tra các yêu cầu cấp phép áp dụng cho các hoạt động kinh tế này" chưa thực sự phù hợp. Mặt khác, việc xác định ngành nghề nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho ra hay bỏ vào Danh mục tại Phụ lục IV Luật Đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải là Chính phủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top