1. Vùng quê tôi nghèo lắm. Bây giờ tuy có đỡ hơn nhưng vẫn còn nghèo. Tôi vẫn thường nói với bạn bè: Quê mình là một cái làng cuối xã của một xã cuối huyện, nằm áp chân đê sông Thương, đầu bãi mom sông, có cái tên nôm na là làng Mứa (*).
Đại đa số dân quê tôi làm nghề nông, suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Những người bươn ra ngoài kiếm cơm Nhà nước, nếu tính từ quãng 1975 trở về trước, có thể nói chỉ tính trên đầu ngón tay. Mấy người học hết cấp hai, may mắn đi học 7+3, rồi làm thầy cô giáo cấp 1, cấp 2 trong tỉnh.
Một vài người do có tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ, thương binh, được đi học công nhân ở nước ngoài. Vài ba người đi bộ đội rồi ở lại làm quân nhân chuyên nghiệp. Có thế thôi. Làng lúc bấy giờ chưa có phong trào học hành như bây giờ. Lúc ấy đói mọi thứ, đói ăn, đói sách, đói chữ, đói những chân trời…
Trong dòng họ nhà tôi có một người, tôi gọi bằng chú, làm nghề dạy học cấp hai. Chú dạy đủ các môn thuộc lĩnh vực xã hội, trong đó có môn văn. Chú có một tủ sách trong nhà. Gọi là tủ sách, cũng chỉ có vài chục cuốn, chủ yếu là sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong số đó cũng có vài cuốn sách hay. Tôi lúc bấy giờ nhìn chú và một vài người trong làng đi đi về về trong những ngày chủ nhật, lòng thầm cảm phục và mơ ước rằng giá như sau này lớn lên được “thoát ly” như họ…
Thi thoảng, tôi đánh liều ra thăm nhà chú. Tôi ngắm nghía tủ sách, rồi mạnh dạn mượn chú một vài quyển mang về đọc. Chắc là thấy tôi ham đọc, chú liền vui vẻ cho mượn. Đọc hết quyển này lại mang trả để mượn quyển khác. Chả mấy lúc sách hết veo…
Không rõ ngày đó tôi đọc được bao nhiêu, nhưng tôi nhớ mãi có hai cuốn tôi đọc được từ tủ sách bé nhỏ này: Không gia đình của Hector Malot và cuốn Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky. Một cuốn đánh động trong tôi lòng thương cảm đối với con người, một cuốn thắp trong tôi tình yêu và nghị lực. Cả hai cuốn đã ngấm vào tôi như vị thuốc bắc, giúp tôi nhân lên những hồng cầu… Lòng yêu sách của tôi có lẽ bắt đầu như vậy đó.
Tôi nhớ mãi có một bận, lúc đang ở với dì (dì lấy chồng chưa có con, chú đi công tác xa, mẹ tôi dỗ tôi ra ở với dì cho đỡ quạnh), trưa hôm ấy, tôi vừa đun nồi cơm trên bếp rạ vừa đọc sách. Đun mãi, khi thấy mùi khét lẹt, vội mở nồi cơm ra, ôi thôi cả nồi cháy đen thui. Thì ra khi vo gạo trong nồi, mải nghĩ về sách, tôi quên không cho nước. Sợ dì mắng, tôi không biết “phi tang” bằng cách nào, bèn trèo lên giường đi ngủ. Nhưng đâu có ngủ được.
Khi dì đi làm về hỏi cơm nước thế nào rồi, tôi vừa định nói câu gì đó nhưng chưa kịp nói đã òa khóc. Mãi sau tôi mới thú tội do lúc sắp nồi quên không đổ nước, dì bảo nín đi có gì mà phải khóc, để dì nấu nồi khác có sao… Sau này tôi mới hiểu thêm, dì tôi hay nương nhẹ tôi bởi vì sợ tôi dỗi mà bỏ về với mẹ, thôi không ở với dì nữa.
2. Đôi khi ta vẫn thường hay nghe nói: Sách là bạn. Nhưng nếu không qua một trải nghiệm nào đó, chắc không cảm thấy hết được hàm nghĩa thực sự của câu nói ấy.
Tôi có hai câu chuyện nhỏ, bây giờ nhớ lại vẫn có chút buồn buồn…
Chuyện thứ nhất: Năm tôi rời Cao đẳng sư phạm Tây Bắc (nay là Đại học Tây Bắc) để chuyển công tác về xuôi. Khi rời khỏi cơ quan buộc phải làm thủ tục trả lại một số thứ đã mượn nhà trường, trong đó có những cuốn sách của thư viện.
Có những cuốn mới mượn ít ngày. Có những cuốn mượn đến hai ba năm giữ rịt cho mình, mặc dù biết thế là phạm quy. Hôm ấy, khi đi trả sách cho thư viện, tôi cứ tần ngần. Tôi lần giở một vài trang sách thân quen. Có những trang gấp mép. Có những chỗ đánh dấu bút chì. Mỗi trang sách khiến tôi nhớ lại một vài cảm xúc nào đó. Tần ngần mãi rồi thì cũng phải trả. Hôm ấy, tôi về phòng vội viết bài thơ, đến bây giờ vẫn nhớ mấy câu:
Đâu chỉ còn là trang sách
Cuộc đời đằm trong đấy thôi
Bỗng đâu “tụi mình” xa cách
Lời thương giữa sách với người
Sách ơi giã từ sách nhé
Chỗ nào còn đánh dấu trang
Phập phồng từng con chữ nhỏ
Có lần làm mình nghẹt thở
Đêm đêm thấp thỏm tim đèn…
Trước khi khoác ba lô về xuôi, tôi đã kịp gửi tặng bài thơ này cho cô thủ thư. Bây giờ thỉnh thoảng gặp lại, cô ấy vẫn nhắc bài thơ ân tình đó.
Chuyện thứ hai: Năm tôi đang học Thạc sỹ ở Trường Sư phạm Hà Nội (1988-1989), có lần tôi đã đem phải bán cho hiệu sách cũ bộ 2 tập Thơ Đường. Ngày ấy, lũ chúng tôi đi học đúng lúc cả nước chìm trong cơn đói. Đói do đồng tiền mất giá. Đói do chính chúng tôi chả biết căn cơ, đã túng tiền lại còn tiêu bạt mạng.
Lần ấy, có người bạn miền Nam ra chơi, lại đem theo cô người yêu ra cùng. Nhìn đi nhìn lại không có gì tiếp bạn. Vay thì không dám nữa, bởi người có thể vay được cũng đã vay rồi. Tôi bèn leo lên giá sách còm, len lén sợ bạn mình nhìn thấy lấy vội tập thơ này đi bán. Vô cùng tiếc. Lại có chút xót xa, tủi tủi. Nhưng không thể khác. Bữa cơm đón bạn có phần tươm tất hơn. Bạn tôi chắc chắn cho đến tận bây giờ vẫn không hề biết hôm ấy tôi đã bán sách đãi bạn…
Sau chừng ít năm, một hôm có một khoản nhuận bút gì đó, tôi lại đi tìm mua được bộ sách quý giá này trong một hiệu sách cũ. Bây giờ mở trang đầu quyển sách này ra, tôi vẫn còn gặp dòng chữ do chính tôi ghi: “Đã có lần đói quá bán đi, cảm thấy có tội, giờ chuộc lại”. Ôi một thời đói khổ mà vẫn không thôi yêu sách…
3. Nghĩ lại những năm khốn khó, nhờ sách mà tôi có chút chữ nghĩa để ăn ở với đời, nên cách đây ít năm tôi nảy ra ý tưởng dựng một Tủ sách ở quê, cụ thể hơn, ở nhà ông anh cả tại quê. Theo cách của anh Nguyễn Quang Thạch, một người nổi tiếng có công đầu cho việc phát động và gây dựng phong trào Sách hóa nông thôn trên cả nước hiện nay, tủ sách ấy được gọi là Tủ sách dòng họ.
Đem ý tưởng này bàn với bố mẹ và các anh em tôi ở quê, ai cũng đồng tình. Tôi bèn rủ thằng cháu ruột (đang làm nghề báo tại Hà Nội) cùng xây dựng tủ sách này. Ban đầu phải đóng một cái tủ. Sau đó phải san sẻ sách, kiếm sách để lấp cho đầy cái tủ sách ấy.
Do sách chưa có nhiều, tôi tạm chia ra làm mấy ngăn: Sách cho thiếu nhi, Sách khoa học kỹ thuật và pháp luật, Sách văn chương. Tôi bảo bác cả: “Ở nhà, bất kể ai đến chơi, có nhã ý mượn sách, bác cứ cho mượn; nên ghi chép và hẹn ngày trả, đừng để mất. Đặc biệt khuyến khích cái đám trẻ con đọc sách, ưu tiên cho các cháu”. Bây giờ nhìn lại, tủ sách đã có khoảng chừng trên 500 cuốn, cũng lan man đủ các loại.
Hôm vừa rồi về Tết, tôi hỏi bác cả xem hồi này có nhiều người mượn sách đọc không, bác cười cười: “Những lúc nông nhàn thong dong còn có người mượn, chứ còn khi vào vụ thì làm bở hơi tai cũng chả hết việc, tâm trí đâu mà sách nữa”. Một chút chạnh lòng. Nhưng tôi nghĩ thế cũng là phải. Sách chỉ có thể được đọc trong những lúc tâm thế thư nhàn. Những khi chân lấm tay bùn, những khi lam lũ, những khi “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” thì sách vở có khi chỉ còn là thứ đồ xa xỉ…
Nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng người Mỹ gốc Trung Quốc Lâm Ngữ Đường có lần nói: “Văn hóa là hoa trái của sự nhàn hạ”. Vâng, chỉ có nhàn hạ một chút, tức là phải có một điều kiện sống tối thiểu, con người ta mới có nhu cầu tìm đến tri thức, mới có nhu cầu sáng tạo.
Tuy nghĩ thế, nhưng tôi lại thưa thốt với bác cả nhà tôi: “Trong số những đứa trẻ đến nhà ta đọc sách hôm nay, có thể không nhiều, nhưng biết đâu những cuốn sách như những hạt giống tri thức, hạt giống tâm hồn gieo vào lòng chúng, đến lúc nào đó nó nảy nở, tươi tốt. Biết đâu nay mai trong số đó, có đứa lại là kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học sáng giá nào đó, biết đâu…”. Nghe xong, ông anh cả tôi cười bảo: “Chú nói thế cũng có lý”.
Trên thế giới đã có Ngày đọc sách và bản quyền thế giới (23/4 hằng năm) từ lâu. Mấy năm nay phong trào kỷ niệm ngày này đã lan sang bên ta rầm rộ lắm. Do mới mẻ, nên vẫn còn chút khoa trương, nhưng ít nhiều đã và đang góp phần gây dựng một văn hóa đọc ở xứ sở này.
Người ta nói rất nhiều về sách và văn hóa đọc. Trong trùng trùng những câu nói hay ho về sách và đọc sách, tôi thấm thía nhất câu này của một nhà triết học người Nhật Bản Kaibara Ekken (1630-1714): “Không có thú vui nào trên thế giới có thể sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác”.
_________________
(*) Tên mỹ tự trước đây: Làng Liên Hoa; tên hành chính hiện nay: Thôn Liên Bộ, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.