Một đồng nghiệp, cũng là người bạn chơi khá lâu với tôi, mới đây bỗng thật thà thú nhận:
"Mình mắc một căn bệnh rất khó sửa là luôn bị dằn vặt rồi tự hành hạ bởi những thành công của người khác. Ai đó ở cơ quan, là người quen hoặc bạn bè được thăng quan tiến chức, được đi công tác nước ngoài, giàu có hơn người… là mình thấy... không chịu được.
Đôi khi cũng tự trấn an, muốn quên chuyện của họ đi. Vả lại, tự nghĩ đó là cuộc đời hiện diện như chính nó là vậy để mình thoải mái, vô tư nhưng mình không làm được. Cứ gặp họ là cái máu ganh tị, khó chịu lại nổi lên, thế nào cũng tìm cách nói này nói nọ. Nghĩ rằng, làm như vậy sẽ bớt đi nỗi dày vò ấm ức trong con người mình…
Đêm về nhà, bình tĩnh nghĩ lại, thấy mình thật tầm thường, muốn gọi điện xin lỗi bạn nhưng tự ái lại nổi lên, thế là mặc họ muốn nghĩ thế nào cũng được. Bạn bè cứ thế ít dần đi... Giờ thì già rồi, hưu rồi, cũng chẳng làm nên công cán gì, chẳng hơn được ai. Bạn bè tri kỷ chả có mấy người. Giờ muộn rồi, làm lại không kịp nữa…"
Nghe bạn tâm sự, tôi suy nghĩ mãi. Bạn tôi đã nhận ra một khiếm khuyết mà trong mỗi chúng ta ít nhiều đều có nhưng nhiều khi không tự biết, mà có biết cũng thường không thừa nhận, chỉ vì tự ái, sĩ diện, làm dở cho chính mình và liên lụy người khác…
Là người từng cùng làm việc lâu với bạn, tôi đã chứng kiến nhiều lần bạn tôi tìm cách hạ bệ những ai may mắn hơn anh, nhất là trong các cuộc gặp mặt bạn bè. Bạn tôi đã tuyệt giao với một người bạn chơi từ thuở nhỏ chỉ vì người ấy là một người giỏi thực sự, có quan hệ khá rộng với những người có uy tín và địa vị xã hội. Vậy mà mỗi lần gặp mặt, bạn tôi không bỏ lỡ cơ hội chọc tức, thậm chí còn cao giọng dè bỉu bạn mình giữa đám đông. Không chịu được sự vô lối ấy, người bạn kia phản ứng lại, thế là họ chia tay nhau…
Chính tôi cũng đã từng trở thành nạn nhân. Hồi tôi được cấp trên cất nhắc lên một chức nhỏ. Thực ra, chức quyền trong ngành văn hóa cũng chẳng lợi lộc danh giá như nhiều lĩnh vực kinh tế, cũng chả nhiều tiền và nhiều lợi ích gì khác, được giao thì mình làm thôi. Thế mà bạn tôi không để tôi yên. Khi thì trong cuộc họp, cứ tôi có ý kiến gì là anh tìm cách bác bỏ. Anh phê phán tôi không sát thực tế, không hiểu gì về đời sống xã hội, chức vụ mà tôi có được như hiện nay là ăn may… Khi khác, ở nơi không có mặt tôi, anh khéo léo bịa đặt, nói không tốt về tôi. Có ai đó không tin, hỏi: “Bằng chứng đâu?”, thì anh ấy trả lời tỉnh queo: “Cần gì bằng chứng, chỉ nhìn là biết”.
Căn bệnh này của anh bạn đồng nghiệp đã đã phát tác, tích tụ rồi dần dần trở nên trầm trọng, rồi thành thâm căn cố đế, khó sửa. Lúc đầu anh ấy che giấu được, nhiều người không để tâm, nhưng dần dần nhiều bạn bè nhận rõ ra thì cứ mỗi ngày một xa lánh dần. Cho mãi tới khi về hưu, anh ấy mới bàng hoàng nhận ra sự thật…
Cũng may, dù muộn, anh còn kịp biết được cái bệnh đố kỵ tai hại này. Bạn bè, trong đó có cả tôi là người từng bị anh làm cho nhiều đận khó xử, vẫn còn chơi với anh. Cái chính không phải cho anh mà còn cho cả chúng tôi nữa. Tôi muốn mình được thanh thản, không phải dày vò vì những việc nhỏ nhặt thường ngày mà mất đi mối bang giao từng có với nhau sau nhiều năm công tác. Vả lại, anh cũng là người đã về hưu, cố chấp với anh hóa ra mình lại tầm thường quá…
Thực ra trong mỗi chúng ta, đã sống trên đời ai cũng có mong muốn thành đạt, sung sướng. Và đã là con người thì không thể hoàn hảo. Hoàn hảo chỉ là ảo tưởng. Ngay cả những người thành đạt, đằng sau bao giờ cũng tàng chứa nhiều khổ hạnh thường trực. Nhiều người phải trả giá đắt cho thành công của mình.
Cuộc sống hiện đại, dồn dập và lan tràn thực dụng, làm nảy sinh nhiều thói hư tật xấu. Đôi khi ta rất cần thời gian dài để tĩnh tâm, để thật sự được sống trong yên lặng. Chỉ khi ở trạng thái tĩnh tâm, ta mới có cơ hội soi sáng vào cõi sâu thẳm của nội tâm. Và lúc đó ta mới đủ sáng suốt nhận biết cội nguồn của điều hay, điều dở, cho ta cách cảm nhận cuộc sống, cách điều chỉnh đúng đắn, hợp lý để cùng chia sẻ với mọi người.
Từ đó, ta biết tự tạo cho ta những tình cảm chân thực, không vụ lợi, cho ta vô tư, thoải mái và chỉ khi đó ta mới thoát ra khỏi âu lo, dằn vặt, mới thanh thản, rồi mới tìm thấy hứng khởi để mà sống... Nếu con người bị căn bệnh đố kỵ vụn vặt làm cho quay cuồng thì chỉ chuốc lấy bi lụy. Bạn bè thân thiết, những người tốt dần rời bỏ...
Căn bệnh đố kỵ thường hành hạ, làm mệt mỏi tâm can, thủ tiêu ước muốn, gây thêm chán nản, khiến con người mất đi hứng khởi và cảm xúc để làm được những gì khả dĩ. Thật bất hạnh làm sao.