Aa

Cấm sử dụng chung cư làm văn phòng: Đừng để doanh nghiệp hụt hẫng

Thứ Năm, 28/09/2017 - 21:46

Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ BĐS Hà Nội - cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần có một hệ thống quy phạm pháp luật riêng về hoạt động kinh doanh căn hộ văn phòng (officetel) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Có một thực tế là doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang chiếm tỷ lệ 97% trong tổng số 610.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Giai đoạn vừa qua, khi cấm không được kinh doanh trong chung cư thì rõ ràng các doanh nghiệp phải chuyển sang lựa chọn officetel.

Phao cứu sinh của doanh nghiệp

PV: Trong khi Hà Nội, TP.HCM đang ráo riết trục xuất các doanh nghiệp ra khỏi chung cư thì mô hình officetel được coi như phao cứu sinh. Vì sao mô hình này lại có sức hút đến vậy, thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Thử hình dung khi đất nước phát triển, sẽ có thêm hàng triệu doanh nghiệp mới được thành lập, cho nên nhu cầu văn phòng làm việc là rất lớn. Đa số trong đó là doanh nghiệp siêu nhỏ, mới hình thành và xuất phát điểm chỉ từ 3-5 người. Thậm chí chỉ với 2 người cũng có thể thành lập công ty và mô hình officetel hoàn toàn phù hợp khi vừa ở, vừa làm việc với rất nhiều tiện ích.

Đặc biệt, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc kinh doanh qua mạng sẽ hưởng trọn những ưu thế của sản phẩm này. Khi chúng ta không cho phép kinh doanh ở các chung cư thì phải mở ra một con đường khác là officetel để đón đầu nhu cầu của thị trường.

PV: Tuy nhiên, hiện nay hệ thống các văn bản pháp luật nước ta chưa có quy định rõ ràng về loại hình sản phẩm lai giữa nhà ở và văn phòng, vô hình chung sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Chính vì chưa có sản phẩm lai giữa nhà ở và văn phòng khiến khách hàng gặp nhiều khó khăn khi chọn mua căn hộ. Bởi, nếu xếp officetel là loại hình văn phòng cho thuê thì khách hàng không thể đăng ký hộ khẩu thường trú, còn nếu xếp vào dạng nhà ở thì việc đưa căn hộ này làm văn phòng là sai luật. Hơn nữa, officetel chỉ được sử dụng trong 50 năm, sau 50 năm số phận của tài sản Office-tel sẽ ra sao thì chưa ai biết cả.

Do chưa được pháp luật điều chỉnh trực tiếp và đầy đủ, việc mua bán loại hình sản phẩm này có nhiều nguy cơ xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua. Trước mắt, chủ đầu tư sẽ gặp một số trở ngại pháp lý khi triển khai các dự án, thủ tục xin chuyển đổi công năng hay mục tiêu của dự án. Trong khi đó, khách hàng chưa được cấp quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản nên gây khó khăn trong việc thực hiện quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.

Nhu cầu văn phòng làm việc là rất lớn

Nhu cầu văn phòng làm việc là rất lớn

Bên cạnh đó, một loạt vấn đề như: Cấp phép phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, tạm trú, bãi đậu xe, dịch vụ viễn thông, vận hành phí, xác định phần diện tích sở hữu chung… cũng cần phải được đặt ra để giải quyết sao cho không trái luật nhưng vẫn bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, quyền lợi hợp pháp khách hàng mua officetel.

Để doanh nghiệp không hụt hẫng

PV: Đối với người nước ngoài, officetel rất được ưa chuộng, và Việt Nam hiện nay đang thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài đến đầu tư. Để loại hình bất động sản này phát triển mạnh trong thời gian tới ông có đề xuất gì?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Xây dựng cần vào cuộc nghiên cứu cùng với các địa phương đưa ra các quy định kịp thời để thị trường không bị hụt hẫng, để officetel có thể phát triển một cách mạnh mẽ, đúng tiềm năng.

Về mặt đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (nếu có) cần phải nghiên cứu cấp cho officetel một loại sổ sở hữu tài sản.

Về phía cơ quan tư pháp, cũng cần phải cho loại hình này một cái quyền với những điều luật cụ thể về tài sản đối với tài sản officetel. Ngành Tài chính thì nên đưa ra những hướng dẫn về quỹ đầu tư, trái phiếu…để có thể tạo dòng tiền cho giao dịch sản phẩm officetel; cũng như định giá, áp giá, thuế đối với sản phẩm này.

PV: Quay trở lại câu chuyện doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu cơ quan quản lý không “rộng đường” để loại hình này phát triển thì hệ lụy sẽ thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Điệp: Giai đoạn vừa qua, khi cấm không được kinh doanh trong chung cư thì rõ ràng các doanh nghiệp phải chuyển sang lựa chọn officetel. Giả sử officetel cũng không được tạo điều kiện phát triển, trong khi giá thuê văn phòng cao, các công ty siêu nhỏ buộc vẫn phải thuê các văn phòng trong chung cư thì rõ ràng sẽ gây ra sự lẫn lộn, không minh bạch và hiệu lực của pháp luật sẽ không cao.

Chúng ta cấm nhưng nhu cầu người ta có, thì rõ ràng doanh nghiệp buộc phải làm liều, như thế thể chế sẽ không còn minh bạch và gây ra hiện tượng “nhờn” luật. Và câu chuyện thực tế hơn 1 năm qua vẫn chưa chuyển được hết doanh nghiệp ra khỏi chung cư là như vậy.

- Vâng! Xin cảm ơn ông.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top