Aa

Cảm giác mất mát của chứng khoán bao giờ qua?

Chủ Nhật, 09/02/2020 - 13:30

“Chứng khoán Mỹ tăng hơn 30%, chứng khoán châu Âu và Trung Quốc tăng hơn 20%, chứng khoán các thị trường mới nổi tăng trên 15%, còn chứng khoán Việt Nam chỉ tăng 7,1% năm 2019... Vì sao thế?".

Hiện tại, đông đảo nhà đầu tư lựa chọn cách thức mua giá cao để bán cao hơn và bán rẻ để mua rẻ hơn. Ảnh minh họa: Thành Hoa

“Chứng khoán Mỹ tăng hơn 30%, chứng khoán châu Âu và Trung Quốc tăng hơn 20%, chứng khoán các thị trường mới nổi tăng trên 15%, còn chứng khoán Việt Nam chỉ tăng 7,1% năm 2019 trong khi tăng trưởng GDP của ta thuộc tốp đầu thế giới và các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt. Vì sao thế?”, chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng có trụ sở ở quận 1, TP.HCM tường thuật lại chủ đề cuộc họp cuối cùng của năm ngoái tại ngân hàng ông trước khi nghỉ Tết Canh Tý.

Thế nhưng, ngay cả mức tăng trưởng khiêm tốn 7,1% nói trên cũng đã thay đổi khi chỉ sau ba phiên giao dịch đầu tiên sau Tết, VN-Index đã giảm 6,4%. Trong ngày 3/2/2020 có lúc chỉ số chứng khoán trên sàn HOSE đã rơi xuống dưới ngưỡng 900 điểm, tương đương giảm tới 9,3% so với trước Tết, “thổi bay” cả thành quả của năm ngoái.

Hiệu ứng dịch bệnh do virus corona chủng mới đang tác động trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư bất chấp Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.

Dịch bệnh này đã và còn tiếp tục ảnh hưởng đến một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh là điều không thể phủ định nhưng nó không thể “nhấn chìm” toàn bộ thị trường một khi sự phản ứng thái quá của nhà đầu tư được kiềm chế.

Ở góc độ quan sát, có những thời điểm dường như dịch cúm chỉ là cái cớ để không ít nhà đầu tư bày tỏ nỗi “sợ hãi” dẫn tới bán tháo cổ phiếu. HOSE ghi nhận gần 100 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng chỉ trong 90 phút giao dịch đầu tiên của ngày 3/2/2020. Đã rõ tâm lý của bên bán, những người muốn cắt lỗ và bảo toàn phần vốn liếng còn lại để có thể tham gia vào thị trường khi cơn “bốc đồng” e ngại qua đi.

Còn bên mua thì sao? Ai thuộc nhóm những nhà đầu tư đã chế ngự được cảm xúc và thong thả giải ngân khi thị trường đỏ lửa?

Cảm giác mất mát

Trong cuốn sách Chúng ta quyết định như thế nào? (How we decide) của Jonas Lehrer, tác giả phân tích “ác cảm mất mát” chi phối rất mạnh quyết định của nhà đầu tư. Ông nhìn nhận “nỗi đau do mất mát lớn gấp đôi niềm vui khi đạt được lợi ích”; và “con người có khuynh hướng căm ghét những tổn thất tiềm ẩn, nên hầu hết chúng ta đều hoàn toàn hài lòng khi hy sinh lợi nhuận để đổi lấy sự đảm bảo an toàn”; và “cảm giác sốt sắng đầu tư sẽ tụt xuống ngay lập tức nếu đối tượng thua một canh bạc - đối với họ nỗi đau mất mát vẫn còn mới nguyên”.

Gần 20 năm qua, đầu tư ngắn hạn thống trị thị trường chứng khoán Việt và có lẽ sự hạn hẹp về thời gian nắm giữ cổ phiếu đã khiến nhà đầu tư không thể “đánh đu” với rủi ro. Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng thấu hiểu một khi có một nguyên nhân bao quát với phạm vi ảnh hưởng rộng như dịch cúm do virus corona chủng mới, tâm lý bầy đàn sẽ được kích hoạt với thị trường.

Đó là một phần lý do giải thích vì sao chỉ số lại rớt tới ba phiên liên tiếp và chưa có gì đảm bảo đà suy giảm dừng lại chừng nào chưa có thông tin tích cực về diễn biến dịch cúm ở bên ngoài Việt Nam.

Sự kiên định hay quy luật ngẫu nhiên?

Các nhà môi giới đồng loạt khuyến cáo khách hàng về sự rủi ro trong ngắn hạn và đề cập đến đầu tư dài hạn với sự chọn lọc cổ phiếu cẩn trọng đi kèm ghi chú rằng thị trường có thể phục hồi nhanh chóng với cường độ như khi nó rơi. Kỳ vọng về dịch cúm được khống chế vẫn đang lấp ló đâu đó và tâm lý đổ gãy sẽ ngay lập tức được hàn gắn nếu kỳ vọng này được khẳng định.

Phải chăng những nhà đầu tư mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu trong ngày 3/2/2020 là những người mạo hiểm, hay kiên định, hay đơn giản là họ men theo quy luật ngẫu nhiên? Các diễn giải của Jonas Lehrer trong cuốn sách của ông có thể gây nên rất nhiều tranh luận trái ngược.

Ông viết: “Thị trường chứng khoán là một ví dụ điển hình cho cơ chế ngẫu nhiên. Ta không thể dựa trên xu hướng trong quá khứ của bất kỳ cổ phiếu nhất định nào để dự báo xu hướng tương lai của nó”; và “không có vốn kiến thức hay phân tích sáng suốt nào có thể giúp ai đó biết được điều xảy ra tiếp theo. Mọi công cụ bí hiểm mà giới đầu tư sử dụng nhằm thấu hiểu thị trường đều hoàn toàn vô nghĩa”.

Ông kết luận theo thiên hướng chủ quan cá nhân nhưng không phải không đáng để suy ngẫm: “Do thị trường là một cuộc dạo chơi ngẫu hứng với đường dốc hướng lên, nên giải pháp tốt nhất là chọn một quỹ chỉ số giá rẻ và chờ đợi. Hãy kiên nhẫn. Đừng chú tâm vào điều đáng lẽ đã xảy ra hay bị ám ảnh bởi lợi nhuận của người khác”.

Thêm nữa: “Phố Wall luôn tìm kiếm một thuật toán bí mật đem lại thành công về mặt tài chính, nhưng bí mật chính là “chẳng có bí mật nào cả”. Thế giới này ngẫu nhiên hơn chúng ta tưởng tượng”.

Vấn đề là sự kiên nhẫn có giới hạn không và nếu có thì giới hạn trong thời gian bao lâu? Không gian nào? Nếu sự kiên nhẫn là 2-3 năm hay 3-5 năm, thì mua vào những phiên giảm điểm xem ra thích hợp vì khái niệm cổ phiếu đắt rẻ tùy khẩu vị mỗi người.

Hiện tại đông đảo nhà đầu tư lựa chọn cách thức mua giá cao để bán cao hơn và bán rẻ để mua rẻ hơn. Họ đang chứng kiến điều thường xảy ra nhất trong đầu tư chứng khoán là không có gì giảm mãi hoặc tăng mãi, lợi nhuận hay lỗ lãi phụ thuộc nhiều vào thời điểm bán và mua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top